Lúc 10h30 ngày 13/5, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, sinh học và di truyền học của Việt Nam đã chia sẻ cùng độc giả VnExpress các kiến thức về thực phẩm biến đổi gen.
Với sự dẫn dắt của giáo sư Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, buổi tọa đàm “Thực phẩm biến đổi gen” có sự tham gia của giáo sư Lê Đình Lương, Chủ tịch Hội di truyền học Việt Nam, phó giáo sư Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện di truyền Nông nghiệp Việt Nam và tiến sĩ Phạm Đồng Quảng – quyền Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tham gia buổi tọa đàm trên VnExpress sáng nay, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ áp dụng công nghệ biến đổi gen vào canh tác, song cho biết vẫn có cơ chế giám sát nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hàm, thực phẩm biến đổi gen được sử dụng gần 20 năm nay. Y văn thế giới chưa ghi nhận bất kỳ rủi ro nào mà nó gây ra. Việt Nam cũng áp dụng quy chế đặc thù rằng chỉ sử dụng thực phẩm biến đổi gen khi 5 nước phát triển (Nhật, Mỹ, Austrailia, Hàn Quốc và EU) cho sử dụng. “Nếu 5 nước này công nhận thì Việt Nam mới cho phép sử dụng. Sau khi cho sử dụng, chúng ta vẫn yêu cầu nhà sản xuất thực phẩm biến đổi gen tiếp tục theo dõi, nhằm can thiệp thời khi có bất thường xảy ra tại Việt Nam và trên thế giới. Như vậy, nước ta hiện có hàng rào kép về an toàn sinh học của cây biến đổi gen”, ông nhấn mạnh.
Toàn cảnh buổi tư vấn về “Thực phẩm biến đổi gen” tại tòa soạn VnExpress. |
Hơn 200 câu hỏi được độc giả gửi tới các chuyên gia trong buổi tọa đàm. 4 vị khách mời của chương trình, gồm Tiến sĩ Phạm Đồng Quảng là Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Cơ quan cấp phép thương mại hóa cây trồng biến đổi gen; Giáo sư Lê Đình Lương – Chủ tịch Hội di truyền học Việt Nam. Ông từng đảm nhận vị trí Phó chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hàm – Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giáo sư Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, đồng thời là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học Giáo dục của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông tham gia với tư cách người dẫn chương trình.
– Thưa các thầy, dù muốn hay không muốn thì có lẽ chúng ta đều phải sử dụng thực phẩm biến đổi gen. Cho tôi hỏi thực phẩm biến đổi gen như thế nào được gọi là an toàn theo nguyên tắc của Tổ chức Y tế Thế giới? (Trần Khải, Hà Nội).
– Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hàm: Theo Codex Alimentarius, một loại thực phẩm mới được coi là an toàn khi nó có thành phần tương đương với thực phẩm truyền thống. Đối với thực phẩm biến đổi gen, nếu sản phẩm từ cây trồng biến đổi gen có thành phần hóa học tương đương với sản phẩm cây trồng truyền thống thì coi là an toàn. Trong quá trình đánh giá an toàn thực phẩm biến đổi gen, các nhà khoa chọ so sánh thành phần của cây biến đổi gen tạo ra với cây trước khi biến đổi gen với khoảng 70-80 chỉ tiêu. Nếu các chỉ tiêu này tương đương nhau, người ta đánh giá là an toàn. Sau đó, các nhà khoa học đánh giá trên chuột, đánh giá trên dịch dạ dày mô phỏng và cuối cùng sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Trên cơ sở các kết quả thí nghiệm đó, mới rút ra kết luận an toàn hay không.
– Ở chỗ tôi làm lan truyền câu chuyện, rằng nghĩa địa ở châu Phi có nhiều bia mộ có ghi dòng chữ: “Người này chết vì ăn thực phẩm biến đổi gen”. Các nhà khoa học bình luận gì về điều này? (Nguyễn Thắng – Hà Nội).
– Giáo sư Lê Đình Lương: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về chương trình. Tôi xin khẳng định, câu chuyện này hoàn toàn bịa đặt. Hiện nay chưa có dữ liệu chắc chắn nào chứng tỏ ăn thực phẩm biến đổi gen thì bị chết.
– Phó giáo sư Lê Huy Hàm: Theo tôi, nếu có, những ngôi mộ này phải ở châu Mỹ chứ không châu Phi, bởi châu Mỹ là nơi trồng thực phẩm biến đổi gen đầu tiên và nhiều nhất. Tôi được biết 90-95% ngô và đậu tương thực phẩm biến đổi gen trồng ở Mỹ, Argentina, Brazil, Canada. Trên thực tế, ở châu Mỹ không có những ngôi mộ này.
– Thưa các chuyên gia cây biến đổi gen được cấy gen độc khiến sâu bọ ăn vào sẽ chết? Vậy vì sao gia súc hoặc người lại ăn được? Nếu ăn thì độc tố có tồn tại trong cơ thể không? (Hoà Đức, Hà Nội).
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. |
– Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Gen độc cấy vào cây trồng để diệt sâu hại lấy từ vi khuẩn Bacillus Thuringensis (vi khuẩn BT). Vi khuẩn này có 4 độc tố rất độc hình thành trong tinh thể hình quả trám. Quả trám này bản chất là protein, chỉ vỡ ra ở điều kiện pH = 9 (rất kiềm). Ruột người, ruột trâu bò, ruột lợn gà đều không có pH kiềm này. Người ta đã thử nghiệm rất nhiều, ở Mỹ, sinh viên còn tình nguyện ăn tinh thể này vào và thấy chúng được thải an toàn theo đường tiêu hóa. Có thể coi chúng như quả bom nổ chậm nhưng không bao giờ nổ. Ngược lại, trong bộ máy tiêu hóa của côn trùng gây hại có kiềm, nên tinh thể độc vỡ ra ở ruột.
