Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim

Chỉ cách TP.HCM 62km, xuyên qua những con đường rừng Mã Đà yên tĩnh tuyệt đẹp, là một điểm chụp chim được tổ chức hai năm nay.

Trước đây, đó là chốn riêng của những tay máy người Việt đam mê chụp chim, nhưng trong ba tháng sau Tết vừa qua, nơi đây thu hút hơn 100 khách quốc tế… “Họ đến từ khắp nơi, châu Âu châu Mỹ đủ cả, nhưng đông nhất là dân châu Á với Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore…” – Lam Jiang, một thành viên trong nhóm tạo dựng điểm chụp – ngắm chim ở Mã Đà, nói về những vị khách du lịch quốc tế.

Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 1.

“Đi chụp site” là cụm từ mà dân chụp chim nói ra là hiểu. Cội rễ của cụm từ này là từ… nỗi khó khăn của việc đi tìm chim để chụp.

Cho dù trong rừng có nhiều chim đến mấy, cũng không dễ chụp nếu cứ vác máy khơi khơi đi tìm, vì chim luôn lẩn khuất trong bụi rậm, trên cây.

Muốn chụp ảnh con chim, phải dụ cho nó ra – một việc cần tới những người có “nghề” này.

Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 2.

Những người mê ngắm-chụp chim phần lớn có nghề nghiệp riêng, có thể là bác sĩ, kiến trúc sư, giáo viên… nên cần tìm đến các site đã được các “chuyên gia” tạo nên, trả một mức phí tùy thuộc mỗi nơi (thông thường ở VN mức phí là 500.000 đồng/site/ngàychụp-ngắm).

Ở rừng Mã Đà có hai site. Vào mùa mưa, vị trí site là ven một con suối nhỏ. Mùa khô, con suối cạn sạch, nhưng theo thói quen, các loài chim vẫn tìm về đó.

Những bạn trẻ yêu chim như Lương Dũng, Lam Jiang, Anh Khoa… đã đào hố nhỏ, trải bạt, đổ đầy nước vào. Vũng nước nhỏ thu hút hơn 20 loài chim trong những tháng nắng gay gắt vừa qua của miền Nam.

Mùa chụp site ở Mã Đà bắt đầu vào cuối năm và kéo dài đến tháng 5 năm sau. Lần đầu tôi đến chụp site Mã Đà là mùng 4 Tết Giáp Thìn, gặp được 7 tay máy toàn người Việt.

Trong một ngày, tôi chụp được hơn chục loài như giẻ cùi xanh, Pitta đuôi cụt, mỏ rộng bạc, mỏ rộng đỏ đen, chim khách, chèo bẻo đuôi cờ. Vài ngày sau, thấy Lam Jiang đăng trên face cho biết nhiều loài rất đẹp mới xuất hiện, tôi gọi điện đặt chỗ nhưng Lam Jiang áy náy: “Bây giờ phải đăng ký trước cả tuần anh ơi, vì khách nước ngoài của các công ty gửi đến nhiều quá”!

Đầu tháng 4-2024, tôi mới đi được chuyến thứ hai. Hôm ấy tôi gặp một đôi vợ chồng đến từ Mexico. Anh chồng, Sergio Rivero Beneitez, là một giáo viên, sinh năm 1966, là một tay máy có hạng trong làng chụp chim khi có bộ sưu tập hơn ngàn loài.

Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 3.

Nhưng hôm ấy, trong lúc Sergio say sưa bấm máy, vợ anh cũng không rời ống nhòm. Họ luôn miệng xuýt xoa “Con Cissa chinensis – giẻ cùi xanh – đẹp quá!”.

Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 4.

5 năm trước, bài viết “Theo tiếng gọi chim hoang dã” của tác giả Quang Thi trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã kể về con chim đuôi cụt bụng vằn ở rừng Nam Cát Tiên thu hút khách quốc tế đến chụp và ngắm, mang lại tiền tỉ cho ngành du lịch.

Hồi đó, đấy là một câu chuyện vô cùng hiếm hoi. Giờ thì đã khác. Các tour, tuyến bài bản dành riêng cho dân chụp chim đang dần mở ra nhiều hơn.

