Năng suất vượt trội so với giống ngô truyền thống, đặc biệt là khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh, lại không bị ảnh hưởng bởi thuốc diệt cỏ và không có sự khác biệt về đa dạng sinh học
Ngót 60 tuổi và trải qua hơn 20 năm trồng ngô, lão nông Trịnh Hai, xã Hòa Vang, huyện Krông Bông không khỏi ngỡ ngàng trước kết quả khảo nghiệm ba loại ngô (ngô BĐG kháng sâu bệnh, ngô BĐG kháng thuốc trừ cỏ và ngô BĐG kháng cả thuốc trừ cỏ và sâu bệnh) tại Viện Khoa học – Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, cây ngô BĐG có thể kháng được một số loại sâu bệnh, thuốc diệt cỏ, giảm được thời gian lao động.
Về hình thức, ngô BĐG cho bắp to, lá xanh, năng suất cao (trên 10 tấn/hécta), trong khi ngô trồng theo phương pháp truyền thống chỉ cho năng suất khoảng 6-8 tấn/hécta. Ông Nguyễn Đức Tửu, xã Xuân Phú, huyện Ea Kar, tỉnh Đắc Lắc so sánh, nếu trồng ngô BĐG kháng cả thuốc trừ cỏ và sâu bệnh sẽ giảm được 1/3 thời gian lao động do không phải làm cỏ, hiệu quả kinh tế khá cao do tiết kiệm được chi phí. Trồng ngô theo phương pháp truyền thống chi phí khoảng 15 triệu đồng/hécta, thì chi phí trồng ngô BĐG chỉ hết khoảng 13,5 triệu đồng.
Từ thực tế khảo nghiệm, Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng: “Cây trồng BĐG sẽ giúp Tây Nguyên giải quyết bài toán an ninh lương thực. Những lợi ích và mặt tích cực của cây trồng BĐG sẽ sớm được khẳng định bởi tính ưu việt trong kháng sâu bệnh, cùng hiệu quả về kinh tế, bảo vệ môi trường của nó”.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, nước ta có khoảng 2 triệu hécta ngô, sản lượng là 5,031 triệu tấn. Đây là một con số khá khiêm tốn so với nhu cầu nguyên liệu cho việc sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên mỗi năm nước ta phải nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn ngô. Những năm gần đây, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương đưa các giống ngô lai vào gieo trồng. Tuy nhiên, năng suất chỉ đạt từ 6-8 tấn/hécta, trong khi trên thế giới trồng giống ngô BĐG năng suất lên tới 10-14 tấn/hécta. Dưới góc độ của nhà nghiên cứu và là đơn vị được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ khảo nghiệm nhân rộng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Tiến sĩ Lê Ngọc Báu nhận định: “Dùng công nghệ BĐG để tạo ra giống cây trồng mới là bước phát triển tiếp theo của con người trên con đường chinh phục thiên nhiên. Công nghệ BĐG hứa hẹn rất nhiều kết quả thú vị trong tương lai, bởi mỗi gen là một đặc tính mà có hàng trăm nghìn gen, hàng trăm nghìn hình thức biến đổi có thể tạo ra gen mới mà mỗi gen mới này đều có thể mang lại nhiều lợi ích cho con người”.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 25 nước đã cho phép trồng cây BĐG, với diện tích khoảng 134 triệu hécta, chiếm khoảng 10% tổng diện tích đất trồng, trong đó ngô BĐG chiếm 26% tổng sản lượng ngô thế giới. Dự kiến đến năm 2015, trên thế giới sẽ có khoảng 40 nước trồng cây BĐG, với diện tích khoảng 200 triệu hécta. Tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, bước đầu khảo nghiệm với một số thành công về ngô BĐG ở miền Nam, miền Bắc và Tây Nguyên, tới đây các giống ngô BĐG sẽ được trồng trên diện rộng và sang năm 2012 sẽ tiến hành trồng đại trà.
Theo Hà Nội mới