Vì vậy, tinh thể này nếu lọt vào ruột người thì không gây hại. Các bạn có thể yên tâm với những loại cây trồng có chuyển gen BT (gen diệt sâu hại). Nếu sâu hại ăn lá cây hay thân cây có vi khuẩn này, nó sẽ chết vì tinh thể độc vỡ ra, còn người thì không bị ảnh hưởng. (Cơ chế làm chết sâu)
– Một nhóm các nhà khoa học Pháp đã nghiên cứu tác động của thực phẩm biến đổi gen (cụ thể là ngô) trên cơ thể chuột trong vòng hai năm. Kết quả cho thấy, tỷ lệ chuột dùng ngô biến đổi gen xuất hiện các khối u, các tổn thương về gan và thận nhiều hơn so với các con chuột ăn thức ăn thông thường. Vậy các nhà khoa học Việt Nam kiểm nghiệm độ an toàn của thực phẩm biến đổi gen hay chưa, trước khi quyết định ứng dụng trong trồng trọt? (Minh Tuấn, Đồng Nai).
– Giáo sư Lê Đình Lương: Liên minh châu Âu, WHO, Liên đoàn các nhà khoa học và công nghệ thế giới đã kiểm tra thông tin này và kết luận rằng, bài báo trên công bố không đủ tiêu chuẩn khoa học. Các chuyên gia phát hiện rằng, các con chuột ăn ngô biến đổi gen và các con chuột cũng dòng không ăn ngô biến đổi gen, đều cùng phát ra ung thư. Rõ rang, nguyên nhân chuột bị ung thư không phải do ăn ngô biến đổi gen. Bản thân dòng chuột thử nghiệm có sẵn ung thu và sẽ phát ra ở độ tuổi đó.
Giáo sư Lê Đình Lương. |
– Phó giáo sư Lê Huy Hàm: Bài báo này của tác giả người Pháp tên là Seralini, từng gây ra làn sóng phản ứng rộng rãi trong cộng đồng khoa học. Cộng đồng chung châu Âu rất quan tâm đến bài báo này, thậm chí thành lập một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về bài báo. Sau thời gian nghiên cứu, người ta có ý kiến phản bác bài báo. Chính tạp chí đăng tải phải gỡ bài báo xuống. Kết luận cuối cùng khẳng định bài báo sử dụng phương pháp, đối tượng không đúng và bài báo đã bị rút khỏi danh mục các bài báo khoa học. Có thông tin cho biết, cuối năm 2014, Seralini đăng tải lại bài báo online, nhằm đánh bóng tên tuổi.
– Thưa các chuyên gia, một số thông tin nói dùng thực phẩm biến đổi gen sẽ làm cho con người biến đổi nhiều mặt như biến đổi giới tính, sinh ra bệnh ung thư nhiều hơn, con người phát triển dị dạng… có đúng không? Có những bằng chứng nào chứng minh thực phẩm biến đổi gen an toàn với con người? (Nguyễn Ngọc Trung, Thanh Hóa).
– Giáo sư Lê Đình Lương: Câu hỏi của bạn liên quan chủ yếu đến trí tưởng tượng, chứ không có cơ sở khoa học. Tôi nghĩ đây chỉ là những thông tin truyền miệng, ít tính thuyết phục và không có ý nghĩa thực tế.
– Phó giáo sư Lê Huy Hàm: Đúng như GS Lương nói, đây là những thông tin truyền miệng, có tính chất nhảm nhí. Thực phẩm biến đổi gen chính thức sử dụng tại Mỹ từ năm 1996, đến nay được gần 20 năm. Diện tích trồng ngô và đậu tương biến đổi gen tại Mỹ, Canada, Argentina, Brazil chiếm gần 100%. Tại các nước này, hơn 500 triệu dân sử dụng sản phẩm biến đổi gen từ năm 1996 đến nay. Trong văn y cũng chưa ghi nhận trường hợp nào bất lợi do thực phẩm biến đổi gen gây ra. Cộng đồng chung châu Âu từng tài trợ cho 130 dự án, gồm 500 nhóm nghiên cứu độc lập tham gia đánh giá tính an toàn của thực phẩm biến đổi. Cuối cùng, các kết quả nghiên cứu được công bố trên hơn 500 bài báo khoa học đều kết luận thực phẩm biến đổi gen không có nguy cơ gây hại cao hơn so với thực phẩm truyền thống. Ít nhất tương đương với sản phẩm truyền thống.
– Thực phẩm biến đổi gen không có khả năng nẩy mầm điều này nó sẽ dẫn đến thế hệ con cháu chúng ta sinh sản và dương lực rất kém. Chương trình có ý kiến gì vấn đề này? (Lê Hồng Chân, Hà Nội).
Hơn 200 câu hỏi được độc giả VnExpress chuyển tới các chuyên gia trong buổi tọa đàm về “Thực phẩm biến đổi gen”. |
– Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi hiểu lo lắng của bạn cũng như rất nhiều độc giả đã chia sẻ mối băn khoăn về chương trình. Tuy nhiên, tôi cho rằng có lẽ bạn đã qua lo lắng rồi. Thực tế, nếu sản phẩm biến đổi gen không này mầm thì làm sao tạo ra được các sản phẩm để chúng ta sử dụng. Nên khi nó nảy mầm, tạo ra sản phẩm thì bạn yên tâm nó sẽ được kiểm định trước khi đến tay người sử dụng.