Nếu tính cột mốc 2005 với sự xuất hiện công ty đầu tiên chuyên khai thác lĩnh vực chụp & ngắm chim của chuyên gia điểu học Nguyễn Hoài Bảo (Wildtour) cho tới công ty mới nhất, Vietnature Tour, của nhóm Lương Dũng, Lam Jiang, Anh Khoa vừa ra đời hôm 22-3-2024, ở VN đã có chừng 10 công ty chuyên lĩnh vực này.

Nguyễn Lương Dũng, giám đốc Vietnature Tour, học đại học ngành lâm nghiệp, từng làm việc ở Trung tâm du lịch vườn quốc gia Nam Cát Tiên và WWF (Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên hoang dã) và rồi quyết định khởi nghiệp với Vietnature Tour.

Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 5.

Mất gần 20 năm để một lối làm du lịch mới, ngắm-chụp chim nói riêng, về với thiên nhiên hoang dã nói chung được mở ra, nhưng những quả đầu mùa này mang lại nhiều hy vọng.

Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 6.
Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 7.

Ra trường, sau vài năm lăn lộn trong lĩnh vực nông nghiệp và… thất bại khi nuôi trùn quế, anh hỏi mượn vợ 4 triệu đồng, cùng vài bạn học thành lập Wildtour – đơn vị đầu tiên tại VN khai thác lĩnh vực du lịch thiên nhiên hoang dã – năm 2005.

“Chỉ hai năm thôi, công ty bay sạch vốn” – Nguyễn Hoài Bảo nhớ lại những ngày đầu gian khó – “Tôi về nhà xin bố mẹ cho mượn cái sổ đỏ đất nông nghiệp ở Quảng Trị đi thế chấp ngân hàng được 50 triệu đồng để tiếp tục nuôi Wildtour. Thật là may mắn, Wildtour đã tồn tại đến hôm nay” (cười).

* Sau 19 năm, khi nhìn lại, anh đánh giá gì về “đứa con của mình” từ giá trị kinh tế đến giá trị bảo tồn?

– Lúc đầu, tôi không nghĩ nó tồn tại và phát triển như bây giờ. Gần 20 năm trước, lúc khởi nghiệp tôi chỉ suy nghĩ đơn giản là làm gì để “sống được” với ngành bảo tồn và nghiên cứu khoa học cơ bản.

Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 8.

Nguyễn Hoài Bảo (bìa trái) dẫn khách nước ngoài đi tour ở Việt Nam. Ảnh: NVCC

Sau vài năm rong ruổi với các cánh rừng ở Đông Nam Á (2000-2005) và gặp gỡ những người nước ngoài, tôi nhận thấy tiềm năng và cơ hội để phát triển một chuyên ngành hoàn toàn mới ở Việt Nam là du lịch xem chim.

Thời đó các nước ở vùng nhiệt đới ở Nam Trung Mỹ như Peru, Costa Rica, Panama, ở Đông Nam Á thì Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã khai thác và phát triển mạnh mẽ lĩnh vực du lịch này.

Đánh giá về “đứa con của mình”, tôi rất tự hào về nó. Wildtour đem lại cho tôi rất nhiều thứ.

Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 9.

Ngoài lợi ích kinh tế mà tôi có được như ngày hôm nay, Wildtour đã đóng góp không nhỏ vào các hoạt động bảo tồn và nghiên cứu khoa học cũng như đào tạo nhiều thế hệ nhân lực cho ngành du lịch sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Hoạt động kinh doanh lữ hành về xem chim cũng là cơ hội cho tôi đi lại nhiều nơi để nghiên cứu khoa học, nhờ đó đóng góp vào các công bố/xuất bản quốc tế trên các tạp chí uy tín ISI, Scopus.

* Hiện nay đã có gần 10 công ty tham gia lĩnh vực này, anh có nghĩ là Việt Nam đã có một thị trường thật sự?

– Sự phát triển lĩnh vực du lịch xem chim vẫn còn quá nhỏ và chậm so với tiềm năng vốn có, tuy vậy những người trước đây làm việc cùng Wildtour hoặc do chúng tôi tập huấn và đào tạo đã trưởng thành, đủ khả năng để “ra riêng”, nhờ đó đã tạo ra một thị trường đúng nghĩa. Đây là giai đoạn để phát triển, có cạnh tranh, có phân khúc thị trường và nếu cùng nhau quảng bá sẽ giúp ngành này lớn mạnh hơn.

