Ứng dụng ngô chuyển gien: Mang lại lợi ích cho nông dân

Với mục đích giúp tăng cường đối thoại và trao đổi thông tin đa chiều, tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế chính sách để sớm ứng dụng và triển khai cây trồng biến đổi gen, cụ thể là ngô biến đổi gen trên diện ruộng tại Việt Nam, Viện Khoa học học Nông nghiệp Việt Nam ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ) đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng và Phát triển ngô biến đổi gen tại Việt Nam”

 

Chương trình đã kết hợp tổ chức chương trình đi thăm và khảo sát thực tế một số mô hình ứng dụng ngô biến đổi gen tại Thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La trong hai ngày 29 và 30 tháng 8 năm 2015. Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ các cơ quan chính phủ, các viện nghiên cứu khoa học, đại diện các tỉnh trồng ngô khu vực phía Bắc, các doanh nghiệp…

Đoàn đã đến thăm, trải nghiệm và trò chuyện với những nông dân đầu tiên trực tiếp trồng ngô biến đổi gen tại các ruộng thuộc thị trấn Nông Trường và Chiềng Sơn, Mộc Châu – Sơn La. Là một trong các vùng trồng ngô trọng điểm, Sơn La được xem là “thủ phủ trồng ngô” với diện tích canh tác lớn nhất cả nước.  Cây ngô vì thế đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh. Làm thế nào để cải thiện hiệu quả canh tác và tăng năng suất sản xuất ngô luôn là quan tâm hàng đầu của bà con nông dân trong tỉnh.

Giống như nông dân trồng ngô tại nhiều vùng, bà con nông dân tại Sơn La gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý sâu hại và cỏ dại trong quá trình canh tác, đặc biệt với địa hình đồi núi đặc trưng, công sức và mức độ đầu tư chi phí để xử lý sâu hại và cỏ dại được xem là khó khăn hàng đầu. Chính vì vậy việc lựa chọn giống tốt là yếu tố quyết định cho một mùa vụ thắng lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mỗi gia đình. Đồng thời, cải thiện năng suất ngô tại khu vực có diện tích ngô lớn nhất cả nước này cũng sẽ góp phần tăng tổng sản lượng ngô nội địa, góp phần giảm áp lực nhập siêu ngô trong những năm vừa qua.

Qua khảo sát thực tế, khi ứng dụng các giống ngô chuyển gen với đặc tính chống chịu sâu bệnh và kháng thuốc trừ cỏ qua vụ đầu tiên, bà con nông dân đã chia sẻ một số cải tiến:
Cây ngô ít bị sâu hại tấn công và cản trở quá trình sinh trưởng vì thế ngô phát triển khỏe mạnh, cho ra bắp thành phẩm chất lượng tốt hơn. Việc sử dụng thuốc trừ sâu giảm đáng kể, có một số vùng bà con không phải sử dụng thuốc để kiểm soát các loại sâu hại chính.

Với đặc tính chống chịu thuốc trừ cỏ, bà con nông dân không phải sử dụng thuốc trừ cỏ nhiều như trước, mức độ cỏ dại mọc xâm lấn với ngô được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt công lao động trong việc làm cỏ bằng tay được giảm đi rõ rêt. Năng suất ngô thu hoạch cao hơn, chất lượng ngô thành phẩm tốt hơn. Về mặt chi phí, khi cân đối với chi phí đầu tư với chi phí giảm được của việc sử dụng ít hơn thuốc trừ sâu và trừ cỏ, lợi nhuận thu được của bà con nông dân trồng ngô chuyển gen cao hơn so với trồng ngô thường trước đây.

Ông Phan Văn Chuyển, thị trấn Tân Lập, Mộc Châu chia sẻ tại ruộng ngô thử nghiệm giống DK 6919S của công ty TNHH Dekalb Việt Nam:“Khi trồng thử và đối chứng với giống thường, tôi và bà con trong khu thấy giống ngô của Dekalb có thêm công nghệ kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ giúp giảm hẳn tiền thuê và công lao động trong khi năng suất tăng từ 10,1 tấn hạt tươi/ ha lên đến 12,5 tấn hạt tươi/ ha. Ngô thương phẩm của tôi đợt này đẹp và chất lượng cao hơn nên khi người ta thu mua giá cao hơn. Mà được giá, được mùa thì tôi tin chắc nông dân ai cũng muốn. Tôi và xóm làng mong có nhiều giống mới tốt như DK 6919S để chúng tôi có thể nâng cao năng suất, cho cuộc sống của gia đình vợ con cải thiện hơn.”

Chính vì vậy, việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính quyền, địa phương, hệ thống khuyến nông và doanh nghiệp là cần thiết để phát huy nguồn lực và triển khai việc mở rộng ứng dụng ngô chuyển gen một cách đúng đắn, có định hướng và mang lại hiệu quả tích cực.

Theo LĐTĐ