Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao của thế giới; là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới. ĐDSH ở Việt Nam mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp vật liệu cho xây dựng và là các nguồn dược liệu, thực phẩm;s điều tiết khí hậu và bảo vệ môi trường.
Đa dạng loài
Việt Nam là nơi sống của gần 16.500 loài thực vật bậc cao, nấm lớn và rêu ở trên cạn, trong đó, số lượng các loài thực vật đặc hữu chiếm một tỷ lệ lớn (khoảng 30%). Điều đó cho thấy tính đa dạng cao của hệ thực vật Việt Nam. Trên cạn có khoảng 10.500 loài động vật, gồm xấp xỉ 8.000 loài côn trùng và động vật không xương sống ở đất, gần 500 loài bò sát – ếch nhái, 850 loài chim và 312 loài thú; ở nước ngọt có khoảng 1.500 loài vi tảo và rong, trên 1.000 loài động vật không xương sống và khoảng 600 loài cá; dưới biển có trên 1.200 loài rong, cỏ và vi tảo, trên 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển.
Bên cạnh hệ sinh vật tự nhiên đa dạng, Việt Nam cũng sở hữu một hệ ĐDSH nông nghiệp phong phú, cho đến nay các cơ quan nghiên cứu tài nguyên di truyền cây trồng trong mạng lưới nông nghiệp đã thu thập và bảo quản tại Ngân hàng gen (NHG) cây trồng quốc gia 12.300 mẫu giống của 115 loài cây trồng nông nghiệp, bao gồm cây lương thực, cây thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây thức ăn gia súc và cây cải tạo đất. Đã có hơn 40 giống lúa trong nước được đưa vào sản xuất có tổ hợp nguồn gen các giống lúa địa phương .
Đa dạng các hệ sinh thái
Hệ sinh thái đất ngập nước: rất đa dạng, theo đánh giá của Viện Điều tra quy hoạch rừng (1999) có 39 kiểu đất ngập nước, bao gồm: đất ngập nước tự nhiên 30 kiểu (đất ngập nước ven biển 11 kiểu, đất ngập nước nội địa 19 kiểu) và đất ngập nước nhân tạo 9 kiểu. Một số kiểu đất ngập nước có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú như đầm lầy than bùn, rừng ngập mặn, rạn san hô, đầm phá, vụng biển, vũng biển, các vùng đất ngập nước cửa sông Hồng, đất ngập nước đồng bằng sông Cửu Long v.v. Tại Việt Nam, Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế (Birdlife International) đã xác định Việt Nam có 63 vùng chim quan trọng, chiếm khoảng 5% tổng diện tích đất liền của cả nước, trong đó 4 tỉnh có nhiều (19 vùng) vùng chim quan trọng nhất là: Đắk Lăk, Lâm Đồng, Gia Lai và Quảng Bình.
Hệ sinh thái biển: Việt Nam có vùng lãnh hải gắn với bờ biển rộng khoảng 226.000 km2. Do vậy hệ sinh thái biển cũng rất phong phú, có 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có tính đa dạng sinh học và năng suất sinh học cao. Trong vùng biển nước ta đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong các vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Thành phần quần xã trong hệ sinh thái giàu, cấu trúc phức tạp, thành phần loài phong phú.
Hệ sinh thái rừng: Các hệ sinh thái của rừng Việt Nam rất đa dạng, mỗi hệ sinh thái rừng thực chất là một phức hệ rất phức tạp, được vận hành và chi phối bởi các quy luật nội vi và ngoại vi. Một số hệ sinh thái điển hình: rừng trên núi đá vôi, rừng rụng lá và nửa rụng lá, rừng thường xanh núi thấp, núi trung bình, núi cao v.v. có giá trị đa dạng sinh học cao và có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam. Diện tích rừng của Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động khác nhau. Theo thống kê của tác giả Paul Maurand (1943), năm 1943 Việt Nam có diện tích rừng là 14,3 triệu hecta, đạt tỷ lệ che phủ lãnh thổ là 43%. Từ năm 1943-1975, diện tích rừng đã bị suy giảm còn 11,2 triệu hecta với tỷ lệ che phủ là 34% .
Hệ sinh thái trên cạn: Trong các kiểu hệ sinh thái trên cạn thì rừng có sự đa dạng về thành phần loài cao nhất, đồng thời đây cũng là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật hoang dã và vi sinh vật có giá trị kinh tế và khoa học. Các kiểu hệ sinh thái tự nhiên khác có thành phần loài nghèo hơn. Kiểu hệ sinh thái nông nghiệp và khu đô thị là những kiểu hệ sinh thái nhân tạo, thành phần loài sinh vật nghèo nàn.
Trong số 238 vùng sinh thái ưu tiên toàn cầu được WWF ghi nhận thì tại Việt Nam đã có 6 vùng: Rừng ẩm trên dãy Trường Sơn; Rừng khô Đông Dương; Vùng hạ lưu sông Mekong; Rừng ẩm á nhiệt đới Bắc Đông Dương; Rừng ẩm Đông Nam Trung Quốc – Hải Nam; và Sông, suối Tây Giang (sông Bằng – Kỳ Cùng). Một số lượng đáng kể các KBT của Việt Nam đã được thế giới hoặc khu vực công nhận có tầm quan trọng quốc tế hoặc khu vực, bao gồm: 6 khu Ramsar, 8 khu Dự trữ sinh quyển, 2 khu Di sản thiên nhiên thế giới và 5 khu Di sản ASEAN. /.
NBCA