Việc thực hiện quy định pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại Vườn quốc gia Xuân Thủy

Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy, tỉnh Nam Định được thành lập theo Quyết định số 01/2003/QĐ-TTg ngày 02/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy thành VQG Xuân Thủy; có vị trí ở phía Đông Nam của huyện Giao Thủy, tại cửa Ba Lạt của sông Hồng với tổng diện tích 7.100 ha, bao gồm 03 phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có tổng diện tích là 6.166 ha bao lấy toàn bộ diện tích rừng của cồn Lu, cồn Xanh; Phân khu phục hồi sinh thái có tổng diện tích là 916ha (gồm phân khu phục hồi sinh thái cồn Ngạn với diện tích 338ha, phân khu phục hồi sinh thái cồn Lu (phần còn lại của cồn Lu) với diện tích 578 ha); Phân khu dịch vụ hành chính có diện tích 18ha (gồm 02 trạm quản lý tài nguyên thiên nhiên tại Cồn Lu và Cồn Ngạn). Năm 2008, UBND tỉnh Nam Định có Quyết định 1440/QĐ-UBND ngày 28/7/2008 về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho VQG Xuân Thủy tại xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy với diện tích 96.520m2 với mục đích làm mặt bằng xây dựng trung tâm hành chính dịch vụ.

Một số danh hiệu khác của VQG Xuân Thủy: VQG Xuân Thủy là một phần của khu Ramsar Xuân Thủy (Khu Ramsar Xuân Thủy được công nhận ngày 20/9/1988 với tổng diện tích 12.000ha, là khu vực thoả mãn 6/9 tiêu chí của Công ước Ramsar nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam); VQG Xuân Thủy là một trong hai vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Thế giới đất ngập nước liên tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng (Khu DTSQ thế giới Sông Hồng được công nhận vào ngày 02/12/2004 với tổng diện tích 105.558ha trên địa bàn 03 tỉnh và 05 huyện).

Thời gian qua,Ban Quản lý Vườn Quốc gia (BQL VQG) Xuân Thủy đã triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và đất ngập nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thực hiện hoạt động quản lý trong 03 phân khu của VQG

Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: tuần tra, kiểm tra, bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên sinh học, các kiểu sinh cảnh của các loài động thực vật và cảnh quan của phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; Nghiên cứu khoa học về rừng, động thực vật, môi trường, địa lý, cảnh quan khí hậu thuỷ văn, …; Giáo dục và đào tạo về bảo tồn thiên nhiên;

Phân khu phục hồi sinh thái: Tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng; Khoán bảo vệ rừng; Khoanh nuôi, phục hồi, xúc tiến tái sinh; Khai thác thủy sản theo quy định; Nuôi trồng thủy sản quảng canh; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Nghiên cứu khoa học.

Phân khu hành chính dịch vụ: Hoạt động hành chính của BQL; Dịch vụ du lịch: ăn uống, lưu trú, …; Diễn giải môi trường; Nghiên cứu khoa học; Vườn ươm; Cứu hộ động vật.

Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên

BQL VQG Xuân Thuỷ đã tiến hành lập hồ sơ đề nghị tổ chức quốc tế công nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN (AHP) và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định (theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường). Bên cạnh đó, xây dựng và được phê duyệt Quy hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển VQG Xuân Thủy (2005), Kế hoạch quản lý điều hành VQG Xuân Thủy giai đoạn 2013-2018 (2013) và hiện nay đang chờ phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2024-2030; thực hiện quản lý và bảo vệ môi trường VQG Xuân Thủy theo quy định của pháp luật và theo các quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt cho từng giai đoạn.

Công tác tổ chức thực hiện và giám sát các nhiệm vụ về bảo vệ và phát triển rừng, theo dõi diễn biến rừng; Quan trắc đa dạng sinh học; Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn khai thác không hợp pháp; Thông tin tuyên truyền bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học; Quan trắc tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Bảo vệ vùng đất ven biển, chống ô nhiễm rác thải cũng được thực hiên tốt tại đây.

Trong 05 năm gần đây, BQL VQG đã thực hiện điều tra, quan trắc được một số loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Cò thìa mặt đen; Ngỗng trời; Choắt lớn mỏ vàng, Rẽ mỏ thìa, Bồ Nông chân xám, Mèo cá, Vích, Rắn hổ chúa, …); thực hiện cứu hộ và tái thả 01 cá thể Cò thìa mặt đen và 01 cá thể Vích. Song song với đó cũng thực hiện một số nhiệm vụ quản lý khu bảo tồn đất ngập nước (Điều 15 Nghị định 66/2019/NĐ-CP): Quản lý các hoạt động sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước; Tổ chức thực hiện các hoạt động về bảo tồn vùng đất ngập nước trong khu bảo tồn theo các chương trình, kế hoạch, đề án hoặc đề tài, dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Phối hợp với lực lượng kiểm ngư, kiểm lâm, lực lượng cứu hộ, cứu nạn, các cơ quan quản lý chuyên môn cấp tỉnh và cộng đồng dân cư thực hiện quản lý, bảo tồn và sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.

BQL VQG Xuân Thuỷ đã có các hoạt động truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng để thực hiện tốt công tác tuyên truyền với các nội dung về bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hoạt động khai thác thủy sản không hợp pháp, bảo vệ tài nguyên và đa dạng sinh học, bảo vệ chim di cư. Bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh Nam Định ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát triển VQG Xuân Thủy (quy định rõ trách nhiệm phối hợp của Sở NN&PTNT, UBND huyện Giao Thủy, các cơ quan chuyên môn của tỉnh và BQL VQG Xuân Thủy); Ký kết Quy chế phối hợp giữa 04 đơn vị trong việc quản lý bảo vệ rừng, đa dạng sinh học và môi trường khu vực VQG Xuân Thủy (VQG Xuân Thủy, Hạt kiểm lâm Giao Xuân Hải, Đồn biên phòng Quất Lâm và Đồn biên phòng Ba Lạt). Ngày 26/7/2013, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã ra Quyết định số 466/QĐ-UBQG UNESCO về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý bảo tồn và phát triển bền vững Khu DTSQ Thế giới đất ngập nước viên tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng./.

NBCA