– Dùng thực phẩm biến đổi gen có thể khiến con người bị nhờn thuốc kháng sinh hay không? Vì theo tôi hiểu, thực phẩm biến đổi gen đã được cấy một loại virus này để chống lại virus khác? (Trần Tiến Bằng – Gia Lai)
– Giáo sư Lê Đình Lương: Trong quá trình tạo ra sinh vật biến đổi gen, các nhà khoa học có đưa một gen kháng kháng sinh vào cùng gen đích, nhằm dễ dàng lựa chọn sau khi đưa gen vào sinh vật chủ. Phần lớn sản phẩm biến đổi gen hiện có chứa gen kháng kháng sinh. Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm ra các biện pháp khác thay cho gen kháng kháng sinh, ví dụ như gen phát huỳnh quang, gen chịu nhiệt hoặc chịu độ acid cao.
Trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học tạo ra những điều kiện thí nghiệm tối ưu nhất, để gen tự do ngoài môi trường có thể thâm nhập vào một cơ thể khác và nhân lên ở cơ thể ấy. Xác suất ấy là 1/1.000.000. Trong điều kiện không định trước, không tối ưu, sẽ thấp hơn rất nhiều. Trên thực tế, khả năng để gen kháng kháng sinh nhập vào cơ thể người gần như bằng 0. Ngoài ra, gen kháng kháng sinh chúng ta dùng tại bệnh viện, hiện không được dùng để tạo ra sinh vật biến đổi gen. Vì vậy, độ an toàn của các sinh vật biến đổi gen có thể coi là tuyệt đối.
– Phó giáo sư Lê Huy Hàm: Tôi theo dõi các sự kiện biến đổi gen những năm gần đây và thấy rằng, công nghệ hiện nay hoàn toàn có thể loại bỏ gen kháng kháng sinh. Các nhà khoa học không cần tiếp tục dùng gen kháng kháng sinh, nếu có, cũng chỉ sử dụng công nghệ chọn lọc và giữ lại gen cần thiết.
– Những thực phẩm biến đổi gen phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay là gì, ngoài thức ăn chăn nuôi? Có phải toàn bộ đậu phụ, sữa đậu nành ở Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu là hạt đậu nành biến đổi gen? (Nguyễn Mai Hương – Hà Nội).
Tiến sĩ Phạm Đồng Quảng. |
– Tiến sĩ Phạm Đồng Quảng: Năm 2014, Việt Nam nhập khoảng 4,3 triệu tấn ngô, 3 triệu tấn đậu tương và khô dầu đậu tương để phục vụ chế biến thức ăn gia súc, chủ yếu từ các nước áp dụng phổ biến giống ngô và đậu tương chuyển gen như Mỹ, Canada, Argentina. Rõ ràng, thức ăn chăn nuôi được sản xuất từ ngô và đậu tương biến đổi gen.
Đậu tương ngoài chế biến thức ăn gia súc còn sử dụng để sản xuất đậu, sữa đậu nành. Tuy nhiên, lượng đậu tương dùng cho sữa đậu nành không nhiều. Cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm tra xem sữa đậu nành có được sản xuất toàn bộ từ đậu tương hay không. Nếu được sản xuất từ đậu tương biến đổi gen, cần quy định dán tem lên sản phẩm. Bỏi phần lớn nguyên liệu biến đổi gen làm thức ăn chăn nuôi hiện không cần yêu cầu dán nhãn.
– Theo các chuyên gia, nguyên liệu biến đổi gen có làm giảm chất lượng và tăng giá thực phẩm? (Phạm Hùng – TP HCM)
– Phó giáo sư Lê Huy Hàm: Trả lời câu hỏi này, tôi xin nhắc lại một trải nghiệm của bản thân. Năm 2013, tôi được mời vào Bà Rịa – Vũng Tàu giúp một công ty sản xuất dầu đậu nành tạo vùng nguyên liệu. Chúng tôi mang tất cả giống đậu tương tốt nhất của mình vào để so sánh, đánh giá. Sau khi trồng, giá thành đậu tương không biến đổi gen trong nước tạo ra, có giá khoảng 15.000 – 18.000 đồng một kg. Trong khi đó, đậu tương biến đổi gen nhập khẩu từ Mỹ, Argentina, Brazil về Việt Nam có giá 11.000 đồng một kg, các hạt đều đặn và không có tạp chất.
Tôi phải nói rằng, công nghệ biến đổi gen giúp giá thực phẩm giảm nhiều; chất lượng ít nhất tương đương với sản phẩm truyền thống. Vì vậy, công ty đó đã nhập khẩu đậu tương thay vì phát triển vùng nguyên trong nước. (Giá thành cây trồng biến đổi gien)
– Giáo sư Lê Đình Lương: Tôi xin bổ sung một chút về yếu tố chất lượng. Cây trồng biến đổi gen bắt nguồn từ một cây trồng chưa biến đổi gen và chọn lọc giống có chất lượng cao nhất. Nó chỉ thêm vào hoặc sửa đổi 1-3 gen theo hướng cần thiết. Ví dụ như thêm gen BT để kháng được sâu bệnh, thêm gen bền với thuộc diệt cỏ để kháng thuốc diệt cỏ, song cây vẫn giữ nguyên chất lượng của cây bố mẹ.
– Tiến sĩ Phạm Đồng Quảng: Mới đây, các nhà khoa học Việt Nam đã công nhận 3 giống ngô biến đổi gen đầu tiên. Giống nền tảng NK66 là một giống ngô bình thường, được tạo ra bằng công nghệ truyền thống, hiện là nhóm có diện tích lớn nhất. Giống chuyển gen được tạo ra từ giống nền NK66 và bổ sung thêm gen BT (gen kháng sâu đục thân), gen GT (gen chịu được thuốc trừ cỏ). Sâu đục than và sâu đục bắp ảnh hưởng lớn tới chất lượng hạt ngô. Tôi cho rằng, giống ngô BT chắc chắn có chất lượng tốt hơn, giúp hạt ngô đồng đều, không biến dạng, biến màu và cạnh tranh được với ngô nhập ngoại.
