Ngày 6/12, tại Hà Nội, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng Viện chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến, hoàn thiện dự thảo “Đề án quản lý bảo vệ môi trường bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên” và “Hướng dẫn kỹ thuật quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên”.
Hội thảo tham vấn ý kiến, hoàn thiện dự thảo “Đề án quản lý bảo vệ môi trường bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên” và “Hướng dẫn kỹ thuật quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên”
Tham dự Hội thảo có ông Lê Văn Hữu, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cùng một số đại biểu, chuyên gia đến từ các bộ, ban, ngành, hiệp hội và các trường Đại học.
Tại Hội thảo, ông Lê Văn Hữu Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học nhấn mạnh: “Quản lý bảo vệ môi trường bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên rất quan trọng. Việc quản lý hiệu quả đóng vai trò then chốt trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Các ý kiến bổ ích của các đại biểu tham dự sẽ là đóng góp quan trọng để hoàn thiện dự thảo chặt chẽ”.
Ông Lê Văn Hữu, Phó Cục trưởng Cục bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học phát biểu tại Hội thảo
Trong khuôn khổ hội thảo tham vấn ý kiến, ba nội dung chính được trình bày bao gồm: Tổng quan các quy định về quản lý, bảo vệ môi trường đối với các khu di sản thiên nhiên; Tổng quan đề án quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên do Phòng quản lý Di sản thiên nhiên Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học trình bày. Tổng quan hướng dẫn kỹ thuật về quản lý bảo vệ môi trường đối với các khu di sản thiên nhiên do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường trình bày. Ngoài ra các vấn đề về cơ sở pháp lý xây dựng đề án, quan điểm mục tiêu, đối tượng phạm vi, phương pháp xây dựng đề án, nhiệm vụ trọng tâm, nguồn lực, tổ chức thực hiện và hiện trạng của một số di sản thiên nhiên tại Việt Nam hiện nay cũng được đưa ra trong hội thảo. Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, góp ý cho dự thảo.
Đại diện Phòng quản lý Di sản thiên nhiên (Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học) trình bày báo cáo tại Hội thảo
Đại diện Phòng Quản lý di sản thiên nhiên thuộc Cục Bảo tồn Thiên nhiên và đa dạng sinh học nhấn mạnh đến tính cấp thiết của đề án: “Thực tiễn đặt ra đối với di sản thiên nhiên hiện nay chưa đáp ứng được những yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, đặc biệt là năng lực quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương cho đối tượng. Cần sớm khắc phục các vấn đề còn hạn chế nhằm xây dựng pháp lý, quản lý thống nhất góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đất nước bền vững”.
Các chuyên gia trao đổi, đóng góp ý kiến cho dự thảo
Chuyên gia Vũ Thị Kim Tuyến (Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho biết: “Việc phát triển các khu du lịch sinh thái cần gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Hiện nay các dự án của các khu du lịch, resort, công trình, hoạt động khai thác khoáng sản… tạo nên “vùng đệm” góp phần cải thiện đời sống, tinh thần của người dân, tuy nhiên điều đó đang phá hỏng sinh thái và đa dạng sinh học. Việc cần làm là làm sao để các địa phương cùng người dân phải hiểu rằng những hành động đó đang phá hoại thiên nhiên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới không gian sinh thái, đánh đổi đa dạng sinh học”.
Ông Nguyễn Thành Nam (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) cho rằng: “Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động về quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên là vô cùng cấp thiết. Song song với đó là tăng cường phát triển nguồn nhân lực nhằm từng bước nâng cao năng lực quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên”.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các hiệp hội
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các hiệp hội. Những ý kiến này sẽ là cơ sở để Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo, từ đó xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, tạo sự quản lý thống nhất trong công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên tại các di sản thiên nhiên của Việt Nam.
Nguồn: https://thiennhienmoitruong.vn/