2014, Bộ NN&PTNT chính thức cho phép áp dụng sản xuất đại trà 3 giống ngô biến đổi gen (BĐG), đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai ở Châu Á (sau Philippines) thương mại hóa cây trồng BĐG. Trong khi đó, trên thị trường thực phẩm BĐG ngày càng phổ biến nhưng nhiều người còn e dè, nghi hoặc. Thực phẩm BĐG có ảnh hưởng tới sức khỏe con người hay không?
Báo Hànộimới trao đổi với PGS.TS Lê Huy Hàm (Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) về vấn đề này.
Chỉ cho phép trồng ngô, bông và đậu tương BĐG
– Thưa PGS.TS Lê Huy Hàm, nhắc đến cụm từ “biến đổi gen” nhiều người nghĩ ngay đến sự bất bình thường. Vậy, cần hiểu cây trồng BĐG như thế nào?
– Cây trồng BĐG là loại cây trồng được tạo ra bằng cách sử dụng các kỹ thuật của công nghệ sinh học hiện đại, hay còn gọi là kỹ thuật di truyền, công nghệ gen hay công nghệ DNA tái tổ hợp, để chuyển một hoặc một số gen chọn lọc nhằm tạo ra cây trồng mang tính trạng mong muốn. Về mặt bản chất, các giống lai, giống mới từ trước đến nay (còn gọi là giống truyền thống) đều là kết quả của quá trình cải biến di truyền. Điểm khác biệt duy nhất giữa giống lai truyền thống và giống chuyển gen là gen (DNA) được chọn lọc một cách chính xác dựa trên khoa học, công nghệ hiện đại và chuyển vào giống cây trồng để đem lại tính trạng mong muốn một cách có kiểm soát.
– Trên thế giới, cây trồng BĐG đã được trồng khá phổ biến và thu được nhiều thành quả. Ông có thể cho biết về ngành công nghiệp cây trồng BĐG hiện nay?
– Cây trồng BĐG được biết đến phổ biến từ năm 1996 với diện tích canh tác khi đó khoảng hơn một triệu héc ta ở Mỹ. Số liệu thống kê năm 2014 cho thấy, diện tích cây trồng BĐG toàn cầu đã lên tới 184 triệu héc ta, với 336 giống, chủ yếu là ngô, bông, khoai tây, cải dầu, đậu tương, được canh tác tại 27 quốc gia. 34 quốc gia đã chính thức cho phép sử dụng sản phẩm BĐG làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (Liên minh Châu Âu (EU) gồm 28 nước nhưng chỉ tính là một quốc gia – PV). Quốc gia trồng cây BĐG lớn nhất là Mỹ với diện tích canh tác hơn 70 triệu héc ta.
Đáng lưu ý, nhiều nước đến nay chưa đưa vào sản xuất cây BĐG, nhưng trong thực tế loại cây này đã xuất hiện và được sử dụng rất phổ biến. Các nước EU có diện tích cây trồng BĐG khá khiêm tốn, nay bắt đầu có những thay đổi tích cực, diện tích canh tác cây BĐG trong năm 2013 đã tăng lên 15% so với các năm trước. Trong đó, Tây Ban Nha dẫn đầu với diện tích trồng ngô BĐG là 136.962ha. Đặc biệt, Trung Quốc với quy mô dân số 1,35 tỷ người, dù cho nước này chưa thừa nhận cây trồng BĐG nhưng trên thực tế cây bông BĐG đã đem lại lợi ích kinh tế trên 15 tỷ USD trong giai đoạn 1996 đến năm 2012.
– Ở Việt Nam, các loại cây trồng BĐG đã được nghiên cứu, đưa vào sản xuất như thế nào trong thời gian vừa qua?
– Cây trồng BĐG có thể là câu trả lời cho rất nhiều vấn đề nan giải đang đặt ra với ngành nông nghiệp Việt Nam. Đó là sự tới hạn về quỹ đất, kỹ thuật canh tác… do vậy, việc tăng năng suất một số loại cây như lúa gạo, ngô, đậu tương rất khó khăn. Trong khi đó, để phục vụ ngành chăn nuôi, mấy năm gần đây nguồn nguyên liệu ngô, đậu tương về cơ bản đều phải nhập khẩu. Đáng chú ý là đậu tương, chúng ta phải nhập khẩu trên 90% lượng tiêu dùng trong nước. Trong khi đó hơn 80% đậu tương trên thế giới là sản phẩm BĐG, có xuất xứ từ Brazil, Argentina, Mỹ…
Trở lại câu chuyện về cây trồng BĐG của Việt Nam, chúng ta có cách tiếp cận vấn đề này từ đầu những năm 2000. Khi đó, chúng ta mới tập trung vào việc chuẩn bị hành lang pháp lý liên quan đến cây BĐG và đến năm 2014 thì về cơ bản công việc này mới hoàn thành. Năm 2011, chúng ta bắt đầu cho trồng khảo nghiệm cây BĐG. Năm 2015, sau rất nhiều quy trình đánh giá khắt khe, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, chúng ta mới cho phép sản xuất đại trà cây trồng BĐG. Điều tôi muốn lưu ý, khi cho phép trồng cây BĐG trên diện rộng Chính phủ đã tính toán rất kỹ, chỉ cho phép trồng ba loại cây: Ngô, đậu tương và bông là những mặt hàng phải nhập khẩu với số lượng lớn. Những mặt hàng nông sản có thế mạnh xuất khẩu như lúa gạo, sắn, cà phê, hồ tiêu, điều… thì chúng ta chưa cho phép.
