Tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với sự sống trên Trái Đất

Trái Đất đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng khi sự phong phú của các loài sinh vật và hệ sinh thái tự nhiên ngày càng suy giảm. Từ mất rừng, biến đổi khí hậu đến nạn săn bắt trái phép, con người đang gây ra những tổn hại lớn, đe dọa đến sự cân bằng của hệ sinh thái và chính cuộc sống của chúng ta. Để bảo vệ hành tinh xanh, việc hành động kịp thời nhằm bảo vệ các loài sinh vật và duy trì sự cân bằng tự nhiên là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết.

Vai trò của đa dạng sinh học trong hệ sinh thái

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng hệ sinh thái đa dạng có nhiều ưu điểm trong việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản của cuộc sống, như thực phẩm và nước sạch. Không chỉ vậy, những hệ sinh thái này còn có khả năng phục hồi nhanh chóng sau các thiên tai, nhờ vào sự cân bằng và ổn định mà chúng tạo ra. Hệ sinh thái đa dạng cũng đảm bảo sự chu chuyển của các chu trình địa hóa như oxy và các nguyên tố cơ bản như carbon và nitơ. Điều này giúp duy trì sự ổn định của đất đai ở nhiều khu vực trên Trái đất, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm và tác động của thiên tai.

Con người hiện nay đang phụ thuộc vào hai nguồn năng lượng chủ yếu: năng lượng hóa thạch, một tài nguyên không tái tạo, và đa dạng sinh học, một nguồn tài nguyên có thể tái tạo nhưng không phải vô hạn. Vì vậy, việc bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH) là một yếu tố tiên quyết đối với sự phát triển bền vững.

Không chỉ có vai trò trong việc cung cấp thực phẩm, ĐDSH còn thực hiện nhiều chức năng quan trọng khác như điều hòa nước, chống xói mòn đất, đồng hóa chất thải, làm sạch môi trường và bảo vệ vòng tuần hoàn vật chất, năng lượng trong tự nhiên. Đặc biệt, ĐDSH giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực từ thiên tai, hạn chế những ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu.

Các hệ sinh thái rừng đầu nguồn và vùng đệm đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ mức độ lũ lụt và hạn hán, đồng thời duy trì chất lượng nước. Các quần xã thực vật đóng vai trò không thể thiếu trong việc điều hòa khí hậu địa phương, khu vực và thậm chí cả khí hậu toàn cầu. Chúng còn có khả năng phân hủy các chất ô nhiễm như kim loại nặng, thuốc trừ sâu và các chất thải sinh hoạt, vốn đang gia tăng do các hoạt động của con người.

Ở những khu vực cửa sông và ven biển, hệ sinh thái thực vật và tảo là mắt xích đầu tiên trong chuỗi thức ăn, cung cấp nguồn sống cho các loài hải sản như trai, sò, tôm, cua. Các rạn san hô và thảm thực vật ven biển không chỉ giúp bảo vệ bờ biển khỏi sự tàn phá của sóng mà còn làm giảm xói mòn đất và bảo vệ các hệ sinh thái ven bờ.

Có thể khẳng định rằng giá trị của ĐDSH, từ các quá trình sinh thái đến các chức năng mà hệ sinh thái đảm nhận, là vô giá. Những lợi ích này không thể đo đếm được bằng tiền và thường không được phản ánh trong các chỉ số kinh tế như GDP. Tuy nhiên, chúng lại đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự phát triển của nền kinh tế và bảo vệ sự bền vững của môi trường.

Nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái

Tình trạng suy giảm ĐDSH hiện nay đang xảy ra với tốc độ rất nhanh và phần lớn là kết quả của hoạt động của con người và đây chính là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển của nhân loại. Nạn phá rừng và đô thị hóa đang làm mất môi trường sống của nhiều loài động, thực vật. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), khoảng 10 triệu ha rừng biến mất mỗi năm, dẫn đến sự tuyệt chủng của hàng nghìn loài. Số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh. Các nguồn gen hoang dã cũng đang trên đà suy thoái nhanh và thất thoát. Cũng theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, con người đã làm gia tăng tốc độ tuyệt chủng của các loài gấp 1.000 lần so với tỷ lệ tự nhiên. Tổng cộng có trên 17.000 loài được biết đến đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Các nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã cũng gây tác động lớn. Nhiều loài động vật quý hiếm đang bị săn bắt một cách tàn nhẫn để phục vụ nhu cầu tiêu thụ xa xỉ, chẳng hạn như lấy ngà voi, sừng tê giác, hay vảy tê tê. Tê tê – loài động vật có vảy duy nhất trên thế giới – đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do bị săn bắt để làm thuốc và thực phẩm. Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF), khoảng 20.000 con tê giác đã bị giết hại trong vòng hơn 10 năm qua.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường cũng là một tác nhân nguy hiểm. Rác thải nhựa đang làm ô nhiễm đại dương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loài sinh vật biển. Các rạn san hô – hệ sinh thái biển phong phú nhất – đang bị tẩy trắng với tốc độ đáng báo động do sự gia tăng nhiệt độ nước biển và ô nhiễm hóa chất. Nếu không có biện pháp khắc phục, chúng ta sẽ mất đi không chỉ một hệ sinh thái mà còn cả nguồn thực phẩm và sinh kế của hàng triệu người sống dựa vào biển.

Trước những mối đe dọa nghiêm trọng này, việc bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học cần được thực hiện khẩn cấp. Chính vì vậy, các quốc gia đã phối hợp để xây dựng và thực thi các chính sách bảo tồn, từ việc thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên đến việc giảm phát thải khí nhà kính nhằm hạn chế biến đổi khí hậu. Công ước về Đa dạng Sinh học (CBD) là một nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy sự hợp tác để bảo vệ tài sản thiên nhiên này. Tại Việt Nam, các vườn quốc gia như Cát Tiên, Phong Nha – Kẻ Bàng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

Theo các nhà khoa học, bảo tồn sự đa dạng sinh học chính là chìa khóa để bảo vệ cuộc sống bền vững của muôn loài, trong đó có con người. Việc bảo vệ đa dạng sinh học không chỉ là nhiệm vụ của chính phủ hay các tổ chức quốc tế mà còn là trách nhiệm của từng cá nhân trong xã hội. Mỗi người đều có thể đóng góp, từ việc nâng cao nhận thức về giá trị của tự nhiên, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường cho đến việc lựa chọn lối sống bền vững hơn. Chỉ khi tất cả cùng chung tay, chúng ta mới có thể tạo ra sự khác biệt và bảo vệ chính cuộc sống mình trong một tương lai phát triển và bền vững hơn./.

NBCA