Theo TS Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trước việc tăng cường ứng dụng cây trồng BĐG hiện nay, những người nông dân, cũng như lãnh đạo các cấp Hội Nông dân cần không ngừng tiếp cận thêm thông tin về giống cây trồng BĐG, từ đó có những sự lựa chọn những giống cây trồng thích hợp để ứng dụng vào sản xuất khi những giống cây trồng BĐG chính thức được thương mại hóa tại Việt Nam.
Cây trồng BĐG – thành tựu khoa học hiện đại của nhân loại
Cây trồng BĐG là một thành tựu khoa học hiện đại của nhân loại đã được nghiên cứu thành công từ những năm 80 của thế kỷ XX. Đến năm 1996, cây trồng BĐG chính thức được thương mại hóa trên thế giới và việc ứng dụng cây trồng BĐG đã phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử ngành nông nghiệp toàn cầu. Theo thống kê của tổ chức ISAAA, năm 2013, hơn 18 triệu nông dân tại 27 quốc gia canh tác các loại cây trồng BĐG trên tổng diễn tích khoảng 170 triệu héc ta (ha). Bên cạnh đó cây trồng BĐG đang được trồng, nhập khẩu và sử dụng trong nghiên cứu thử nghiệm đồng ruộng tại 70 quốc gia trên thế giới.
Cây trồng BĐG cũng chứng minh được vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người nông dân, tiết kiệm thời gian và công sức lao động trên đồng ruộng và từ đó giúp họ cải thiện cuộc sống, đặc biệt đối với nông dân ở các nước đang phát triển. Theo báo cáo của viện PG Economics, mức tăng trưởng về năng suất và lợi nhuận thu được từ cây trồng BĐG của nông dân ở các nước đang phát triển đang cao hơn so với các nước phát triển. Năm 2012, trung bình mỗi 1 đô la Mỹ người nông dân đầu tư vào hạt giống BĐG, lợi nhuận thu được 4.37 đô la cho nông dân các nước đang phát triển trong khi con số này 3.04 đô la cho nông dân các nước phát triển.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã cấp giấy phép khảo nghiệm diện hẹp, tiếp theo khảo nghiệm diện rộng cho 5 sự kiện ngô BĐG. Cuối tháng 8/2014, Bộ NN&PTNT đã chính thức có các Quyết định về việc công nhận các sự kiện ngô BĐG đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Tiếp sau đó, Bộ Tài nguyên- Môi trường cũng đã có các Quyết định phê duyệt và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho 3 sự kiện ngô BĐG. Đây là một bước phát triển pháp lý quan trọng và cụ thể nhằm tiến tới mục tiêu thương mại hóa và chính thức ứng dụng vào sản xuất đại trà cây ngô BĐG tại nước ta đến năm 2015.
Tuy nhiên, các thông tin về cây trồng BĐG đối với người nông dân, cũng như các cấp lãnh đạo Hội Nông dân địa phương ở Việt Nam còn rất hạn chế. Hầu hết bà con nông dân vẫn chưa nắm rõ về cây trồng BĐG, tính an toàn và tác động loại cây trồng này trong sản xuất nông nghiệp.
Cơ hội và thách thức trong ứng dụng cây trồng BĐG tại Việt Nam
Trong số cây trồng BĐG hiện đang được trồng ở nước ta, phải kể đến cây ngô. Thực tế, việc ứng dụng cây ngô BĐG vào nước ta có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giảm bớt sự lệ thuộc phải nhập khẩu nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ở nước ta, sản xuất ngô vẫn chiếm tỷ trọng khá khiếm tốn do năng suất bình quân còn thấp hơn nhiều nước trên thế giới, chất lượng không đồng đều, nên tính cạnh tranh chưa cao. Chính vì thế, theo định hướng tái cơ cấu ngành trồng trọt, Bộ NN&PTNT đã đặt mục tiêu mở rộng diện tích ngô để đạt 8,5 triệu tấn nhằm phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giảm nhập khẩu trong thời gian tới.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện nước ta đang phụ thuộc tới 70% nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài. Chỉ tính riêng trong 11 tháng đã qua của năm 2014, Việt Nam đã phải chi ra 3,03 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, trong đó riêng nhập khẩu ngô đã chiếm 1,05 tỷ USD với khối lượng lên tới 4,07 triệu tấn. Chính vì thế, với ưu điểm có khả năng kháng sâu bệnh, thuốc trừ cỏ, cây ngô BĐG là một trong những giải pháp thích hợp nhằm gia tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt là tiến tới giảm lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Phân tích về cây trồng BĐG, PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam cho biết, cho đến nay, chúng ta vẫn đặt câu hỏi thế nào là cây trồng biến đổi gen (BĐG). Trước đây, chúng ta vẫn áp dụng phương pháp truyền thống là lai, trong đó cây được lai bao gồm cả đặc tính mong muốn và không mong muốn của cây lai. Còn sử dụng kỹ thuật di truyền (công nghệ gen) thì sẽ tạo ra cây chỉ có đặc tính được mong muốn, vì thế rất nhiều quốc gia muốn ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) vào cuộc sống. Diện tích trồng cây CNSH đã tăng lên 175,2 triệu ha, tại 27 nước. Tổng diện tích lũy kế toàn cầu đã đạt 1,5 tỷ cây. Trong đó, châu Âu có ít nhất 5 nước đã trồng và thương mại hóa cây ngô BĐG. Đến nay, đã có 500 nhóm nghiên cứu độc lập an toàn sinh học của cây trồng BĐG, 610 bài báo đã được công bố. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học là cây trồng BĐG có rủi ro cao hơn đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người, vật nuôi.
Cũng đề cập tới việc ứng dụng cây trồng BĐG ở Việt Nam hiện nay, theo PGS.TS Phạm Văn Toản, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, quyết tâm ứng dụng cây trồng BĐG đã được các cơ quan quản lý thể hiện rất rõ ràng trong các văn bản, đầu tiên là Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng, ngày 4/3/2005; tiếp đến là Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại đất nước (Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg ngày 22/7/2005); Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT đến năm 2020 (Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12/01/2006); Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 14/2008/QĐ-TTg ngày 22/01/2008).
PGS.TS Phạm Văn Toản cũng nêu rõ, về mặt Tổ chức quản lý nhà nước cũng đã được phân công và quy định rõ nhiệm vụ của từng cơ quan liên quan đến ứng dụng cây trồng BĐG gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ… “Có thể nói, đến 2014 chúng ta đã có một hệ thống văn bản luật, nghị định rất đầy đủ, song song với đó, các bộ ngành cũng đã xây dựng được hệ thống tổ chức, quản lý sinh vật BĐG” – PGS.TS Phạm Văn Toản nói.
Có thể thấy, việc áp dụng công nghệ phải đi kèm với việc không ngừng học hỏi (phòng chống sâu bệnh, canh tác theo ruộng bậc thang), chứ CNSH không phải là công cụ vạn năng giải quyết mọi vấn đề. Trong tương lai, phải làm sao để người nông dân tiếp tục được tiếp cận nguồn thông tin chính xác và nhanh chóng về CNSH nông nghiệp để đưa ra các lựa chọn đúng đắn. Việc chia sẻ công nghệ này phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, bền vững./.
Theo ĐCSVN