Di sản thiên nhiên là tài sản quý giá, không chỉ có ý nghĩa về môi trường mà còn mang giá trị khoa học, văn hóa, du lịch và kinh tế. Với vị trí và điều kiện tự nhiên đặc thù, Việt Nam có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, độc đáo, được biết đến là một trung tâm đa dạng sinh học của thế giới với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng; nhiều loài hoang dã, đặc hữu quý hiếm; nhiều nguồn gen có giá trị. Tuy nhiên, những năm gần đây, các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị suy giảm với tốc độ rất nhanh. Tuy nhiên, trước áp lực từ phát triển kinh tế – xã hội, biến đổi khí hậu và hoạt động khai thác tài nguyên, việc quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trở thành một nhiệm vụ cấp bách.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có quy định cụ thể về bảo vệ môi trường đối với di sản thiên nhiên. Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng thực hiện trong vùng lõi của di sản thiên nhiên hoặc có sử dụng đất của vùng lõi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của vùng đệm của di sản thiên nhiên phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, trong đó có đánh giá chuyên đề về tác động tới thiên nhiên, đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến di sản thiên nhiên, gây suy thoái hệ sinh thái và đa dạng sinh học như hiện nay, nhiều khu di sản thiên nhiên đang đối mặt với tình trạng suy thoái rừng, ô nhiễm môi trường, mất đa dạng sinh học do khai thác tài nguyên không bền vững. Sự xâm phạm của hoạt động du lịch không kiểm soát, săn bắt động vật hoang dã, chuyển đổi đất rừng đang làm suy giảm hệ sinh thái. Mặt khác, hiện tượng nước biển dâng, xói mòn, hạn hán, cháy rừng ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều khu bảo tồn; san hô, rừng ngập mặn, các loài động thực vật đặc hữu có nguy cơ suy giảm do nhiệt độ tăng và sự thay đổi của môi trường sống.
Không chỉ vậy, áp lực từ phát triển kinh tế – xã hội luôn gây xung đột lợi ích giữa bảo tồn và phát triển kinh tế khiến nhiều khu vực thiên nhiên bị xâm hại, bởi các hoạt động khai thác khoáng sản, du lịch, nông nghiệp và đô thị hóa tác động mạnh đến các khu vực di sản.
Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo tồn các khu di sản thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn chú trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ di sản thiên nhiên. Theo đó, rà soát, bổ sung và thực thi các quy định pháp luật chặt chẽ hơn về bảo tồn di sản thiên nhiên; Tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm môi trường, khai thác tài nguyên trái phép; Lồng ghép bảo tồn di sản thiên nhiên vào các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, du lịch bền vững.
Mặt khác, việc tăng cường công tác bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái thông qua mở rộng và nâng cấp các khu bảo tồn, vườn quốc gia, khu di sản thiên nhiên nhằm bảo vệ hệ sinh thái quan trọng bằng cách thực hiện các chương trình trồng rừng, phục hồi rạn san hô, bảo tồn loài nguy cấp, giảm tác động của biến đổi khí hậu; kiểm soát chặt chẽ hoạt động du lịch sinh thái, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái cũng là những biện pháp hiệu quả.
Những năm trở lại đây, việc truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và đẩy mạnh giáo dục môi trường trở thành ưu tiên mũi nhọn của quốc tế, khu vực và Việt Nam. Bởi, bảo tồn đa dạng sinh học là công tác cần sự chung tay từ các cấp chính quyền tới mỗi cá nhân, xuất phát từ nhận thức của mỗi người. Các chương trình tuyên truyền, giáo dục về giá trị của di sản thiên nhiên cho cộng đồng và du khách đã được tổ chức thường xuyên, từ đó khuyến khích sự tham gia của người dân địa phương vào công tác bảo vệ di sản thông qua các mô hình du lịch cộng đồng, phát triển sinh kế bền vững. Song song với đó, các chương trình đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý di sản thiên nhiên về bảo tồn và bảo vệ môi trường cũng được xây dựng nhằm tăng cường năng lực cho các cán bộ thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo tồn.
Trong thời đại 4.0, việc ứng dụng khoa học – công nghệ trong quản lý di sản thiên nhiên là hết sức cần thiết. Trong đó, sử dụng công nghệ viễn thám, GIS để giám sát diện tích rừng, rạn san hô, động thực vật quý hiếm đang trở nên phổ biến. Ngoài ra, gần đây, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), camera giám sát để phát hiện và ngăn chặn vi phạm môi trường; thực hiện các nghiên cứu khoa học để tìm kiếm giải pháp phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ loài nguy cấp.
Việc tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên không chỉ góp phần giữ gìn sự đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế – xã hội. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng, cùng với việc ứng dụng công nghệ và nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên trong toàn xã hội./.
NBCA