Quy trình đánh giá nghiêm ngặt
– Quy trình đánh giá sự an toàn của cây trồng BĐG, thực phẩm BĐG trên thế giới và Việt Nam hiện nay ra sao?
– Đó là một quy trình rất nghiêm ngặt và tốn kém, với sự tham gia của nhiều chuyên ngành khoa học. Trước hết, cơ thể (cây trồng – PV) cho và nhận gen được khảo sát rất kỹ về lịch sử sử dụng có gặp vấn đề gì không, rồi về môi trường, đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi… Tiếp đến là việc kiểm soát quá trình chuyển gen có đúng với mục đích mong muốn và có bền vững không, có hậu quả phụ hay không? Sau đó là quá trình trồng thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, nếu bảo đảm an toàn mới được đưa ra khảo nghiệm diện hẹp, rồi khảo nghiệm diện rộng. Các quá trình này có sự giám sát chặt chẽ của một hội đồng an toàn sinh học các cấp trên cơ sở bộ tiêu chí liên quan đến hàng loạt vấn đề: Hiệu quả, đa dạng sinh học, có ảnh hưởng đến sinh vật liên quan, sức khỏe con người, vật nuôi… Nếu được đánh giá tốt thì những số liệu này sẽ chuyển sang một cơ quan khác (ở Việt Nam là Bộ Tài nguyên và Môi trường – PV) để Hội đồng An toàn sinh học quốc gia đánh giá độc lập lại từ đầu rồi mới kết luận có cho phép trồng đại trà hay không. Thông thường, một giống cây BĐG bắt đầu từ phòng thí nghiệm đến đồng ruộng phải mất 10-12 năm. Riêng việc đánh giá rủi ro mất 2-3 năm.
Với thực phẩm có nguồn gốc từ cây BĐG còn có quy trình đánh giá khắt khe hơn. Đó là phải phân tích thành phần hóa học, giá trị dinh dưỡng với 60-70 chỉ tiêu sinh hóa khác nhau, trong đó có cả việc so sánh giữa cây BĐG và cây đối chứng cùng loài không có can thiệp về bộ gen. Nếu được đánh giá tốt, không có sự thay đổi đáng kể về thành phần dinh dưỡng so với cây đối chứng thì mới cho phép sử dụng. Sau đó, thực phẩm này sẽ được thử nghiệm trên chuột để đánh giá tác động. Nếu không có nguy cơ, người ta tiếp tục lấy protein từ cây BĐG đi đánh giá bằng cách đưa vào dịch dạ dày mô phỏng xem tiêu hóa nhanh hay chậm, có gây dị ứng hay tác dụng phụ. Tiếp đến là sử dụng công nghệ tin sinh học so sánh cấu trúc protein mới này với cấu trúc protein đã được biết tới có thể gây dị ứng cho người và động vật, nếu có sự tương đồng thì sẽ không được đưa vào lưu thông… Quy trình này được tất cả các nước tuân thủ nghiêm ngặt.
Tóm lại, thực phẩm BĐG chỉ được đưa ra thị trường khi có sự đánh giá của rất nhiều cơ quan. Ở Việt Nam đó là Bộ NN&PTNT, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Công thương.
– Đã sản xuất cây BĐG thì việc tiêu thụ trực tiếp hoặc gián tiếp thực phẩm có nguồn gốc BĐG là đương nhiên. Nhưng, khi phát triển thực phẩm BĐG – một loại thực phẩm mới đã khiến không ít người dân tỏ ra lo ngại? Ông nghĩ sao về điều này?
– Tôi hoàn toàn chia sẻ với những ai lo lắng về việc này. Người dân có ít thông tin về cây trồng BĐG nói riêng và thực phẩm BĐG nói chung nên e ngại là điều dễ hiểu. Thường thì người ta hay nói đến vấn đề cây trồng BĐG và sản phẩm chế biến từ nó có thể gây dị ứng, làm nhờn kháng sinh, có thể tạo ra độc tố và gây độc lâu dài cho cơ thể. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng đó là những kết luận không đủ sức thuyết phục về mặt khoa học. Cũng không ít ý kiến cho rằng thực phẩm BĐG có nguy cơ gây ung thư cao hơn cho người sử dụng, nhưng việc đưa ra bằng chứng khoa học thì không có. Bởi để “lọt qua” nhiều cánh cửa kiểm soát của nhiều cơ quan là không dễ dàng và điều đó đủ để nói rằng sản phẩm cây trồng BĐG khi đến với người tiêu dùng có an toàn hay không.
Chưa ghi nhận rủi ro về thực phẩm BĐG
– Nhưng điều gì đã khiến một số chính trị gia, các nhóm lợi ích cộng đồng và người tiêu dùng, đặc biệt ở Châu Âu, tỏ ra lo ngại về thực phẩm BĐG?