* Các tour của Wildtour quảng bá hướng đến khách quốc tế. Tỉ lệ du khách Việt đăng ký là bao nhiêu?

Để kinh doanh kiếm lợi nhuận trong loại hình du lịch này, các công ty phải hướng đến thị trường khách quốc tế vì đó là thị trường rộng lớn gấp nhiều lần thị trường nội địa.

Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 10.

Ở Mỹ ước tính có khoảng 96 triệu người là birder (những người thường xuyên quan sát, cho ăn hoặc chụp ảnh các loài chim, thăm các công viên công cộng để ngắm chim; trồng và bảo vệ các khu vực tự nhiên xung quanh nhà vì lợi ích của các loài chim), tức là 35% dân số cả nước từ 16 tuổi trở lên, theo số liệu thống kê năm 2022 của Cục Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ (The United States Fish and Wildlife Service – FWS).

Ở Anh khoảng 9% toàn dân số, Canada và các nước châu Âu như Thụy Điển, Hà Lan, Đức… có khoảng 5-7% dân số là birder (số liệu thống kê dựa trên thị trường bán ống nhòm xem chim).

Vì thế chúng tôi chưa thể phát triển thị trường khách trong nước, thậm chí phải bỏ kinh phí để khuyến khích thêm nhiều người quan tâm đến với thiên nhiên, từ đó mong họ trân trọng và bảo vệ môi trường nói chung và các loài chim hoang dã nói riêng.

Thỉnh thoảng chúng tôi tổ chức các chuyến đi trong nước và nước ngoài cho các anh chị em CLB Nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã (VWPC) để tìm hiểu, giao lưu học hỏi, giới thiệu quảng bá hình ảnh thiên nhiên Việt Nam. Các chuyến đi như vậy thường là miễn phí hoặc phi lợi nhuận.

* Trong lời tự giới thiệu, Wildtour nói rằng công ty là đối tác của nhiều đơn vị quốc tế danh tiếng, ông có thể cho biết rõ hơn về sự kết nối này?

Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 11.

– Hầu hết các công ty du lịch xem chim danh tiếng trên thế giới từ Nam Phi, Anh, Mỹ, Canada… đều là đối tác liên kết của Wildtour. Họ tổ chức tour xem chim toàn cầu từ Bắc Cực đến Nam Cực.

Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến quan trọng của họ. Liên kết là cách tốt nhất để quảng bá, họ tìm kiếm khách hàng, quản lý rủi ro còn chúng tôi tổ chức các dịch vụ trong nước một cách chuyên nghiệp. Hướng dẫn viên chúng tôi đều có thẻ hướng dẫn du lịch quốc tế, có chuyên môn sâu về sinh thái học.

Wildtour hiện là công ty duy nhất ở Đông Nam Á kinh doanh du lịch xem chim được cấp phép đầy đủ (Giấy phép inbound và outbound do Tổng cục Du lịch cấp), do vậy các đối tác còn liên kết để tổ chức tour đến các nước lân cận như Campuchia, Trung Quốc, West Papua (Indonesia).

Sắp tới chúng tôi sẽ mở chi nhánh ở Úc để tiếp cận thị trường đầy tiềm năng ở đây, đồng thời đưa khách Việt Nam và châu Á đến quan sát và tìm hiểu hệ động vật rất đặc trưng của châu Úc.

* Tôi xem một số tour ngắm và chụp chim ở nước ngoài, ví dụ Papua New Guinea có giá khá cao, đến đến 7.000 USD/chuyến 12 ngày. Có vẻ như tour ở Việt Nam rẻ hơn?

Du lịch nói chung và du lịch xem chim nói riêng, khi đến đất nước càng kém phát triển thì chi phí càng đắt đỏ.

Để đi xem chim ở các nước như Papua New Guinea, Madagasca… thì giá trung bình cho 2 tuần khoảng 7.000-10.000 USD (chưa gồm vé máy bay) trong khi đến Việt Nam thì giá chỉ khoảng ½ (tour dài ngày nhất của Wildtor là 28 ngày, có giá khoảng 6.000 USD).

