Tập huấn “Về đánh giá rủi ro đối với môi trường và đa dạng sinh học”

05 tháng 9 năm 2013 tại Vĩnh Phúc, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học phối hợp với Chương trình An toàn sinh học và Trung tâm đánh giá rủi ro môi trường, Hoa Kỳ tiến hành Tập huấn “về đánh giá rủi ro đối với môi trường và đa dạng sinh học”

 

Tham dự và phát biểu khai mạc Tập huấn có Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong bài phát biểu của mình bà Hoàng Thị Thanh Nhàn đã thông báo một số tình hình về quá trình khảo nghiệm cây trồng biến đổi gen tại nước ta, số lượng các sự kiện đã nộp hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học và nêu lên mục tiêu chính của Tập huấn lần này.

Tham gia trình bày, chia sẻ các kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong đánh giá rủi ro đối với môi trường và đa dạng sinh học, có 02 chuyên gia:

– Ông Jeff Stein, Điều phối viên khu vực châu Á, Chương trình an toàn sinh học

– Ông Andrew Roberts, Phó Giám đốc, Trung tâm đánh giá rủi ro môi trường

Trong 02 ngày diễn ra tập huấn, các đại biểu đã được nghe, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các nội dung chính như sau:

  1. Ông Lê Văn Hưng, Trưởng phòng Quản lý nguồn gen và an toàn sinh học, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, giới thiệu hệ thống pháp lý và thể chế về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen.
  2. Ông Andrew Roberts trình bày về các nội dung: Lý thuyết và nguyên tắc đánh giá rủi ro môi trường, Xác định mục tiêu bảo vệ môi trường liên quan đến đánh giá rủi ro cây trồng biến đổi gen; Xác định vấn đề trong đánh giá rủi ro môi trường cây trồng biến đổi gen. Trong thời gian diễn giả trình bày, các đại biểu cũng tập trung nêu ra các câu hỏi cũng như thảo luận về các vấn đề đánh giá rủi ro môi trường của cây trồng biến đổi gen, các kinh nghiệm của Hoa Kỳ và một số nước trên thế giới về vấn đề đánh giá rủi ro môi trường, các câu hỏi về các bằng chứng về các tác hại của cây trồng biến đổi gen đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khoẻ con người, các nội dung cần phải xem xét trong đánh giá rủi ro đối với môi trường và đa dạng sinh học.
  3. Ông Jeff Stein trình bày nội dung liên qua nđến các yếu tố chủ yếu trong đánh giá rủi ro môi trường; Cân nhắc an toàn của các sự kiện ngô chuyển gen GA21, NK603, Bt11, MON89034; Các quyết định của các cơ quan thẩm quyền trên thế giới và các tài liệu khoa học về đánh giá rủi ro.

Các nội dung thảo luận chính tại Tập huấn:

Các khía cạnh đánh giá rủi ro đối với câytrồng biến đổi gen gồm:

– Trôi gen gồm trôi gen dọc và trôi gen ngang. Khi xem xét các yếu tố trôi gen dọc (hay trôi gen giữa cây trồng biến đổi gen sang các loài cây trồng có họ hàng hoặc các loài cây hoang dại) thì yếu tố đầu tiên cần xem xét là liệu có sự tương thích về mặt sinh sản giữa các cây họ hàng với cây trồng biến đổi gen hay không và yếu tố thứ hai cần xem xét là mục đích đánh giá rủi ro trong đánh giá khả năng trôi gen là gì. Đối với việc trôi gen ngang (hay trôi gen giữa cây trồng biến đổi gen sang các thực vật khác loài, động vật hoặc vi sinh vật) thì các nghiên cứu hiện nay chỉ ra khả năng trôi gen này rất thấp hoặc gần như không xảy ra.

– Đối với đánh giá tác động đến sinh vật không chủ đích. Việc đánh giá rủi ro cần đánh giá dựa trên các loài có các chức năng quan trọng trong hệ sinh thái (trong lưới thức ăn) ví dụ như các loài thiên địch, các loài có lợi (côn trùng thụ phấn),loài ký sinh, loài ăn thịt…Các đại biểu cũng có đặt ra các câu hỏi về tác động thứ cấp tuy nhiên các diễn giả cho rằng các loài thứ cấp thông thường đã được đánh giá trong các nội dung về đánh giá rủi ro ví dụ như loài ăn thịt, bắt mồi…

– Đối với nội dung trở thành cỏ dại, dịch hại, các sự kiện ngô biến đổi gen được thảo luận không có các đặc tính trở thành cỏ dại. Tuy nhiên, các khía cạnh trở thành cỏ dại cũng phải được xem xét khi cây trồng biến đổi gen có nhiều đặc tính của cỏ dại, ví dụ trường hợp xem xét cấp phép cải dầu biến đổi gen ở Canada.

– Đối với nội dung phát triển tính kháng,việc quản lý tính kháng trong canh tác cây trồng biến đổi gen cũng được nghiên cứu và xem xét. Hiện nay, hầu hết các cây trồng biến đổi gen mang tính trạng kháng sâu đều được canh tác với biện pháp quản lý tính kháng hiệu quả nên hầu như chưa xuất hiện các tính kháng.

Kết thúc tập huấn sau 02 ngày, thay mặt Lãnh đạo Cục Bảo tồn đa dạng sinh học Ông Lê Văn Hưng đã phát biểu bế mạc Tập huấn, cám ơn sự nhiệt tình của các diễn giả cũng như của các đại biểu đã đóng góp vào thành công của Tập huấn.

Qua hai ngày tập huấn, với kiến thức và kinh nghiệm của giảng viên cũng như sự nhiệt tình và tích cực của các đại biểu tại tập huấn, các nội dung cơ bản về đánh giá rủi ro cây trồng biến đổi gen đã được truyền thụ cho các đại biểu. Tuy nhiên,để công tác đánh giá rủi ro cây trồng biến đổi gen được thực hiện một cách hiệu quả thì năng lực đánh giá rủi ro của cây trồng biến đổi gen cần phải được tăng cường hơn nữa thông qua các tập huấn chuyên sâu về các khía cạnh cụ thể của đánh giá rủi ro đối với môi trường và đa dạng sinh học.

 

Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học

Đóng góp ý kiến