Ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững

7-2015, tại thành phố Cần Thơ, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với Tập đoàn Monsanto tổ chức Hội thảo “Ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững”.

 

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các viện nghiên cứu khoa học, trường đại học, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS. Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định: Ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển cây trồng biến đổi gien là hướng đi cần thiết trong phát triển nông nghiệp bền vững trên thế giới hiện nay. Theo báo cáo của Cơ quan Dịch vụ quốc tế về khuyến khích và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), việc chấp nhận cây trồng công nghệ sinh học ở các quốc gia liên tục gia tăng trong 19 năm qua, với diện tích trồng từ 1,7 triệu ha năm 1996 đã tăng lên 181,5 triệu ha năm 2014. Hiện có khoảng 18 triệu nông dân ở 28 nước đang canh tác cây trồng công nghệ sinh học. Hiệu quả từ cây trồng công nghệ sinh học ngày càng được khẳng định: 90% nông dân nghèo, thu nhập thấp ở các nước đang phát triển được hưởng lợi từ những loại cây trồng này; giúp giảm nghèo đói cho hơn 16,5 triệu nông hộ nhỏ lẻ; góp phần gia tăng sản lượng lương thực trị giá 133 tỷ USD trong giai đoạn 1996-2013; giảm tác động tiêu cực đến môi trường nhờ giảm lượng thuốc trừ sâu, các hoạt chất hóa học trong canh tác,…
Ở Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu gần đây của Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 1996 đến năm 2013, tăng trưởng GDP trong nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần. Cụ thể giai đoạn 1996-2000 đạt mức tăng trưởng 4,01%; giai đoạn 2001-2005 tăng 3,83%; giai đoạn 2006-2010 tăng 3,03%; 2011 – 2013 tăng 2,9%. Trước thực trạng đó, theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần nhanh chóng triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp bao gồm việc điều chỉnh và nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp hiện có; chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cải thiện nguồn giống; đồng thời tìm kiếm những sản phẩm nông nghiệp mới phù hợp, được ứng dụng công nghệ cao với giá trị gia tăng lớn, có thị trường tiêu thụ ổn định.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu thống nhất nhận định: Đến nay, các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp cận được công nghệ chuyển gien để tạo giống cây trồng tương đương với trình độ thế giới. Cả nước hiện có trên 60 phòng thí nghiệm nghiên cứu về công nghệ sinh học, 7 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, trên 30 trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành công nghệ sinh học. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay, ưu thế nổi trội của cây trồng công nghệ sinh học là: có thể canh tác cả trên quy mô lớn và quy mô nhỏ; nâng cao năng suất cây trồng nhờ hạn chế được nhiều loại sâu bệnh, dịch hại; giảm việc sử dụng các loại hóa chất trong canh tác nhờ đó hạn chế gây ô nhiễm môi trường; các sản phẩm đản bảo an toàn khi sử dụng,…
Các hướng nghiên cứu tiêu biểu về cây trồng công nghệ sinh học đã được triển khai ở Việt Nam thời gian qua bao gồm: tạo cây trồng công nghệ sinh học có khả năng kháng sâu bệnh; nghiên cứu cây trồng công nghệ sinh học để thu nhận sinh khối và hợp chất thứ cấp; tạo cây trồng công nghệ sinh học kháng thuốc diệt cỏ, làm chậm sự lão hóa; tạo cây trồng công nghệ sinh học chống chịu điều kiện môi trường bất lợi do tác động của biến đổi khí hậu. Hiện tại, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 29 trên thế giới áp dụng việc sản xuất các loại cây trồng biến đổi gien với 4 giống ngô biến đổi gien đầu tiên đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cho phép sản xuất, kinh doanh. Theo định hướng cơ cấu lại ngành trồng trọt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm tới, Việt Nam sẽ chuyển một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô công nghệ sinh học để tăng sản lượng ngô lên 8,5 triệu tấn/năm, phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giảm tình trạng nhập khẩu ngô nguyên liệu khoảng 4 triệu tấn/năm như hiện nay.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể là: nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu do chế độ đãi ngộ về đào tạo, nghiên cứu, hoạt động chưa phù hợp, còn nhiều bất cập; kinh phí nghiên cứu hạn chế, thủ tục thanh toán phức tạp; việc đầu tư, quản lý các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu ở nhiều viện, trường còn dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; chưa phát huy được sự liên kết từ nghiên cứu đến ứng dụng giữa cơ sở nghiên cứu với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong ngành nông nghiệp,…
Hội thảo đã thống nhất đề xuất một số vấn đề cần quan tâm trong ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững trong thời gian tới là:
– Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp.
– Xây dựng chiến lược ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống, chẩn đoán, phòng trừ dịch hại, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu.
– Đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và nguồn nhân lực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp.
– Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao công nghệ; có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực, nhất là nông nghiệp.

– Tăng cường liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp, hợp tác quốc tế trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển công nghệ sinh học./.

Theo TCCSĐT