– Phó giáo sư Lê Huy Hàm: Chúng tôi đã khảo nghiệm giống ngô NK ở Mai Nham, Vĩnh Phú và thấy rằng ngô biến đổi gen không bị sâu đục bắp, nấm mốc không ăn hạt ngô nữa. Phân tích hàm lượng chất độc Aflatoxin (độc tố của nấm Aspergillus flavus gây ung thư, phổ biến ở ngô và đậu tương), chúng tôi thấy hàm lượng Aflatoxin ở ngô biến đổi gen thấp hơn nhiều so với ngô không biến đổi gen. Đây là một ví dụ cho thấy biến đổi gen góp phần làm tăng chất lượng.
– Bằng mắt thường, làm thế nào để phân biệt được thực phẩm tự nhiên và thực phẩm biến đổi gen, thưa các chuyên gia? (Cẩm Tú – Hà Nội).
– Tiến sĩ Phạm Đồng Quảng: Ta cần phân biệt rõ: Sản phẩm từ cây trồng biến đổi gen và Thực phẩm được chế biến từ sản phẩm biến đổi gen. Về sản phẩm, ví dụ giống ngô chuyển gen được tạo ra từ giống NK66 và chỉ bổ sung thêm một gen BT (gọi là NK66-BT). Bằng mắt thường không có sự khác biệt gì về hình dạng, màu sắc và các đặc tính khác giữa sản phẩm ngô giống NK66 truyền thống với giống NK66-BT. Về thực phẩm chế biến từ hạt ngô biến đổi gen này, cũng không phân biệt được bằng mắt thường.
Nhiều nước như Mỹ, Canada vẫn sử dụng bình thường các thực phẩm được chế biến từ sản phẩm biến đổi gen. Có thể ăn thông qua ăn thịt lợn ăn ngô biến đổi gen, hoặc ăn trực tiếp ngô biến đổi gen, không có vấn đề gì và không phải dán tem. Thận trọng hơn, Việt Nam hiện yêu cầu dán tem thực phẩm được chế biến từ ngô hay đậu tương biến đổi gen nếu chiếm 5% trở lên. Tuy nhiên thực tế hiện nay chúng ta ăn trực tiếp ngô này rất ít, làm thức ăn cho gia súc là chính.
– Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Nếu nhìn hai bắp ngô biến đổi gen và không biến đổi gen thì không phân biệt được. Tôi có dịp khảo sát ở Philipines thì thấy dễ phân biệt nếu trồng 2 ruộng để đối chứng. Ruộng ngô không chuyển gen BT thì bắp ngô nhiều hạt bị sâu. Ruộng ngô chuyển gen BT bên cạnh có bắp ngô rất đẹp. Cùng phun thuốc diệt cỏ 2 lần, ruộng ngô chuyển gen không chết, trong khi ruộng ngô không chuyển gen bị chết.
– Thực tế, tôi không biết mình có đang dùng thực phẩm biến đổi gen hay không bởi chẳng có cảnh báo nào cả, vậy có phải là lừa dối người tiêu dùng? (Văn Hải – Thái Bình)
– Giáo sư Lê Đình Lương: Nhắc đến phân biệt sản phẩm biến đổi gen và không biến đổi gen, chúng ta sẽ dán nhãn để phân biệt. Vấn đề là phân biệt để mang lại hiệu quả gì. Nếu phân biệt để tránh không dùng biến đổi gen vì cho rằng nó có hại thì việc dán nhãn không có ý nghĩa thực tiễn. Hiện nay văn bản pháp quy quốc tế lớn nhất về vấn đề sử dụng, nghiên cứu và vận chuyển sinh vật biến đổi gen được cả thế giới tuân theo. Trong văn bản đó không hề nhắc đến chuyện dán nhãn, vì vậy tại sao chúng ta phải dán nhãn nữa.
– Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi cũng đồng tình với ý kiến của Giáo sư Lương. Với tư cách là Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, tôi cho rằng điều đó không cần thiết. Thế giới thấy không cần thiết, không lý gì chúng ta lại làm việc gây hoang mang cho người tiêu dùng. Khi các nhà khoa học xác định được rằng cây trồng biến đổi gen không đáng lo ngại, sao lại để người tiêu dùng phải lo ngại.
– Những loại cây biến đổi gen có thể khiến chất lượng của quả và hạt bị thoái hóa, không thơm ngon như nguyên bản. Thậm chí việc trồng đại trà cây trồng biến đổi gene có thể khiến các giống cây nguyên bản suy giảm, thậm chí tuyệt chủng. Ý kiến của ông về lo ngại này? (Đức Nam – Nghệ An)
– Tiến sĩ Phạm Đồng Quảng: Giống biến đổi gen chỉ bổ sung một số gen có lợi như diệt sâu bệnh, chịu được thuốc trừ cỏ. Còn lại, tất cả những đặc điểm di truyền khác đều tương đương giống truyền thống. Chất lượng NK66 với NK66-BT thực tế không có khác biệt.
Phó giáo sư Lê Huy Hàm. |
– Phó giáo sư Lê Huy Hàm: Có nhiều nước trồng 90-100% ngô và đậu tương biến đổi gen. Nó không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, không ảnh hưởng đến loại cây trồng khác. Vì vậy, không có cơ sở lo lắng chúng bị giảm chất lượng và ảnh hưởng đến cây trồng khác.
