Sau khi có thông tin thực phẩm biến đổi gen xuất hiện trên thị trường khiến người tiêu dùng lo ngại, các nhà khoa học đã khẳng định: Thực phẩm biến đổi gen chưa có mặt tại Việt Nam.
Khi được hỏi về thực phẩm biến đổi gen, nhiều người tiêu dùng không biết hoặc cho rằng, đó là những sản phẩm khác lạ về màu sắc, hình dạng so với bình thường.
Chị Nguyễn Thị Hoa, Quận 5, TP.HCM nói: “Tôi có nghe nói về thực phẩm biến đổi gen nhưng không hiểu rõ và cũng nghe nói có hại nên thấy thực phẩm nào mà hình thức đẹp quá thì nghĩ là thực phẩm biến đổi gen nên không dám ăn”.
Trên thực tế, hiện nay có nhiều sản phẩm được các nhà khoa học nghiên cứu để lai tạo ra các giống mới có hình dáng và màu sắc đẹp hơn, chất lượng tốt hơn, tạo nên thị trường thực phẩm đa dạng và phong phú. Các sản phẩm này khi đưa ra thị trường được kiểm soát chặt chẽ về quy trình sản xuất và an toàn thực phẩm.
Bà Bùi Hạnh Thu, Phó TGĐ Sài Gòn Co-op cho biết: “Chúng tôi chưa nghe thấy các nhà cung cấp có đề xuất bán thực phẩm biến đổi gen cho hệ thống, hiện tại có các sản phẩm lai tạo giống được bày bán nhưng có sự kiểm định chặt chẽ của các nhà quản lý”.
Chanh không hạt, dưa hấu không hạt, cà chua, khoai tây có trọng lượng lớn hơn bình thường… là sản phẩm lai tạo giống để mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn và chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều người lầm tưởng đây là những thực phẩm biến đổi gen là không đúng.
Là thành viên của Hội đồng an toàn sinh học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tiến sĩ Dương Hoa Xô khẳng định, Việt Nam chưa có cây trồng biến đổi gen và hiện nay trên thế giới chỉ mới có 5 giống cây trồng biến đổi gen là ngô, đậu nành, cây bông, cải dầu và lúa.
“Tôi có thấy một số báo chụp hình ảnh các loại củ quả và cho rằng, đó là thực phẩm biến đổi gen, đó hoàn toàn không đúng và chưa tham khảo ý kiến của các chuyên gia, tác động không tốt đến tâm lý người tiêu dùng. Tôi khẳng định hiện nay ở Việt Nam chưa có thực phẩm biến đổi gen”, Tiến sỹ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM nói.
Cũng theo Tiến sĩ Dương Hoa Xô, quy trình để cho ra đời một giống cây biến đổi gen rất phức tạp và tốn kém, đây được xem là thành tựu khoa học của thế giới cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Tại Việt Nam, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ mới cho phép khảo nghiệm giống ngô biến đổi gen kháng sâu đục thân và kháng thuốc trừ cỏ. Kết quả khảo nghiệm đang được Bộ đánh giá để quyết định có hay không việc được thương mại hóa cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tác giả : Hoa Trang – vtv.vn