Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến các hệ sinh thái đất ngập nước, đòi hỏi những giải pháp quản lý bền vững và linh hoạt. Tiếp cận thích ứng được xem là một trong những chiến lược quan trọng để đối phó với những thách thức này.
Thích ứng dựa vào hệ sinh thái
Cách tiếp cận hê sinh thái (HST)/dựa trên HST (do Công ước về Đa dạng sinh học đề xuất) là một chiến lược quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên (đất, nước và sinh vật). Tiếp cận HST đặt con người và việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên của họ hướng trực tiếp đến trọng tâm của việc ra quyết định. Bởi vậy, tiếp cận HST có thể được sử dụng để tìm kiếm một sự cân bằng thích hợp giữa việc bảo vệ và sử dụng đa dạng sinh học ở những vùng có nhiều người sử dụng tài nguyên và các giá trị quan trọng của thiên nhiên. Chính vì vậy nó thích hợp đối với các nhà chuyên môn và những người sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các vùng bảo tồn, quy hoạch đô thị và nhiều lĩnh vực khác.
Gần đây, cách tiếp cận này đã được áp dụng rộng rãi trong phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và tăng trưởng xanh (con đường phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH) khi đặt con người và thực tiễn sử dụng tài nguyên là trung tâm của các HST. Cách tiếp cận HST được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau: Quản lý dựa trên HST, thích ứng với BĐKH dựa trên HST, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính dựa trên HST…
Cách tiếp cận HST (hay còn gọi là EbA) giải quyết nhiều mục tiêu nhằm giảm thiểu áp lực do con người tác động vào các HST, vừa tăng cường khả năng chống chịu của HST, làm giảm tính dễ bị tổn thương và hỗ trợ sự phát triển con người. EbA nhấn mạnh vai trò của các HST tự nhiên – vốn tự nhiên, một trong 5 nguồn lực cơ bản của HST – xã hội (tự nhiên, vật chất/cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội và chính sách). Vì thế, thích ứng với BĐKH dựa trên HST còn được coi là thích ứng tự nhiên và cũng được coi là đồng nghĩa với sử dụng khôn khéo đất ngập nước.
Tiếp cận dựa vào thiên nhiên
Tiếp cận dựa vào thiên (NbA) hay giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) là các hoạt động để bảo vệ, quản lý bền vững và khôi phục các HST tự nhiên hoặc đã bị biến đổi, nhằm giải quyết các thách thức của xã hội một cách hiệu quả theo hướng thích nghi, đồng thời mang lại phúc lợi cho con người và các lợi ích cho đa dạng sinh học. Nói cách khác, NbS được thiết kế để giải quyết những thách thức xã hội quan trọng như an ninh lương thực, an ninh khí hậu, an ninh nước, sức khoẻ con người, rủi ro thiên tai, phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với các giá trị văn hoá và xã hội địa phương và tăng khả năng phục hồi, đổi mới và cung cấp dịch vụ của các HST. NbA được xem như một khái niệm bao trùm lên tất cả các cách tiếp cận cụ thể khác có liên quan tới HST trong những lĩnh vực khác nhau.
Tiếp cận dựa trên hệ sinh thái – xã hội
Hệ sinh thái – xã hội là một biến thể của HST nhân văn, nhấn mạnh yếu tố xã hội của loài người và được định nghĩa khái quát là một hệ gồm cả con người và tự nhiên, một đơn vị Sinh – Vật – Địa và các yếu tố xã hội, thể chế kèm theo. Hệ sinh thái – xã hội là hệ thống phức tạp nhất, trong đó, tùy theo góc độ và phạm vi nghiên cứu mà các đặc trưng khác nhau được nhấn mạnh. Một khu vực nghiên cứu có thể được xem như một vùng sinh thái – xã hội có thể được chia thành các tiểu vùng với những đặc trưng của 5 nguồn lực: Tự nhiên, Hạ tầng cơ sở, Kinh tế, Xã hội và Thể chế.
Theo sự phát triển, dân số thế giới ngày càng gia tăng và khoa học – công nghệ cũng ngày càng phát triển, mà hiện nay là cách mạng công nghệ 4.0. Hệ quả tất nhiên là con người khai thác tự nhiên ngày một khốc liệt, làm cho tài nguyên ngày càng suy thoái và ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng. Con người, theo quan niệm hiện đại, đã trở thành trung tâm của HST, với hai nghĩa: Con người là nhân tố tác động vào HST một cách mạnh mẽ nhất; và các hoạt động bảo tồn HST cuối cùng vẫn phải hướng tới và đem lại phúc lợi cho con người. Nói cách khác, hai nhóm hoạt động nêu trên góp phần làm tăng sức khỏe, khả năng thích ứng, chống chịu, làm giảm tính dễ bị tổn thương và rủi ro của HST – xã hội trước các tác động, mà quan trọng nhất là tác động từ BĐKH. Đó cũng chính là các động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế / tăng trưởng xanh.
Thích ứng dựa vào cộng đồng
Một cách khái quát, “đồng quản lý” tài nguyên thiên nhiên là một thỏa thuận đối tác, trong đó nhóm người sử dụng tài nguyên có quyền sử dụng tài nguyên thiên nhiên trên đất chủ sở hữu của Nhà nước (khu vực đã xác định) đồng thời có trách nhiệm quản lý bền vững nguồn tài nguyên đó. Đồng quản lý là cách tiếp cận quan trọng và phù hợp cho quản lý các HST đất ngập nước và đã được triển khai thành công ở nhiều địa phương, đặc biệt trong quản lý vùng ven biển và thủy sản (Vườn quốc gia Xuân Thủy, phá Tam Giang và ở nhiều địa phương ven biển,…).
Cách tiếp cận dựa vào cộng đồng (CBA) hay tiếp cận từ dưới lên được hình thành và phát triển đầu tiên từ những người làm việc trong lĩnh vực phát triển cộng đồng. Trong đó, tiếp cận từ dưới lên được thực hiện dựa trên nguyên tắc “Thực hiện từ cộng đồng, dựa vào cộng đồng và làm lợi cho cộng đồng” với việc thu hút sự tham gia (cơ chế cùng tham gia), giám sát và làm chủ của cộng đồng, có sự trao đổi thông tin hai chiều, linh hoạt, phát huy tính sáng tạo, tri thức cũng như các nguồn lực của cộng đồng. Vì thế, trong một số trường hợp, cách tiếp cận này còn được gọi là tiếp cận có sự tham gia. Trong ứng phó với BĐKH nói chung và phát triển cộng đồng, cải thiện sinh kế,… nói riêng hiện nay, cần thiết phải kết hợp đồng thời các cách tiếp cận này (và với các cách tiếp cận khác) nhằm có được tính hệ thống, toàn diện, thực tiễn và do đó mang lại hiệu quả cao, phù hợp và phát huy được các điều kiện và nguồn lực của địa phương.
Tiếp cận thích ứng trong quản lý đất ngập nước là một chiến lược bền vững để đối phó với những tác động của BĐKH. Việc áp dụng các giải pháp thích ứng, cùng với sự phối hợp giữa chính quyền, cộng đồng và các tổ chức quốc tế là chìa khóa để bảo vệ tài nguyên đất ngập nước một cách bền vững./.
NBCA