– Giáo sư Lê Đình Lương: Có thể bạn lo lắng các giống cây truyền thống đó sẽ mai một khi giống biến đổi gen tràn vào. Không chỉ sinh vật biến đổi gen, mà giống cây trồng truyền thống chúng ta nhập trước đây đều mang đến cho người nông dân sự lựa chọn: chọn giống nào và bỏ giống nào. Cái mới luôn được chấp nhận và đào thải cái cũ. Nếu cứ để quá trình đó diễn ra mà không có sự can thiệp của Nhà nước, thì đa dạng sinh học của các giống cây trồng sẽ giảm. Nhà nước cần duy trì đa dạng sinh học ở các trại nhân giống, tránh để nông dân tự làm khiến giống truyền thống gặp bất cập.
– Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi cho rằng Nhà nước cần có ý kiến nhưng cũng đừng quên người nông dân rất thông minh. Họ biết tự chọn cho mình loại cây có thể nuôi sống gia đình. Trên cao nguyên đá Đồng Văn, nông dân trồng giống ngô tự gây, cho bắp ngô bé nhưng mọc được trên vách đá, không nước, không phân bón. Còn ngô Bioseed dưới xuôi mang lên không mọc được.
– Giáo sư Lê Đình Lương: Khía cạnh Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vừa nêu cũng là một vấn đề. Nếu nhìn tổng quát cả bức tranh thì nông dân luôn hướng tới những giống tốt. Tuy nhiên, trong số những giống không tốt bỏ đi có thể chứa những gen quý. Sau này chúng ta muốn dùng các gen này để đưa vào giống mới thì không còn nữa. Vì vậy, Nhà nước càng phải quan tâm với đa dạng sinh.
– Cây biến đổi gen có khả năng chống chọi sâu bọ hoặc khí hậu khắc nghiệt dựa trên cơ chế nào? Ví dụ cây được tăng cường độc tố để sâu bọ ăn vào chết đi. Khi gia súc, gia cầm ăn thức ăn biến đổi gen thì độc tố đó có nằm trong cơ thể chúng? (Thanh Huyền- Hà Nội)
– Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Gen độc cấy vào cây trồng để diệt sâu hại lấy từ vi khuẩn Bacillus Thuringensis (vi khuẩn BT). Vi khuẩn này có 4 độc tố rất độc hình thành trong tinh thể hình quả trám. Quả trám này bản chất là protein, chỉ vỡ ra ở điều kiện pH = 9 (rất kiềm). Ruột người, ruột trâu bò, ruột lợn gà đều không có pH kiềm này. Gia súc, gia cầm ăn vào chỉ như bom nổ chậm, ăn vào rồi lại thải ra, không thể chết. Cơ thể người cũng thể, pH trong ruột người bằng 1, rất acid, nên tinh thể độc không thể vỡ ra. Người ta cũng thử nghiệm rất nhiều, ở Mỹ, sinh viên còn tình nguyện ăn tinh thể này vào và thấy chúng được thải an toàn theo đường tiêu hóa
– Vì khả năng chống chọi côn trùng, sâu bệnh, nên cây biến đổi gen có thể dẫn tới sự tuyệt chủng của một số loại côn trùng, ong bướm, ảnh hưởng sự đa dạng sinh học, mất cân bằng tự nhiên? Ý kiến các chuyên gia như thế nào? (Vũ Bình – Quảng Ninh)
– Giáo sư Lê Đình Lương: Khi nói đến sinh vật chuyển gen chống côn trùng, người ta sợ loài đấy không còn thức ăn nữa, sẽ bị tiêu diệt. Tuy nhiên, côn trùng chết đi là điều có lợi cho nông dân. Hơn nữa, cây trồng biến đổi gen chỉ chiếm diện tích vài phần trăm, trên 90% là các cây khác. Côn trùng vẫn có thức ăn. Trạng thái cân bằng sinh học không mất đi, mà chỉ chuyển từ mức độ này sang mức độ khác.
– Giáo sư Lê Huy Hàm: Theo quy chế quốc tế và Việt Nam, trước khi đưa cây trồng biến đổi gen vào sử dụng, phải đánh giá toàn diện trên diện hẹp và rộng. Các nhà khoa học phải nghiên cứu biến động của quần thể sâu bọ , trong đó có ong bướm. Nếu giống cây trồng biến đổi gen không làm ảnh hưởng đáng kể đến quần thể sinh học chủ đích và không chủ đích, thì mới công nhận giống mới có tính an toàn sinh học và cho phép sử dụng. Bạn không nên lo lắng về vấn đề này.
– Theo như các giáo sư nói việc biến đổi gen có lợi như vậy thế tại sao nhiều nước phát triển không áp dụng cho người dân dùng? (Vũ Phương – Hà Nội).
Buổi tọa đàm được tổ chức trong không gian mở ngay tại khu vực sản xuất tin bài của tập thể phóng viên, biên tập viên VnExpress. |
– Giáo sư Lê Huy Hàm: Trên thế giới có 29 nước trồng cây biến đổi gen gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, Brazil, Argentina, Trung Quốc, Ấn Độ… Hiện 34 nước chính thức cho sử dụng thực phẩm biến đổi gen, trong đó EU gồm 28 quốc gia được tính là một nước. Nhiều bạn đặt câu hỏi tại sao cây trồng biến đổi gen tăng năng suất… nhưng lại ít nước sử dụng. Điều này do nhiều khía cạnh. Ví dụ, Việt Nam có chỉ thi Ban bí thư từ năm 2005 để phát triển ứng dụng công nghệ sinh học, trong đó có cây trồng biến đổi gene. Tuy nhiên, phải 10 năm sau chúng ta mới có thể áp dụng do có quy chế quy định về cây trồng biến đổi gene.
