Vườn quốc gia (VQG) U Minh Thượng được thành lập theo Quyết định số 49/2002/QĐ-UBND ngày 08/7/2002 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang trên cơ sở Quyết định số 11/2002/QĐ-TTg ngày 14/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng thành VQG U Minh Thượng, thuộc địa giới hành chính của xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Diện tích tự nhiên của VQG là 21.107 ha, gồm: vùng lõi 8.038 ha (Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 914,00 ha; Phân khu phục hồi sinh thái: 7.124,00 ha) và vùng đệm 13.069 ha (do UBND huyện U Minh Thượng quản lý).
VQG U Minh Thượng được đánh giá là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao mang tính đại diện của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh sự phát triển của cây tràm, còn có hơn 260 loài thực vật thuộc 84 họ, với nhiều loài đặc hữu như phong lan đất, bèo tản nhọn, cây dương xỉ… Hệ động vật cũng rất phong phú với 32 loài thú thuộc 10 họ, 7 chi trong đó có 7 loài dơi, 10 loài được liệt kê trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới như: Rái cá lông mũi (Lutra sumatrana), Rái cá vuốt bé (Aonyx cinerea), Mèo cá (Prionailurus viverrius), Tê tê java (Manis javanica), Già đẫy Java (Leptoptilos javanicus), Bồ nông chân xám (Pelecanus philippensis), Cổ rắn (Anhinga melanogaster), Rắn hổ chúa (Ophiophagus hannah)…
Thời gian qua, các hoạt động thực hiện nội dung về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã được VQG U Minh Thượng triển khai thực hiện, cụ thể: Triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng theo Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 của VQG và các văn bản liên quan khác; Triển khai các hoạt động quan trắc, kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học thông qua việc thực hiện các đề tài, nhiệm vụ, dự án tại VQG. Thiết lập được chuỗi số liệu theo dõi loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
Ngoài ra, VQG U Minh Thượng đã xây dựng Báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học của Khu bảo tồn theo quy định tại Điều 33 Luật Đa dạng sinh học vào năm 2016 và đang triển khai cho năm 2024; Thực hiện một số dự án khoanh nuôi phục hồi sinh thái; Thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái trong VQG theo Đề án phát triển du lịch sinh thái được phê duyệt; song song với đó, triển khai các hoạt động phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng giữa Hạt Kiểm lâm VQG U Minh Thượng với Công an xã Minh Thuận và Công an xã An Minh Thuận thuộc huyện U Minh Thượng; Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo tồn, sử dụng bền vững đất ngập nước, bảo vệ các loài chim hoang dã, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên đến toàn thể viên chức, người lao động của VQG U Minh Thượng và người dân sinh sống tại khu vực vùng đệm của VQG.
Đặc biệt, việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, đã được triển khai bao gồm: Xây dựng “Đề án quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững khu Ramsar Vườn quốc gia U Minh Thượng giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030”; Triển khai các hoạt động bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước tại VQG thông qua các dự án quốc tế nhằm góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống người dân sống xung quanh VQG, tăng khả năng chống chịu của biến đổi khí hậu, đảm bảo tính toàn vẹn của hệ sinh thái đất ngập nước trong VQG;
Việc phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 đã lồng ghép nội dung quản lý, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rừng tràm, bảo tồn đa dạng sinh học vùng đất ngập nước của VQG; Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá hiệu quả quản lý khu Ramsar/VQG theo hướng dẫn cập nhật của IUCN về METT4 .
Thời gian qua, việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo tồn loài đã được VQG U Minh Thượng nghiêm túc thực hiện, bằng cách xây dựng Danh mục các loài động, thực vật của VQG, trong đó, xác định có 09 loài thuộc Danh mục loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Triển khai hoạt động giám sát 06 loài động vật hoang dã, trong đó, phối hợp với các tổ chức quốc tế giám sát 04 loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại VQG; Tiếp nhận, nuôi cứu hộ một số cá thể động vật hoang dã do săn bắt, mua bán, vận chuyển trái phép từ lực lượng kiểm lâm; các tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp, trao tặng. Thực hiện hoạt động nhân nuôi sinh sản, tái thả về môi trường tự nhiên và nuôi cứu hộ một số cá thể động vật ngoại lai, mất tập tính tự nhiên; và Lập Danh mục loài ngoại lai xâm hại xuất hiện tại VQG và thực hiện một số biện pháp diệt trừ./.
NBCA