Thu hoạch và tiêu hủy ngô biến đổi gen khảo nghiệm diện rộng của công ty TNHH Syngenta Việt Nam tại Sơn La và Đắk Lắk

Sau hơn 3 tháng khảo nghiệm diện rộng ngô biến đổi gen tại Nông trường Tô Hiệu, Hát Lót, Sơn La và xã CourKnia, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, các đơn vị thực hiện khảo nghiệm đã tiến hành thu hoạch và tiêu hủy ngô biến đổi gen theo đúng quy định của pháp luật.

Đăng ngày 10-04-2012 trong chuyên mục Tin Việt Nam

Ngày 07/3/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Quyết định số 403/QĐ-BNN-KHCN công nhận kết quả khảo nghiệm diện hẹp và đồng ý cho khảo nghiệm diện rộng các giống ngô biến đổi gen của công ty TNHH Syngenta Việt Nam. Căn cứ vào Quyết định này công ty TNHH Syngenta Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị khảo nghiệm tiến hành khảo nghiệm các giống ngô biến đổi gen, bao gồm: Bt11-kháng sâu đục thân châu Á, GA21-chống chịu thuốc trừ cỏ và Bt11xGA21-tổ hợp lai có cả hai đặc tính chống chịu thuốc trừ cỏ và kháng sâu đục thân châu Á.
Tại Sơn La, các giống ngô biến đổi gen được gieo hạt ngày 27/05/2011 và thu hoạch ngày 08/9/2011 đơn vị tổ chức khảo nghiệm là Viện Bảo vệ thực vật.
Tại Đắk Lắk, các giống ngô biến đổi gen được gieo hạt ngày 07/06/2011 và thu hoạch ngày 15/9/2011 đơn vị tổ chức khảo nghiệm là Trung tâm khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón vùng Nam Bộ.Sau 3 tháng gieo trồng, các giống ngô đã chín hoàn toàn, quan sát bằng mắt thường cho thấy khả năng kháng sâu và chống chịu thuốc diệt cỏ của các giống ngô biến đổi gen là cao hơn hẳn so với các giống ngô đối chứng được trồng và thử nghiệm trong cùng điều kiện.
Thực hiện quy định về quản lý an toàn sinh học, toàn bộ ngô biến đổi gen sau khi thu hoạch đã được tiêu hủy nhằm tránh phát tán ra môi trường bên ngoài cũng như tồn tại trong khu vực khảo nghiệm.

Sau khi thu hoạch, các bắp ngô được tách hạt bằng máy sau đó được nghiền nhỏ và tiêu hủy cùng với vôi sống, các khâu trong quá trình tiêu hủy được thực hiện theo đúng các qui định kỹ thuật.
Chứng kiến thu hoạch và tiêu hủy các giống ngô biến đổi gen có đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ban ngành tại địa phương tiến hành khảo nghiệm diện rộng.
Sau khi kết thúc khảo nghiệm, Trung tâm khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón vùng Nam Bộ sẽ có trách nhiệm giám sát địa bàn khảo nghiệm để kiểm soát sự sinh trưởng ngoài dự kiến của cây trồng biến đổi gen khảo nghiệm. Thời gian giám sát đồng ruộng khảo nghiệm sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng