Ngày quốc tế Linh trưởng 01/9 hàng năm là sự kiện giáo dục thường niên nhằm lên tiếng cho tất cả các loài linh trưởng cấp cao và cấp thấp, điển hình là ủng hộ các chương trình nghị sự nhân đạo khi loài linh trưởng gặp nguy hiểm, như trong các viện nghiên cứu hoặc các loài có nguy cơ tuyệt chủng trong các tình huống môi trường biến động.
Nguồn: Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học
Theo thống kê, Việt Nam là quốc gia có số lượng loài linh trưởng cao nhất Đông Nam Á, với 24 loài và 26 phân loài, tiếp theo là Lào với 18 loài, Thái Lan và Myanmar với 17 loài, Campuchia với 13 loài. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia có số loài và phân loài đang có nguy cơ tuyệt chủng hàng đầu trên thế giới cần được ưu tiên bảo vệ. Theo Danh lục Đỏ của Tổ chức Bảo tồn thế giới (IUCN), Việt Nam có 7 loài linh trưởng rất nguy cấp, 9 loài nguy cấp, 7 loài sẽ nguy cấp. Điều này có nghĩa là 90% các loài linh trưởng của Việt Nam đang có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng. Có 5 loài linh trưởng của Việt Nam đã lọt vào danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp hàng đầu trên thế giới gồm: Voọc mũi hếch, Voọc mông trắng, Voọc Cát Bà, Chà vá chân xám và Khỉ đuôi dài Côn Đảo.
Để bảo tồn và phát triển bền vững các loài linh trưởng, trong những năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và thiết lập một hệ thống rừng đặc dụng phòng hộ với diện tích trên 6 triệu hecta. Chính phủ đang ngày càng tăng cường đầu tư, xây dựng và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học, trong đó, có các loài linh trưởng của Việt Nam và thế giới. Hiện, đã có rất nhiều Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn, Trung tâm cứu hộ được lập ra để cứu hộ, cũng như bảo vệ nghiêm ngặt sinh cảnh và môi trường sống của một số quần thể linh trưởng đặc biệt như Voọc Cát Bà, Voọc Mông trắng…
Bên cạnh đó, tập trung: Nghiên cứu tập tính các loài linh trưởng, Nghiên cứu nguồn gen, Áp dụng các công cụ và các nền tảng mạng xã hội trong việc bảo tồn các loài linh trưởng; Áp dụng công nghệ số, các nền tảng mạng xã hội để truyền thông sâu rộng về tầm quan trọng của đa dạng sinh học nói chung, đa dạng linh trưởng nói riêng, qua đó góp phần cho công tác bảo tồn các loài linh trưởng trở nên thực tế và hiệu quả hơn. Ngoài ra, đẩy mạnh giáo dục, nghiên cứu tại các trường đại học, phối hợp với các cơ sở cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã, loài linh trưởng cũng trở thành xu thế trong thời gian tới./.
NBCA