Ngoài ra, hạn chế về kỹ thuật cũng là một nguyên nhân. Cây trồng biến đổi gen là thời điểm đầu tiên của kỷ nguyên biến đổi gen. Việt Nạm mới chỉ đại trà ngô, bông, đậu tương, cải dầu. Nhiều cây trồng khác muốn áp dụng nhưng công nghệ chưa tạo ra được. Tôi cho rằng đây là giai đoạn tạm thời. Qua tiếp xúc với các đồng nghiệp tại châu Á, tôi được biết Maylaysia, Indonesia sẽ là những nước tiếp theo trong khu vực trồng cây biến đổi gen.
– Việt Nam có thể tự tạo ra giống cây biến đổi gen hay chưa? (Trần An – Ba Vì, Hà Nội)
– Giáo sư Lê Huy Hàm: Đây là câu hỏi rất thú vị, vì thế giới thừa nhận biến đổi gen là công nghệ cao, phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian và kinh phí. Ví dụ, với những cây trồng biến đổi gen kháng sâu, kháng thuốc diệt cỏ tạo ra trước năm 2008, người ta ước tính chi phí 50-100 triệu USD, mất thời gian 8-10 năm. Từ năm 2008 trở đi, một số đặc tính phức tạp hơn đòi hỏi chi phí, thời gian nhiều hơn. Ở nước ngoài, chi trung bình cho một giống cây trồng biến đổi gen từ lúc đi tìm gen cho đến lúc đưa vào thương mại lên đến 136 triệu USD. Đây là kinh phí rất lớn đối với Việt Nam, trong khi cả chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp tổng được 50 triệu đô. Chúng ta mới bắt đầu tiếp cận công nghệ này, hiện đã tạo được gen biến đổi đánh giá trong phòng thí nghiệm nhưng còn cần nhiều kinh phí, thời gian để tạo giống biến đổi gen riêng.
– Việc trồng cây biến đổi gen này liệu có cần đến thuốc bảo vệ thực vật và phân bón của đúng nhà cung cấp giổng không? Và khi trồng loại này rồi mà mình muốn chuyển sang loại không biến đổi gen cùng trên mảnh đất đó có cho năng suất không? (Bùi Văn Mừng – Hà Nội).
– Tiến sĩ Phạm Đồng Quảng: 3 giống ngô chuyển gen mới được công nhận không liên quan gì đến việc sử dụng thuốc trừ sâu hay trừ cỏ, phân bón của nhà cung cấp giống. Chúng ta có thể sử dụng phân bón như bình thường, cũng như thuốc trừ sâu nếu cần.
– Giáo sư Lê Huy Hàm: Nếu không muốn trồng cây biến đổi gen nữa, chúng ta có thể lấy giống cây khác trồng bình thường. Điều này không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây trồng tiếp theo.
– Giáo sư Lê Đình Lương: Bạn không nên lo ngại về tính độc quyền của công ty cung cấp giống. Trên thế giới hiện có 24 hãng lớn sản xuất sinh vật biến đổi gen và hàng trăm phòng thí nghiệm.
– Tôi đang trồng cây cam xoàn ruột tím, xin hỏi các nhà khoa học đây có phải giống biến đổi gen hay không và tôi có nên mở rộng diện tích trồng? Hiện tại tôi trồng được 300 gốc! (Tô Thành Kiếm, Đắk Lắk).
– Giáo sư Lê Huy Hàm: Theo thông tin tôi biết, hiện cam biến đổi gen chưa đưa vào sản xuất. Cam là cây lâu năm, nên để tạo ra giống cam biến đổi gen cần chương trình tạo giống 20-30 năm.
– Thưa tiến sĩ Phạm Đồng Quảng, tôi có trang trại trồng ngô và đỗ tương kết hợp nuôi bò. Nếu tôi dùng thực phẩm biến đổi gen cho ngô và đỗ tương để tăng năng suất, sau đó dùng thân và lá ngô, đỗ tương cho bò ăn thì có ảnh hưởng gì không? (Nguyễn Gia – Hà Nội)
– Tiến sĩ Phạm Đồng Quảng: Như thảo luận của các chuyên gia, giống đưa vào sản xuất đã thông qua nhiêu bước đánh giá về an toàn sinh học đối với con người, động vật. Vì vậy, bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng thân lá cho bò ăn.
– Nền kinh tế tăng bao nhiêu và đời sống người nông dân được nâng cao bao nhiêu khi trồng cây biến đổi gen. Giả định sau 5 năm tới nền kinh tế và người nông dân được hưởng lợi không lớn từ quyết định này thì ai phải chịu trách nhiệm và trách nhiệm như thế nào? (Trần Nam – TP HCM).
– Tiến sĩ Phạm Đồng Quảng: Đến nay, Việt Nam chính thức công nhận 3 giống ngô biến đổi gen và sắp tới sẽ công nhận nhiều giống mới. Quyết định của chúng ta có căn cứ. Năm 2014, toàn thế giới có 181 triệu ha trồng cây biến đổ gen. Cả quá trình dài từ năm 1996 đến nay không xảy ra biến cố gì đối với môi trường, sức khỏe con người.
Trong thực tiễn, đánh giá khảo nghiệm và vụ xuân vừa rồi tại nhiều địa phương cho thấy, giống ngô biến đổi gen cho năng suất tốt hơn, chất lượng hạt cao hơn, đặc biệt là giảm chi phí. Trước đây, nông dân phải phun thuốc trừ cỏ 2 lần, trước và sau khi gieo hạt. Nay chỉ sử dụng một lần, giảm chi phí nhiều. Chúng ta hoàn toàn có niềm tin sử dụng giống biến đổi gen hiệu quả, đưa giống biến đổi gen vào như một giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con ưu tiên trồng giống BT ở các vùng, các vụ có áp lực cao về sâu đục thân, còn lại vẫn dùng giống truyền thống.
