Việc thực hiện quy định pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại Khu Bảo tồn và Du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười

Khu Bảo tồn và Du lịch sinh thái (KBT DLST) Đồng Tháp Mười thuộc địa bàn xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Khu sinh thái Đồng Tháp Mười được quy hoạch là khu dự trữ thiên nhiên thuộc loại hình đất ngập nước; tại Quyết định số 1107/QĐ-BTNMT ngày 12/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố Danh mục các khu bảo tồn, Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười là khu bảo tồn đáp ứng tiêu chí khu bảo tồn loài, sinh cảnh.

Thời gian qua, BQL đã triển khai thực hiện các hoạt động về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại KBT, trong đó: Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án, phương án như: Phương án quản lý rừng bền vững; Đề án du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ; Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên kết khai thác du lịch sinh thái; Đề án tổ chức lại Ban Quản lý Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười; Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng…. Công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm và các loài động vật bản địa vùng Đồng Tháp Mười cũng đã được triển khai thông qua nhiều biện pháp, góp phần bảo đảm sự sống lâu dài của các loài động vật nguy cấp: thống kê theo dõi trực tiếp các loài, tuần tra bảo vệ, điều tiết mực nước theo khuyến cáo, phối hợp với các bên liên quan tăng cường bảo vệ chim bên ngoài Khu bảo tồn….

Đặc biệt, BQL đã thực hiện trồng và chăm sóc rừng tràm, cây bản địa, thực hiện chiến lược quản lý thủy văn theo Dự án “Phục hồi quản lý nguồn nước cho lưu vực sông Hồng và sông Tiền Giang tại Vườn quốc gia Xuân Sơn và Khu bảo tồn và Du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười” theo Quyết định số 753/QĐ-BNN-HTQT ngày 02 tháng 3 năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang. Song song với đó, thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ rừng, đa dạng sinh học: phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an ở địa phương trong việc tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, nội quy ra vào rừng, biển cấm lửa, tuyên truyền các quy định về lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời đã ký các quy chế phối hợp với Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp, Công an xã Thạnh Tân. Theo đó, BQL đã phối hợp chặt chẽ với Công an xã Thạnh Tân tuần tra trên địa bàn để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi săn bắt, đặt bẫy chim, phối hợp với các xã lân cận tuyên truyền không săn bắt, không sử dựng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo báo cáo của Ban quản lý: tại khu vực đã xác định được danh sách các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trong Khu bảo tồn, bao gồm: già đẫy nhỏ, cổ rắn, cò trắng Trung Quốc; trong đó các loài thường gặp là già đẫy nhỏ, cổ rắn. Theo đó, cho nuôi và cho sinh sản thành công trong môi trường nuôi bán hoang dã đàn chim Giang sen, từ năm 2022 đến năm 2023 đã sinh sản được 15 con và thực hiện tái thả chim Giang sen con khi trưởng thành về môi trường tự nhiên; thực hiện tái thả về môi trường rừng của đơn vị 56 cá thể rùa núi vàng tiếp nhận từ Chi cục Kiểm lâm và 4 con cần đước từ nguồn sinh sản đàn bố mẹ đang nuôi bảo tồn. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại (mai dương, bèo tai chuột, tràm bông vàng) trong Khu bảo tồn.

Đặc biệt, nhờ hỗ trợ từ dự án do Tổ chức WWF – Việt Nam tài trợ, BQL đã tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng môi trường nước thông qua thực hiện chiến lược quản lý thủy văn của KBT DLST Đồng Tháp Mười; và thực hiện tổ chức liên kết, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai hoạt động du lịch sinh thái trong Khu bảo tồn và Du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười: thực hiện Hợp đồng liên kết khai thác du lịch sinh thái với Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai./.

NBCA