Thế nhưng chi phí ở Việt Nam vẫn còn quá cao so với Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Campuchia, Philippines… vì chi phí vé máy bay nội địa, xe vận chuyển và đầu tư cho đào tạo nhân lực, quảng bá của doanh nghiệp kinh doanh du lịch xem chim là quá lớn, chủ yếu là doanh nghiệp phải tự bơi. Vì vậy, thị trường du lịch xem chim của Việt Nam chỉ bằng khoảng 5% so với Thái Lan, Malaysia.

Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 12.
Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 13.

* Trong ba ngày 10 đến 12-5, Wildtour tổ chức cuộc thi ảnh chim quốc tế đầu tiên tại Tràm Chim, ông kỳ vọng gì ở cuộc thi này? Nó liên quan gì đến dự án phục hồi sếu đầu đỏ mà ông đang làm cho tỉnh Đồng Tháp?

Xem chim và chụp ảnh chim hoang dã (gọi tắt là birding) cũng được xem là du lịch thể thao. Nhiều nước đã có lịch sử tổ chức các cuộc thi xem chim từ rất lâu với nhiều cách gọi khác nhau (birdwalk/birdathon ở Mỹ, birdfair ở Anh, birdrace ở châu Á).

Ở Mỹ có các cuộc thi cấp tiểu bang đến toàn quốc được tổ chức hằng năm trong hơn 20 năm qua. Ở Anh có The British Birdwatching Fair từ năm 1989. Ở Malaysia có Fraser’s Hill International Bird Race năm nay kỷ niệm 35 tuổi do Bộ Du lịch tổ chức.

Vietnam Birdrace 2024 là hội thi chụp ảnh chim quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, thu hút nhiều nhiếp ảnh gia trong nước lẫn quốc tế. Sự kiện này nhằm chào mừng Ngày Thế giới chim di cư (WMBD, 11-5) đồng thời giúp truyền thông về các hoạt động bảo tồn chim hoang dã mà Chính phủ đang rất quan tâm.

Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 14.

Sau lần này, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với VWPC (CLB Nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã) tổ chức hằng năm tại các Vườn quốc gia/Khu bảo tồn khác như Vườn quốc gia Cát Tiên, Bidoup, Cúc Phương… để quảng bá du lịch thiên nhiên.

Về cuộc thi lần này, Vườn quốc gia Tràm Chim được chọn tổ chức lần đầu tiên vì đây là điểm quan trọng của chim di cư (flyway network site) do Tổ chức mạng lưới chim di cư Đông Á – Úc (East Asia – Australia Flyway Partnership, EAAFP) công nhận (duy nhất ở Việt Nam cho đến nay).

Đây cũng là dịp truyền thông tới công chúng về mục đích và ý nghĩa của Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim của UBND tỉnh Đồng Tháp với mục tiêu tổng thể là lấy sếu làm ngọn cờ đầu trong việc phục hồi đa dạng sinh học vùng Đồng Tháp Mười.

Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 15.

“Chưa có lúc nào tốt hơn lúc này để là người mê ngắm chim hoặc bắt đầu gia nhập “bộ môn” này”.

Kate Wong, một cây bút khoa học có uy tín và là biên tập viên cao cấp của tạp chí Scientific American, đã viết về “thời đại vàng của thú ngắm chim” như thế.

Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 16.

Mở đầu bài viết hôm 25-4, Wong giải thích giờ đang là mùa xuân ở bắc bán cầu và “một trong những cảnh tượng vĩ đại nhất của thiên nhiên” đang diễn ra: cuộc di cư của hàng tỉ con chim trở lại phía bắc để tìm bạn tình, sinh sản.

“Đối với những người thích ngắm chim, đây là thời điểm tuyệt vời nhất trong năm.

Những con chim này không chỉ trở về sau kỳ nghỉ đông mà còn khoác lên mình bộ lông đầy màu sắc chỉ có ở mùa sinh sản, hót những khúc đáng yêu, biểu diễn những động tác tán tỉnh hay nhất với bạn tình tương lai và xây tổ cho con của chúng.

Có rất nhiều thứ để quan sát nếu bạn biết phải tìm kiếm và lắng nghe cái gì, và ở đâu” – cô viết.

Từ chỗ không quan tâm lắm đến chim chóc, chỉ nhận dạng và nói tên được 10 loài đổ lại, Wong “buộc” phải thử món này khi chôn chân trong nhà thời đại dịch, và mê luôn.