Theo các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia thứ 29 nghiên cứu, thử nghiệm và cho sử dụng thực phẩm biến đổi gen với các quy chuẩn nghiêm ngặt. |
– Chúng ta cần xây dựng một quy chuẩn an toàn như thế nào để sớm phát hiện, chữa trị, kiểm soát khi thực phẩm biến đổi gen bộc phát sự yếu kém? Chân thành cảm ơn. (Vũ Phong, Nghệ An)
– Giáo sư Lê Huy Hàm: Thực phẩm biến đổi gen sử dụng gần 20 năm nay, trong văn y chưa ghi nhận bất kỳ rủi ro nào mà nó gây ra. Nước ta có quy chế đặc thù rằng, chỉ sử dụng thực phẩm biến đổi gen khi 5 nước phát triển (Nhật, Mỹ, Austrailia, Hàn Quốc và EU) cho sử dụng. Nếu 5 nước này công nhận thì Việt Nam mới cho phép sử dụng.
Sau khi cho sử dụng, chúng ta vẫn yêu cầu nhà sản xuất thực phẩm biến đổi gen tiếp tục theo dõi, nhằm can thiệp thời khi có bất thường xảy ra tại Việt Nam và trên thế giới. Như vậy, nước ta hiện có hàng rào kép về an toàn sinh học của cây biến đổi gen.
– Tôi nghe thông tin gần đây nhiều nhà khoa học không dùng thuật ngữ cây trồng biến đổi gen mà thay bằng thuật ngữ cây trồng công nghệ sinh học. Có đúng như vậy không và tại sao? (Nguyễn Thành Đạt, Hải Phòng)
– Giáo sư Lê Đình Lương: Vài năm gần đây, các nhà khoa học thế giới có đề xuất thay danh từ cây trồng biến đổi gen bằng cây trồng công nghệ sinh học. Điều này gây một số thắc mắc, phải chăng cây trồng biến đổi gen gây có hại, bị phản đổi nên đổi tên? Ở góc độ nhà khoa, chúng tôi cho rằng danh từ mới hợp lý đúng hơn rất nhiều. Trong các trường hợp biến đổi cấu trúc hóa học của AND, có trường hợp không tác động vào gen mà tác động vào phần điều kiển hoạt động của gen (nằm ngoài gen), thậm chí đưa thêm vài đoạn ADN, ARN từ ngoài vào làm bất hoạt hoặc hoạt hóa một gen nào đó sẵn có trong cơ thể chủ hoạt động biến nó thành sinh vật biến đổi gen. Vì vậy, dùng danh từ giống cây trồng công nghệ sinh học chính xác hơn.
– Dư luận hầu hết vẫn e ngại khi nhắc tới vấn đề biến đổi gen. Vậy khi đi tuyên truyền và hướng dẫn triển khai công nghệ biến đổi gen vào thực tế, bản thân các nhà khoa học gặp thuận lợi hay khó khăn gì? (Phương Thảo, Hừng Yên)
– Tiến sĩ Phạm Đồng Quảng: Thời gian qua, nhiều địa phương và người dân hào hứng với cây trồng biến đổi gen. Khi chúng ta đưa 3 giống ngô biến đổi gen vào thương mại, nông dân nhiều nơi đăng ký. Chúng tôi đi thăm các ruộng trồng trên quy mô lớn ở Xuân Lộc, Đồng Nai, bà con bước đầu đánh giá tốt, hiệu quả hơn và chi phí giảm. Đến thời điểm này chúng tôi chưa thấy khó khăn gì.
Giống biến đổi gen giúp người nông dân có thêm một sự lựa chọn. Còn việc du nhập vào nhanh, vào nhiều, diện tích bao nhiêu thì do người dân lựa chọn. Những năm đầu, các công ty, các địa phương tiến hành trình diễn, bà con nông dân mắt thấy tai nghe hiệu quả cao hơn giống bình thường thì sẽ tin dùng.
Trở ngại chính là người tiêu dùng. Cụm từ biến đổi gen khiến người tiêu dùng sợ. Cần làm rõ tất cả giống chuyển gen đều là chuyển 1-2 gen vào giống bình thường tốt nhất, phải lai tạo, chọn lọc mất nhiều công sức.
– Giáo sư Lê Đình Lương: Hầu như các nước khác gặp khó khăn khi thuyết phục người nông dân, nhưng chúng ta không gặp. Chúng ta gặp khó khăn lớn nhất là nỗi lo sợ vô cớ với sản phẩm biến đổi. Theo khảo sát gần đây, 100% người được hỏi không biết biết đổi gen là gì, nhưng trả lời dứt khoát không sử dụng sản phẩm biến đổi gen. Nếu nông dân trồng ra mà không có người tiêu dùng thì nông dân chỉ trồng 1-2 vụ và dừng lại.
– Mặc dù những tranh cãi xung quanh ảnh hưởng của thực phẩm biến đổi gen trên thế giới còn chưa có kết quả, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên quản lý chặt chẽ và truyền thông một cách rõ ràng trước sự hoang mang của người dân. (Bùi Thị Nhã, Quảng Ninh)
– Giáo sư Lê Đình Lương: Tôi nghĩ truyền thông mang tính quyết định trong giai đoạn hiện nay để cây trồng và sản phẩm biến đổi gen có phát triển được nước ta hay không. Nếu tiếp tục đưa thông tin trái chiều, thiếu cơ sở khoa học về cây trồng biến đổi gen thì vấn đề không bao giờ kết thúc.
Sinh vật biến đổi gen đầu tiên được bày bán là cây cà chua, cách đây 43 năm (từ năm 1972). Cây cà chua khi chín không bị nẫu, nên vận chuyển từ đồng ruộng đến bếp giảm gần 50% thiệt hại. Nếu lấy mốc năm 1996-1995, thời gian sinh vật biến đổi gen ồ ạt vào thị trường thì cũng được 20 năm. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục tranh luận, chưa ứng dụng theo thế giới thì khó đi nhanh được.