– Đúng là Châu Âu trong một thời gian rất dài đã phản đối cây trồng BĐG. Khu vực này tương đối đặc biệt, đất rộng, người thưa, dân số giảm, phải đối phó với sản xuất thừa hơn là sản xuất thiếu, họ không quan tâm đến thực phẩm BĐG, họ cần trước hết đến bảo đảm sự an toàn, không muốn có nhiều thay đổi. Châu Âu phản đối việc can thiệp của con người vào thiên nhiên, đặc biệt là giống cây trồng. Ngoài ra, lợi ích nhóm cũng tạo nên sự thay đổi, nhóm có lợi ích thì thúc đẩy cây trồng BĐG, còn nhóm không lợi ích thì kìm hãm.
Điều đáng lưu ý là Chính phủ nhiều nước thành viên EU đã phải tốn phí hàng tỷ USD để trả lời công dân của họ rằng thực phẩm BĐG có gây hại hay không? Có khoảng 300 dự án với 500 nhóm nghiên cứu độc lập với hơn 500 bài báo khoa học có phản biện được công bố, nhưng đến nay tất cả đều khẳng định rằng: Thực phẩm BĐG không có nguy cơ rủi ro cao hơn so với thực phẩm truyền thống. Ngoài ra, kể từ khi cây trồng BĐG được trồng đại trà từ năm 1996 đến nay, y văn thế giới chưa ghi nhận một trường hợp rủi ro nào do sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ cây trồng BĐG.
– Các siêu thị ở nước ta hiện bày bán rất nhiều hàng nhập khẩu nhưng không có chỗ nào ghi nhãn mác về thực phẩm BĐG mà chỉ biết rằng các sản phẩm từ đậu tương, ngô được nhập khẩu rất nhiều. Xin ông cho biết đó có phải là thực phẩm BĐG hay không và người tiêu dùng phải ứng xử thế nào với các sản phẩm này?
– Thực phẩm BĐG đã có mặt khá lâu trên thị trường Việt Nam, vì chúng ta nhập một lượng lớn ngô và đậu tương, không có bảo đảm rằng đó là sản phẩm không BĐG, khi mà tỷ lệ BĐG của hai loại cây này là rất lớn trên thế giới (đậu tương 81%; ngô 35%). Tôi cho rằng, một sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng thì không đáng ngại. Bởi nếu thực phẩm BĐG đó được sản xuất ở những quốc gia có nền khoa học, công nghệ phát triển thì họ có một hàng rào kỹ thuật cho những sản phẩm thương mại rất khắt khe. Khó ai nói những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc là không đáng tin cậy.
– Ở nước ta, việc nhập khẩu thực phẩm BĐG cần phải tuân thủ quy định nào?
– Chúng ta có một quy định theo tôi là hết sức thận trọng. Đó là thực phẩm BĐG nhập khẩu chỉ được tiêu thụ trên thị trường khi chủ sở hữu, ngoài việc cung cấp hồ sơ khoa học chi tiết đánh giá an toàn sản phẩm của mình, phải chứng minh được mặt hàng đó đã và đang được tiêu thụ ở 5 nước (khối OECD), có nền khoa học, công nghệ phát triển. Với “tiêu chuẩn kép” như vậy có thể bảo đảm về mức độ an toàn sinh học của thực phẩm BĐG khi nhập khẩu.
– Theo ông, chúng ta cần phải làm gì khi thành phẩm tiêu dùng từ cây trồng BĐG xuất hiện ngày càng nhiều?
– Việt Nam tham gia vào “sân chơi” cây trồng BĐG khi những tiêu chuẩn cho sự an toàn của nó đã được thế giới nghiên cứu khá sâu và đây là một thuận lợi. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là cần phải được người dân ủng hộ. Trên thực tế, sau khi các cơ quan truyền thông, báo chí đưa tin về việc Việt Nam bắt đầu tiếp cận cây trồng BĐG, rất nhiều lãnh đạo địa phương, các nhà sản xuất đề nghị được cung cấp nguồn giống để ứng dụng ngay tại địa phương. Do vậy, về phía người nông dân, tín hiệu đón nhận công nghệ BĐG là tương đối tốt. Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng, vẫn có sự e ngại, đặc biệt là từ phía các hội người tiêu dùng. Nguyên nhân của sự e ngại này chủ yếu do sự tuyên truyền của các tổ chức, những nhóm chống cây trồng BĐG với những lý do khác nhau. Để khắc phục tình trạng này, các nhà khoa học, giới truyền thông và các nhà hoạch định chính sách cần có chiến lược truyền thông tốt hơn, làm sao chúng ta đưa được thông tin thực sự khoa học và chính xác đến với người dân, những thông tin không chính xác giảm đi sẽ khiến người dân hiểu hơn và ủng hộ cho cây trồng BĐG nói chung và thực phẩm BĐG nói riêng.
– Xin cảm ơn PGS.TS Lê Huy Hàm về những nội dung trao đổi!
Theo Hànộimới