Cách “nhập môn” của cô cũng như nhiều ‘birder’ khác: bắt đầu từ vườn nhà, dùng Merlin – ứng dụng nhận dạng chim qua hình ảnh và tiếng họt của trung tâm nghiên cứu điểu học Đại học Cornell (Cornell Lab of Ornithology) – để xem những chú chim ngoài cửa sổ là loài nào, rồi ghi chú lại, cập nhật lên cơ sở dữ liệu trực tuyến của eBird, có thể kèm ảnh chụp. “Bốn năm từ ngày ấy, tôi chính thức đổ đứ đừ với cơn sốt mê ngắm chim” – Wong viết.

Với kinh nghiệm dấn thân và lăn lộn của một người làm báo, Wong-người-ngắm-chim cũng cuồng nhiệt như thế: 2h sáng ngày đầu năm mới lái xe từ California đi Maine để xem đại bàng vai trắng; ngồi trong bùn và chịu đựng lũ vắt suốt trong ba ngày để chờ đợi một con chích đuôi xòe ở Texas (và cuối cùng không gặp); hay trần mình trước cả đàn muỗi hút máu và ruồi nhặng trong khi tìm loài chim chích Malacoptila striata đặc hữu ở Brazil.

Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 17.

Các trợ giúp công nghệ mà Wong nêu gồm: BirdCast, dự án theo vết và dự báo đường di chuyển của chim khắp lục địa Mỹ trong mùa di cư; ứng dụng Sibley Birds với thông tin đầy đủ và cập nhật về trên 930 loài chim Bắc Mỹ; và những app không phải về chim nhưng cực kỳ liên quan: Windy – theo dõi thời tiết trước 10 ngày, và Tide Alert – để xem dự báo thủy triều nếu đi ngắm ở vùng duyên hải.

“Trong một vài tuần nữa, chúng ta sẽ đạt đến đỉnh điểm di cư, với vô số loài chim tuyệt đẹp đến theo gió nam” – Wong viết hồi cuối tháng 4.

Giờ chính là thời điểm cô nhắc tới, và cũng là “ngày trọng đại” của giới chơi chim, hay Global Big Day, một sự kiện toàn cầu do Cornell Lab of Ornithology tổ chức mỗi năm, luôn trùng với Ngày Chim di cư thế giới (ngày thứ bảy thứ hai của tháng 5, tức 11-5 năm nay).

Trong ngày này, người mê chim, bất kể trình độ kinh nghiệm, được khuyến khích quan sát càng nhiều loài chim càng tốt và ghi lại thông tin trên eBird.

Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 18.

Họ kêu gọi tham gia để phá kỷ lục về số người cùng vui “ngày trọng đại” năm ngoái: hơn 58.000 người cùng tham gia, ghi nhận được 3,2 triệu lần quan sát với 148.000 danh sách các loài đã thấy.

Mục tiêu năm nay là vượt mốc 150.000 danh sách.

Theo dữ liệu của eBird, trong Global Big Day năm ngoái (13-5), có 89 loài quan sát được tại Việt Nam do 10 người tham gia đưa lên dữ liệu. “Hồ sơ” của Việt Nam trên trang này tính tới 6-5 ghi nhận: 2.314 thành viên eBird, đóng góp quan sát cho 866 loài và tạo 28.425 danh sách.

eBird được lập ra cũng vì mục đích khoa học.

Việt Nam là miền đất hứa mới cho người mê chim - Ảnh 19.

Nhưng trên hết, bắt đầu để ý tới lũ chim một chút có thể là khởi đầu cho nhiều niềm vui dung dị. Như Kate Wong viết đoạn kết có hậu cho chuyến truy lùng để ngắm ác là mỏ vàng (Pica nuttalli):

“Ngước nhìn lên tán cây, tôi thấy hai con ác là đang ở cùng nhau, con trống mớm cho con mái theo đúng nghi thức tán tỉnh, trước khi cả đôi quay lại cái tổ mà chúng đang xây trên cành cao của cây sồi.

Thật dễ chịu khi biết rằng ngay cả khi thế giới này đầy rẫy những điều tệ hại thì lũ chim vẫn gù nhau, tỉ mẩn xây tổ để chuẩn bị cho đời con cái”.

Theo tuoitre.vn