Nằm ở độ cao từ 900 đến 2.287 mét so với mực nước biển, với tổng diện tích lên tới 63.000 ha, vị trí của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà nằm ở phía nam dãy Trường Sơn, là nơi hội tụ của nhiều yếu tố địa lý và khí hậu đa dạng. Đặc biệt, nơi đây là điểm chuyển giao giữa hai vùng sinh thái, đó là khu vực miền núi thấp của Tây Nguyên và miền núi cao phía Bắc. Chính sự đa dạng về độ cao, địa hình và khí hậu này đã tạo điều kiện cho nhiều hệ sinh thái đặc trưng phát triển, từ rừng nhiệt đới ẩm, rừng lá rộng đến rừng núi cao.
Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà là nơi bảo tồn một hệ sinh thái rừng nguyên sinh với sự đa dạng về các loài động, thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao. Các nhà khoa học đã ghi nhận tại vườn hơn 1.500 loài thực vật, bao gồm nhiều loài gỗ quý, cây thuốc, cây dược liệu có giá trị cao. Đặc biệt, một số loài như đỗ quyên, thông 5 lá, cây sa mu, cây nghiến… không chỉ có giá trị trong bảo tồn mà còn có giá trị về mặt kinh tế và y học.
Bên cạnh giá trị về mặt sinh thái, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng môi trường tự nhiên. Rừng ở đây không chỉ giúp điều hòa khí hậu, giảm thiểu tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu mà còn bảo vệ nguồn nước cho các khu vực lân cận. Nguồn nước trong các con suối và hồ tại vườn quốc gia này cung cấp nước cho nhiều khu dân cư và nông nghiệp trong khu vực
Tính độc đáo của VQG Bidoup – Núi Bà
VQG Bidoup – Núi Bà được đánh giá là mẫu chuẩn sinh thái quốc gia với vị trí nằm ở phần cao nhất về phía Nam của dãy Trường Sơn; đây là một trong 4 trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam; là một trong 221 vùng chim đặc hữu của thế giới, là vùng có giá trị đa dạng sinh học quan trọng toàn cầu (KBA). Nơi đây hội tụ các điều kiện để trở thành một hành lang sinh học cho sự phát triển của các loài động, thực vật từ vùng núi thấp lên vùng núi trung bình của Việt Nam, có sự đa dạng, phong phú về các loài động, thực vật đặc hữu và quý hiếm.
Ngoài ra, đây còn là trung tâm của một vùng rừng tự nhiên rộng lớn và có quy mô đủ để chứa đựng nhiều hệ sinh thái rừng: VQG Bidoup – Núi Bà ở trung tâm của khu rừng gồm: Vườn quốc gia Chư Yang Sing (59.000 ha); VQG Phước Bình (20.000 ha); rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (50.000 ha), khu rừng phòng hộ Sê Rê Pốk và Công ty lâm nghiệp Khánh Hòa tạo thành một vùng sinh cảnh rừng rộng lớn, thuận lợi cho việc cư trú, kiếm ăn và di chuyển nhờ đó mà hiệu quả của việc bảo tồn các loài động vật hoang dã được đảm bảo.
Độc đáo các giá trị văn hóa: Người K’Ho với những nét phong tục, tập quán riêng biệt, độc đáo là một phần trong nét độc đáo của VQG Bidoup – Núi Bà.
Hiện trạng cảnh quan
Với nét đặc trưng về các yếu tố sinh thái phát sinh như khí hậu và địa hình đã góp phần quan trọng cho sự phong phú, đa dạng nhưng cũng riêng biệt của khu hệ thực vật VQG Bidoup – Núi Bà. Có thể chia VQG Bidoup – Núi Bà thành 4 kiểu hệ sinh thái tự nhiên đặc trưng như sau: Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình; Rừng kín hỗn giao cây lá rộng lá kim mưa ẩm á nhiệt đới; Rừng thưa cây lá kim hơi khô á nhiệt đới núi trung bình; Rừng tre nứa hỗn giao cây lá rộng và rừng tre nứa thuần loài.
Vườn quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của bảo vệ đa dạng sinh học. Các chương trình giáo dục, tuyên truyền về bảo vệ động thực vật hoang dã và bảo vệ rừng được tổ chức thường xuyên tại đây, giúp nâng cao ý thức của người dân và du khách về tầm quan trọng của việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên./.
NBCA