Vườn di sản ASEAN Ngọc Linh không chỉ là một khu vực bảo tồn thiên nhiên với hệ sinh thái phong phú mà còn là biểu tượng cho sự kết hợp hoàn hảo giữa bảo vệ và phát triển bền vững. Với những nỗ lực không ngừng trong việc duy trì và phát triển rừng tự nhiên, nơi đây đã trở thành một ngôi nhà cho nhiều loài động, thực vật quý hiếm, trong đó có những loài chỉ phân bố tại khu vực nàynhư Sâm Ngọc Linh hay Trầm hương. Bằng những biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt và các chương trình phục hồi sinh thái, Vườn di sản Ngọc Linh không chỉ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học mà còn tạo nền tảng vững chắc cho các nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái.
Tính toàn vẹn về hệ sinh thái
Duy trì độ che phủ của rừng của Vườn di sản là 98,12%; bằng nhiều hoạt động như khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng rừng và chăm sóc rừng trồng. Để từng bước duy trì diễn thế tự nhiên của rừng đặc dụng, từng bước nâng cao độ che phủ và chất lượng rừng, tăng tính đa dạng sinh học, cải thiện môi trường sinh thái.
Về tính đại diện, việc quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng, hệ sinh thái rừng góp phần bảo vệ tốt nguồn gen động thực vật hiện có như Sâm Ngọc Linh (IA- chỉ phân bố khu vực núi Ngọc Linh và khu vực lân cận), Trầm hương (CR- IUCN); Khướu Ngọc Linh (lần đầu tiền trên thế giới được chụp ảnh tại Vườn di sản); Chà vá chân xám (mới phát hiện), các loài nguy cấp quý hiếm như Hổ, Báo gấm (CR-IUCN); Gấu ngựa, Gấu chó, Cu li lớn, Sóc bay…. Bên cạnh đó, rừng trồng ở Vườn di sản ASEAN Ngọc Linh có 94,49 ha chiếm 0,25% tổng diện tích Vườn di sản nói lên tính tự nhiên của hệ sinh thái rừng; rừng thứ sinh được quản lý, phục hồi tốt từng bước đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về Vườn di sản.
Tầm quan trọng cho bảo tồn
Vườn di sản ASEAN Ngọc Linh được tổ chức khoa học trong và ngoài nước đánh giá là Khu vực có tiềm năng đa dạng sinh học cao, các hệ sinh thái phong phú, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm đặc hữu là nơi có ý nghĩa quan trọng toàn cầu, sinh cảnh trên cạn bởi tiềm năng sinh học và vị trí của nó.
Bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học là cơ sở và động lực để phát triển bền vững Vườn di sản. Thảm thực vật và dộ che phủ rừng Vườn di sản ASEAN Ngọc Linh đến 98,12% tổng diện tích là lá chắn tốt nhất để phòng hộ, bảo vệ môi trường.
Bảo tồn đa dạng sinh học (đa dạng hệ sinh thái, đa dạng thành phần loài) nhằm duy trì, lữu trữ nguồn gien và các sinh cảnh đặc trưng của Vườn di sản Ngọc Linh tạo sự cân bằng sinh thái cho môi trường sống bền vững.
Nhiều loại sinh vật tại Vườn di sản Ngọc Linh có giá trị cung cấp nguồn gen và dược liệu. Bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực chính là sự bảo tồn và khai thác bền vững nguồn gen và kho dược liệu quý hiếm trong tương lai.
Vườn di sản Ngọc Linh đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nhà khoa học đến điều tra, nghiên cứu, giảng dạy và thực tập; tuyên truyền giáo dục môi trường sinh thái.
Tài nguyên đa dạng sinh học và cảnh quan Vườn di sản Ngọc Linh đang là tiềm năng và thế mạnh để khai thác và phát triển du lịch sinh thái.
Sinh cảnh tự nhiên được bảo vệ tốt, ranh giới chủ quản lý được xác định rõ ràng bằng hệ thống Mốc ranh giới 3 loại rừng, với tính độc đáo của các loài, sinh cảnh quý hiếm, đây là cơ hội để bảo tồn và phát triển các loài động thực vật nguy cấp quý hiếm. Đặc biệt Vườn di sản Ngọc Linh có đỉnh Ngọc Linh là nóc nhà của miền Trung và Tây nguyên, là địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng trong tương lai nếu được chú trọng đầu tư xây dựng khai thác./.
NBCA