– Hiện nay có những văn bản quy phạm pháp luật nào đề cập đến vấn đề quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen? (Hồ Thị Thúy Hoa, Phú Thọ)
– Tiến sĩ Phạm Đồng Quảng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các thông tư có liên quan đến quản lý rủi ro về an toàn sinh học, thông tư liên quan công nhận thực phẩm biến đổi gen, sản phẩm biến đổi gen làm thực phẩm và thức ăn cho người với quy trình chặt chẽ. Trách nhiệm Bộ Tài nguyên Môi trường là cơ quan công nhận, cấp giấy chứng nhận về giống an toàn đối với đa dạng sinh học và môi trường. Tất cả các văn bản pháp luật nước ta đều có, đi sau nhưng tiếp cận chặt chẽ.
– Giáo sư Lê Đình Lương: Sinh vật biến đổi gen và sản phẩm biến đổi gen là những sản phẩm công nghệ rất cao, bắt nguồn từ các nước có nền khoa học công nghệ phát triển. Các nước này cũng có phương thức quản lý cần thiết, triệt để. Việt Nam có thể thừa hưởng cơ chế kiểm tra, kiểm soát khôn ngoan của nước ngoài để tiết kiệm tiền bạc.
– Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi đồng tình với ý kiến của GS Lương, tận dụng cơ chế của nước ngoài không chỉ tiết kiệm tiền của, mà còn tiết kiệm thời gian. Phillpine hiện cũng đã ứng dụng mô hình quản lý sinh vật biến đổi gen và sản phẩm biến đổi gen của Mỹ.
– Một khi quy định về ghi nhãn với các sản phẩm có sử dụng nguyên liệu biến đổi gene được ban hành, liệu có gây nên làn sóng bài trừ các sản phẩm biến đổi gene. Giống như điều đã xảy ra tại một số nước châu Âu? (Trần Phượng, Yên Bái).
– Tiến sĩ Phạm Đồng Quảng: Đây là vấn đề gây nhiều tranh luận trong nghị định Chính phủ, quy định thực phẩm phải dán tem; còn thức ăn chăn nuôi được chế biến từ ngô, đậu tương và heo, gà ăn thức ăn đấy không phải dán tem.
Thực tiễn nhóm nước Mỹ, Canada.. . không dán nhãn cả thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Trong khi, một số nước châu Âu và Nhật yêu cầu dán nhãn. Vì thế, Việt Nam tiếp cận giai đoạn đầu theo hướng, thực phẩm biến đổi gen mà người ăn trực tiếp phải dán tem. Nhưng số này rất ít, bởi Việt Nam hiện chủ yếu trồng ngô biến đổi gen để làm thức ăn gia súc, còn ngô chuyển gen cho người ăn trực tiếp hoặc chế biến thành thực phẩm không nhiều. Bà con nông dân trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi không nên lo ngại, vì các công ty vẫn thu mua ngô bình thường.
– Giáo sư Lê Huy Hàm: Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp cân nhắc dãn nhãn. Có ý kiến cho rằng chỉ dán nhãn thực phẩm đóng gói, bởi rất khó để dán nhãn từng củ khoai lang biến đổi gen hay từng chiếc bánh chưng dùng đậu biến đổi gen.
– Tôi đọc báo thấy châu Âu rất dè dặt với thực phẩm biến đổi gen, trong đó có sản phẩm của các công ty Mỹ có tiền thân là công ty Monsanto – vốn trước đây đã sản xuất chất dioxin gây họa cho con người và môi trường Việt Nam. Nhiều nguồn tin khác cho rằng họ, các công ty giống biến đổi gen đang muốn độc quyền về giống, rằng hạt trồng ra không thể làm giống, mà phải mua giống của họ khiến nhiều nông dân Ấn Độ đã khốn đốn bế tắc khi dùng hạt giống biến đổi gen đến phải tự vẫnvì là công ty đa quốc gia hùng mạnh, các công ty giống biến đổi gen có khả năng lobby lũng đoạn chính quyền Mỹ, các cơ quan an toàn thực phẩm của Mỹ. Nếu những điều trên là đúng thì quá nguy hại cho nông nghiệp Việt Nam. Xin hỏi các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam đã lường đến hết các vấn nạn trên chưa ? Xin thành thật cám ơn. (Nguyễn Mai Trân, Lai Châu)
– Giáo sư Lê Huy Hàm: Chúng ta vẫn biết rằng Boeing sản xuất B52, nhưng chúng ta lại đi máy bay Boeing. Mosanto có quan hệ với chất độc dioxin, song cần phân biệt sản phẩm nào ra sản phẩm đó. Tôi cho rằng, việc biến đổi gen và dioxin không liên quan đến nhau. Chúng ta cần đánh giá rằng sản phẩm này có hợp sở thích, đáp ứng nhu cầu hay không.
Tất cả các công ty đa quốc gia chúng tôi có dịp làm việc đều có cơ chế rõ ràng, trước khi làm việc cần ký thỏa thuận minh bạch, đảm bảo chắc chắn.
– Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Bạn đừng quá lo lắng, thực tế có đến 24 công ty sản xuất sinh vật biến đổi gen nên. Mà có chừng đó doanh nghiệp cùng kinh doanh sản phẩm thì việc độc quyền rất khó xảy ra.
Các bạn thân mến, chắc hẳn những ý kiến và chia sẻ của những chuyễn gia đã khiến cho quý vị hiểu hơn phần nào về thực phẩm biến đổi gen. Cảm ơn các vi khách mời đã tham gia chương trình, xin chào và hẹn gặp lại.
Theo VnExpress