Tăng cường năng lực, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về lập đánh giá rủi ro của cây trồng biến đổi gen đối với môi trường và đa dạng sinh học.

Trong 2 ngày 29 và 30 tháng 5 năm 2015, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Chương trình hệ thống an toàn sinh học (PBS) thuộc Viện nghiên cứu chính sách thực phẩm quốc tế (IFPRI) và Tổ chức CropLife tổ chức Hội thảo “Đánh giá rủi ro của cây trồng biến đổi gen đối với môi trường và đa dạng sinh học”.

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Jeff Stein, điều phối viên khu vực châu Á – Thái Bình Dương Chương trình hệ thống an toàn sinh học Hoa Kỳ. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Y tế; các thành viên Hội đồng An toàn sinh học; các chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực an toàn sinh học.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế thuộc Chương trình hệ thống an toàn sinh học Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp Phillipines, Ấn Độ đã trình bày, trao đổi những thông tin về tác động của cây trồng biến đổi gen đến tập quán canh tác và những kinh nghiệm thẩm định, cấp phép cây trồng biến đổi gen của một số nước trên thế giới, qua đó áp dụng có hiệu quả kinh nghiệm của quốc tế trong các điều kiện cụ thể tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận và tiến hành hoạt động thẩm định đối với các hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học của các sự kiện ngô biến đổi gen. Trong đó nội dung về thẩm định Báo cáo đánh giá rủi ro của cây trồng biến đổi gen đối với môi trường và đa dạng sinh học được xem là hết sức quan trọng, đòi hỏi cần nhiều thời gian, sự đầu tư về chuyên môn và kinh nghiệm của chuyên gia trong các lĩnh vực về công nghệ sinh học, quản lý môi trường/ hệ sinh thái, côn trùng, vi sinh vật, sinh học nông nghiệp…. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho 4 sự kiện ngô biến đổi gen (MON89034, NK603, GA21 và Bt11).
Trong thời gian tới, để công tác đánh giá rủi ro cây trồng biến đổi gen được thực hiện một cách hiệu quả, cần phải được tăng cường nhiều hơn về năng lực đánh giá rủi ro của cây trồng biến đổi gen thông qua các đợt tập huấn, hội thảo chuyên sâu về các khía cạnh cụ thể của đánh giá rủi ro đối với môi trường và đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Phòng QLNG&ATSH,
Cục Bảo tồn đa dạng sinh học.