Cho đến nay, giới khoa học Việt Nam vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc thương mại hóa cây trồng chuyển gen. Trở về từ Hội nghị kỷ niệm 10 năm ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) tại Philippines, PGS.TS Nguyễn Văn Tuất, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với phóng viên về vấn đề này.
Ta đang tranh cãi, bạn đã ứng dụng
Theo kết quả nghiên cứu của Yorobe thuộc Đại học Philippines Los Banos, năm 2006, trồng ngô Bt tiết kiệm 60% chi phí sử dụng thuốc trừ sâu do không cần phun thuốc trừ sâu để quản lý sâu đục thân ngô. “Cho đến nay, không tìm thấy tác động bất lợi về đa dạng thành phần côn trùng trong đất trồng ngô Bt. Mặt khác, sự gia tăng quần thể các loài côn trùng có ích như bọ cánh cứng, nhện và bọ rùa đã được ghi nhận. Đã có 8 sự kiện ngô kháng sâu Bt đã được cấp phép trồng trọt tại Philippines, với ước tính 270.000 người dân trồng trọt trong năm 2010”. |
Được biết ông vừa có chuyến tham dự Hội nghị kỷ niệm 10 năm ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học tại Philippines, ông có thể chia sẻ gì về chuyến đi?
Những vấn đề Hội nghị đưa ra hết sức thiết thực, liên quan đến sức khoẻ, đời sống và an ninh lương thực không chỉ riêng của Philippines mà của toàn thế giới. Ví dụ như sử dụng vi sinh vật trong sản xuất pho mát, sản xuất sữa từ rong biển… Các vấn đề về công nghệ sinh học nông nghiệp cũng được đặc biệt quan tâm như công nghệ phòng trừ dịch hại cây trồng, lúa vàng bổ sung vitamin A, cây trồng chuyển gen và vai trò của chúng trong nông nghiệp bền vững…
Trong khi chúng ta vẫn còn đang tranh cãi, chưa đưa vào ứng dụng rộng rãi thì nước bạn đã có được những thành tựu gì, thưa ông?
Cây ngô là cây trồng chuyển gen đầu tiên được Chính phủ Philippines chính thức cho phép thương mại hóa năm 2002. Trong vòng 9 năm, diện tích trồng ngô chuyển gen của Philippines tăng từ 10.769ha vào năm 2003 lên tới 679.908ha vào năm 2011. Diện tích cây trồng chuyển gen tăng mạnh như vậy là do người dân đã dần làm quen, hiểu được những lợi ích mà loại cây trồng này mang lại, từ đó chủ động ứng dụng. Hơn nữa, trong mấy năm qua, Chính phủ Philippines đã tiếp tục phát triển những cây trồng CNSH khác như giống lúa Tungro kháng bệnh bạc lá; giống chuối chống bệnh chùn ngọn, bệnh virus; cà chua kháng virus; khoai tây và khoai sọ năng suất và chất lượng cao; giống lúa vàng có hàm lượng beta-caroten cao; bông và cà tím chuyển gen kháng sâu Bt; đu đủ kháng virus và chín chậm…
Phải chăng trong quá trình triển khai ứng dụng, họ không gặp sự phản đối bởi các ý kiến trái chiều như Việt Nam?
Philippines cũng gặp những khó khăn tương tự Việt Nam hiện nay trong việc ứng dụng cây trồng chuyển gen, đó là sự chưa đồng thuận trong thời điểm ban đầu khi mới đưa vào khảo nghiệm. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở khoa học về tính an toàn của cây trồng chuyển gen đối với sức khoẻ con người, vật nuôi, môi trường và đa dạng sinh học cũng như lợi ích cây trồng chuyển gen mang lại, Chính phủ Philippines đã triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp người dân hiểu về giá trị, vai trò của cây trồng chuyển gen trong sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững, nhờ đó tốc độ ứng dụng cây trồng chuyển gen tại Philippines tăng lên nhanh chóng.
Được biết, quá trình khảo nghiệm ngô chuyển gen ở Việt Nam được tham khảo từ mô hình của Philippines, phải chăng có điểm tương đồng giữa nền nông nghiệp 2 nước?
