Sáng ngày 22/5, tại bãi biển Cửa Đại (phường Cửa Đại, TP. Hội An) đã diễn ra lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024.
Tham dự buổi lễ, về phía Bộ TN&MT, có Thứ trưởng Lê Công Thành; ông Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; ông Lê Văn Hữu, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm truyền thông TN&MT. Về phía địa phương, có ông Bùi Ngọc Ảnh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam; ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An. Về phía WWF có ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF – Việt Nam
Về phía đại diện các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, có GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh, anh hùng đa dạng sinh học ASEAN, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF – Việt Nam);… Cùng với đó là sự tham dự của bà con Nhân dân và các em học sinh TP. Hội An.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, hưởng ứng Chủ đề “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học” do Liên hợp quốc phát động, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhau khẳng định quyết tâm, thay đổi nhận thức, thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ suy giảm đa dạng sinh học.
Hôm nay, tại Quảng Nam, là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn thứ hai cả nước, được thiên nhiên ưu ái, ban tặng nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học và cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước tiên phong đăng cai “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia”, trong buổi Lễ trọng thể này, Tôi kêu gọi các Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp.
Một là tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và các giá trị của đa dạng sinh học trong cải thiện sinh kế bền vững, xóa đói giảm nghèo và chiến lược phát triển bền vững của quốc gia; xây dựng lối sống hài hòa với thiên nhiên. Hai là, tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ba là, kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực gây suy giảm đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên; tăng cường các hoạt động khẩn cấp ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã, giảm thiểu sự xuất hiện và tác động của các loài ngoại lai xâm hại đối với đa dạng sinh học; kiểm soát ô nhiễm môi trường. Bốn là, nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm là, thúc đẩy và thiết lập mối quan hệ đối tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm vận động sự ủng hộ, hỗ trợ về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam Bùi Ngọc Ảnh cho rằng, Quảng Nam là khu vực có nhiều hệ sinh thái rừng và biển rất đặc trưng, mang lại nhiều giá trị cảnh quan và kinh tế; là nơi phân bố của nhiều loài quý hiếm, đặc hữu như Sao la, Hổ, Voi, Voọc chà vá, Mang Trường Sơn, Sâm Ngọc Linh, san hô, cỏ biển,… được xếp địa phương có tính đa dạng sinh học cao trong cả nước, nằm trong vùng cảnh quan ưu tiên Trung Trường Sơn và là một trong 200 “điểm nóng” về Đa dạng sinh học của thế giới.
Đồng thời cũng là một trong những tỉnh tiên phong hành động về Đa dạng sinh học, là một trong các tỉnh sớm ban hành Chiến lược bảo tồn, kế hoạch hành động. Đặc biệt, tỉnh đã tranh thủ được nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế triển khai nhiều nhiệm vụ bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái, xúc tiến thành lập các Khu bảo tồn, hành lang Đa dạng sinh học tỉnh. Quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định định hướng phát triển Quảng Nam thành một trong các tỉnh tiên phong về việc phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và có tính cân đối hài hòa giữa môi trường và phát triển.
Để tiếp tục thể hiện trách nhiệm của địa phương đóng góp vào quá trình phục hồi đa dạng sinh học của quốc gia cũng như toàn cầu, Quảng Nam đã có sáng kiến đề xuất tổ chức Năm Phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia – Quảng Nam 2024 – Chung sống hài hòa với thiên nhiên với hơn 40 hoạt động liên quan sẽ được tổ chức từ tháng 3 đến tháng 12/2024 trên toàn tỉnh. Với mục đích góp phần triển khai Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050; gắn với tham gia hưởng ứng Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021 – 2030 của Liên hợp quốc; thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế tại Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học.
Đến nay, Quảng Nam đã tổ chức thành công nhiều hoạt động, trong đó kết quả lớn nhất đó là đã lan tỏa được thông điệp và nhận được sự ủng hộ, đồng hành tích cực của các cá nhân, đơn vị, các tổ chức quốc tế mà tiêu biểu là tổ chức WWF, Greend Việt,… các cơ quan truyền thông; Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam,… Thời gian đến, Quảng Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, nội dung của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để cụ thể hóa, lồng ghép trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Ông Bùi Ngọc Ảnh cho biết, năm 2024, Ngày quốc tế đa dạng sinh học được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học” cũng như lời phát biểu của đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050. Quảng Nam cam kết “là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”.
Hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2024, ông Văn Ngọc Thịnh cam kết, WWF cam kết tiếp tục đồng hành với Bộ TN&MT, Chính phủ, các địa phương, đặc biệt là Quảng Nam để duy trì giá trị đa dạng sinh học, hướng đến cuộc sống hài hòa với thiên nhiên. Hôm nay, nhân Ngày quốc tế đa dạng sinh học, bản thân mỗi chúng ta hãy cam kết trở thành những người bảo vệ trái đất, vì sự phong phú, đa dạng sinh học trên hành tinh chúng ta. Cùng nhau tạo ra sự khác biệt, đảm bảo thế giới bền vững cho toàn nhân loại.
Theo GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh, trong hai thập kỷ đầu của thế Kỷ XXI, trên toàn cầu nói chung và Việt Nam, Quảng Nam nói riêng, nhân loại đang hứng chịu nhiều thảm họa tàn khốc do tần suất thiên tai ngày càng gia tăng. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường,… Chính vì vậy, chúng ta hơn bao giờ hết cần nhận thức rõ trách nhiệm lịch sử của mình bằng sự liên kết về trí tuệ và hành động thực tế, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để ứng xử thân thiện với thiên nhiên. Sống, sản xuất phải hài hòa với thiên nhiên để tự cứu lấy mình, cứu lấy trái đất, góp phần bảo vệ hành tinh xanh, ngôi nhà chung của nhân loại. Là một cán bộ khoa học trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, đa dạng sinh học, tôi mong muốn và kỳ vọng sự kiện quan trọng hôm nay tại Quảng Nam sẽ được lan tỏa rộng rãi trên khắp vùng miền đất nước để nhắc nhở, động viên mọi người hãy cùng nhau bảo vệ môi trường xanh tươi, đời đời bền vững.
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, các đại biểu cũng đã tham gia hoạt động thả cá bổ sung loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu và vùng nước tự nhiên tại khu vực Hội An.