Đa dạng sinh học có vai trò quan trọng đối với việc cân bằng hệ sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là với mục tiêu phát triển bền vững.Việt Nam là một trong 16 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới, song trong những năm gần đây, đa dạng sinh học của Việt Nam đang trên đà suy giảm do các áp lực từ biến đổi khí hậu và con người.
Trong 4 loài tê tê châu Á có 2 loài nằm trong Danh lục Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế ở mức cực kỳ nguy cấp, cụ thể tại Việt Nam có hai loài là: tê tê vàng và tê tê Java.
Không chỉ tê tê, Việt Nam còn là “ngôi nhà” của 24 loài linh trưởng. Đáng tiếc là, 90% tổng số loài linh trưởng của Việt Nam đang ở mức vô cùng nguy cấp khi đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Chính vì vậy, ở Cúc Phương, dưới tán rừng già người ta đang ngày đêm chăm sóc, bảo vệ để cho “linh hồn” của rừng không biến mất.
Các loài sinh vật và động vật dưới nước cũng không ngoại lệ. Sau khi khảo sát, không chỉ các rạn san hô quanh khu vực Hòn Mun mà ở các đảo khác trong vịnh Nha Trang đều bị hư hại, suy giảm. San hô là môi trường sống của rất nhiều loài sinh vật.
Từ các dữ liệu phân tích, báo cáo cho thấy 21% các loài thú, 6,5% các loài chim, 19% các loài bò sát, 24% các loài lưỡng cư, 38% các loài cá và 2,5% các loài thực vật có mạch của Việt Nam đã và đang bị đe doạ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam, bao gồm cả những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp.
Việt Nam có 173 khu bảo tồn thiên nhiên. Cùng với đó là 9 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế; và 10 khu bảo tồn biển đã được thành lập. Để bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững các hệ sinh thái này quả thực là một bài toán vô cùng khó.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!
Nguồn TRANG TIN ĐIỆN TỬ TRUYỀN HÌNH QUỐC HỘI VIỆT NAM