Việt Nam và Philippines có nhiều điểm tương đồng như quy mô nông hộ nhỏ, diện tích đồng ruộng hạn chế, đa dạng cây trồng trên cùng một cánh đồng, trình độ canh tác của nông dân, lao động thủ công nhiều… Đây cũng chính là lý do mà kinh nghiệm và hệ thống các văn bản quy định về cây trồng chuyển gen của Philippines được Việt Nam, cũng như một số quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Nigeria, Peru và Pakistan tham khảo. Việc tham khảo kinh nghiệm thực tế của các quốc gia đi trước là cần thiết, cho phép chúng ta đưa ra những lựa chọn phù hợp cho điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Bằng kinh nghiệm thực tế, ông thấy quá trình khảo nghiệm, ứng dụng cây trồng CNSH ở Philippines so với Việt Nam có gì khác biệt?
Nhìn chung quá trình khảo nghiệm cây trồng chuyển gen ở nước ta về cơ bản cũng như của Philippines. Ban đầu, họ cũng gặp những khó khăn về thủ tục, cách thức tiến hành khảo nghiệm, đánh giá kết quả khảo nghiệm… Tuy nhiên, hiện nay Philippines đã hoàn thiện các quy định về đăng ký, khảo nghiệm và cấp chứng chỉ cho phép thương mại hóa cây trồng chuyển gen và các sản phẩm của chúng.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuất, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. |
Chưa hiểu, phản đối cũng dễ hiểu
Có ý kiến cho rằng, một số nhà khoa học phản đối cây chuyển gen vì sợ những giống cây trồng họ nghiên cứu sẽ không được người dân sử dụng. Ông có ý kiến gì về việc này?
Khi chưa hiểu thì họ phản đối và có một số lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Hiện nay rất nhiều người đã nhận ra cây trồng chuyển gen với những ưu điểm như sử dụng thuốc hóa học ít hơn, chất lượng tốt hơn, chi phí cho bảo vệ thực vật giảm… ngày càng được khẳng định và chấp nhận rộng rãi. Mục tiêu quan trọng chúng ta hướng tới là nâng cao sản lượng, cải thiện thu nhập của nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Nếu sản phẩm chuyển gen thực sự tốt thì theo ông có cần sự hỗ trợ của Chính phủ để phát triển đại trà?
Việc nghiên cứu, đánh giá rủi ro, ban hành các quy định hướng dẫn và chính sách cho lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp nói chung và cây trồng chuyển gen nói riêng cần đáp ứng mục tiêu quản lý an toàn đồng thời thúc đẩy hiệu quả phát triển kinh tế. Ở Việt Nam, Chính phủ đã có các chủ trương nhằm phát triển và ứng dụng cây trồng chuyển gen trong nông nghiệp, chú trọng các cây trồng còn phải nhập khẩu như ngô, đậu tương. Do vậy, Chính phủ cần sớm xem xét trên khía cạnh khoa học để phát triển ngô chuyển gen ở các vùng trồng lớn, nhằm quản lý hiệu quả hơn, góp phần đảm bảo sản lượng ngô cho chế biến.
Theo chủ quan của ông, khi nào thì cây trồng sinh học và cụ thể là các giống chuyển gen mới được thương mại hóa ở Việt Nam?
Nếu các giống khảo nghiệm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn sinh học có thể sớm được các cấp thẩm quyền cho phép sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Hiện tại các văn bản pháp lý đang được hoàn thiện nhằm đảm bảo một hệ thống quản lý hiệu quả. Một khi các sự kiện chuyển gen đang khảo nghiệm tại Việt Nam (như NK603, BT11, TC1507, MON89034) được đánh giá an toàn và đảm bảo các yêu cầu đặt ra thì việc đưa vào thương mại trên các giống ngô đã được công nhận là giống quốc gia sẽ không còn lâu nữa.
Xin cảm ơn ông đã trò chuyện cùng độc giả.
Về việc bao giờ ngô chuyển gen mới được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học, PGS.TS Nguyễn Văn Tuất cho biết: Hiện nay, một số dòng ngô chuyển gen đã kết thúc khảo nghiệm hạn chế và khảo nghiệm diện rộng trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Các quy trình quản lý triển khai khảo nghiệm và kết quả khảo nghiệm đã được Hội đồng chuyên môn về an toàn sinh học của Bộ Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn (NNPTNN) xem xét, đánh giá, có phản biện, đồng thời tổng hợp những ý kiến của công chúng dựa trên cơ sở khoa học trước khi tổ chức họp và trình Lãnh đạo Bộ xem xét cấp chứng nhận cho từng sự kiện chuyển gen cụ thể.
Theo bee.net.vn