Việt Nam nỗ lực tham gia các cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực tham gia các cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học (ĐDSH) và đang hưởng ứng lời kêu gọi “Thập kỉ phục hồi hệ sinh thái” của Liên Hợp Quốc.

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế ĐDSH năm 2023 (22/5/2023), Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH xung quanh những nỗ lực của Việt Nam về ngăn chặn đà suy giảm ĐDSH, bảo vệ hệ sinh thái.

PV: Thưa bà, xin bà cho biết một số những kết quả nổi bật của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH trong thời gian qua?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Việt Nam đã tham gia nhiều Điều ước quốc tế liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, cụ thể như Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (gia nhập vào năm 1987), Công ước ĐDSH (gia nhập năm 1994) và các Nghị định thư trong khuôn khổ của Công ước, Công ước Ramsar về bảo tồn các vùng đất ngập nước (Công ước Ramsar, gia nhập năm 1989), Công ước về thương mại quốc tế đối với các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (gia nhập năm 1994)…

ba-hoang-thi-thanh-nhan-2-.jpg
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH

Bước sang thập kỷ mới (2021 – 2030), trong bối cảnh toàn nhân loại đang phải đối mặt với tình trạng thiên nhiên và ĐDSH bị suy thoái nghiêm trọng, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai các cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH.

Chính phủ cũng đã thông qua Nghị quyết 05/NQ-CP ngày 15/1/2021 ủng hộ Tuyên bố của các nhà lãnh đạo vì thiên nhiên tại Hội nghị thượng đỉnh về ĐDSH trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc; hưởng ứng tuyên bố của Liên hợp quốc về “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái” trong giai đoạn 2021 – 2030; tuyên bố về rừng và sử dụng đất trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu nhằm hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững như giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì các dịch vụ hệ sinh thái; ủng hộ Tuyên bố Côn Minh tại Hội nghị các bên tham gia Công ước ĐDSH lần thứ 15 vào năm 2021; ủng hộ và cam kết triển khai thực hiện Khung toàn cầu về ĐDSH sau 2020, với 23 mục tiêu tham vọng toàn cầu cần đạt được đến năm 2030 nhằm giảm suy thoái ĐDSH, từng bước phục hồi thiên nhiên.

Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình xây dựng các văn kiện chiến lược, nghị quyết và quyết định của các Điều ước. Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các Điều ước và các cam kết ở cấp quốc gia cũng như hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Một số kết quả nổi bật trong thời gian qua, có thể kể đến như sau:

Đã tạo lập đầy đủ hành lang pháp lý và chính sách để thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH: Các nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý đối với quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH đã được chú trọng nội luật hóa và cụ thể hóa để thực hiện trong các chiến lược, chính sách của quốc gia, trong đó có tiếp cận toàn diện để bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái, loài, nguồn gen. Đặc biệt, Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện mục tiêu bảo tồn cấp quốc gia và đóng góp thực hiện thành công các mục tiêu toàn cầu đã được thông qua tại Khung Toàn cầu về ĐDSH sau 2020.

Mạng lưới khu bảo tồn thiên nhiên ngày càng được mở rộng: Đến năm 2023, cả nước đã thành lập 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia; 59 khu dự trữ thiên nhiên; 23 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; và 62 khu bảo vệ cảnh quan.

anh-minh-hoa.jpg
Quần thể thiên nhiên tại Tràng An (Ninh Bình)

Các khu vực tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế về bảo tồn được công nhận cũng gia tăng về số lượng. Trong 5 năm trở lại đây đã có thêm 4 Vùng đất ngập nước quan trọng quốc tế (Ramsar); 7 Vườn di sản ASEAN (AHP). Tính đến nay, Việt Nam có 9 khu được công nhận là khu Ramsar; 11 khu Dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận; 12 Vườn di sản ASEAN – đứng đầu khu vực; 1 vùng chim nước di cư quan trọng quốc tế tuyến đường bay Úc – Đông Á (EAAFP).

Hệ sinh thái rừng đã được chú trọng phục hồi: Diện tích rừng ngày càng tăng lên. Nếu như năm 1995 (ngay sau khi Việt Nam gia nhập Công ước ĐDSH), độ che phủ rừng chỉ đạt 28,2% thì đến năm 2022, độ che phủ đã lên tới 42,02%. Đặc biệt, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025” nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Bảo tồn các loài nguy cấp đang bị đe dọa tuyệt chủng: Các chương trình bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (voi, hổ, linh trưởng, rùa) và các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã được xây dựng và triển khai thực hiện. Thông qua việc ban hành và triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án bảo tồn loài nguy cấp, một số quần thể loài nguy cấp đã dần được phục hồi trong tự nhiên các quần thể voọc cát bà, voọc mông trắng ở khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long (Ninh Bình), voọc mũi hếch ở Khau Ca (Hà Giang)… Cá sấu xiêm được coi như đã tuyệt chủng ở Việt Nam vào những năm 2000 nhưng nhờ có chương trình phục hồi, hiện đã có gần 300 cá thể cá sấu xiêm sinh sống tại Vườn quốc gia Cát Tiên và quần thể này tiếp tục phát triển tốt.

Các loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ cũng được chú trọng nghiên cứu, bảo tồn, phục hồi và phát triển, điển hình là sâm ngọc linh, lan hài…

Trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, nhằm bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam cũng như thực hiện các cam kết Đối tác Đường bay chim nước di cư tuyến Úc – Đông Á (EAAFP), được đối tác quốc tế đánh giá rất cao. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương và các đối tác, tổ chức quốc tế cũng đang triển khai các hành động cụ thể nhằm bảo vệ và phục hồi một số loài chim di cư nguy cấp và sinh cảnh của chúng như Sếu đầu đỏ…

img_8227.jpg
Mùa bướm ở Vườn quốc gia Cúc Phương

Nguồn gen được thu thập, bảo tồn để phát triển bền vững, cơ chế tiếp cận nguồn gen, chia sẻ hợp lý lợi ích từ nguồn gen được thiết lập: Năm 2020, Việt Nam đã thu thập được tổng cộng 88.968 nguồn gen, tăng 3,12 lần so với năm 2010. Hiện nay, hơn 3.179 nguồn gen được chia sẻ phục vụ nghiên cứu và ứng dụng trong sản xuất.

Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong tham gia Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, đồng thời, đã ban hành Nghị định số 59/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen quy định về quản lý hoạt động tiếp cận để sử dụng và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen thuộc chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó, tạo ra hành lang pháp lý cho phép việc tiếp cận nguồn gen phục vụ nghiên cứu không vì mục đích thương mại; nghiên cứu vì mục đích thương mại; phát triển sản phẩm thương mại… mở ra các tiềm năng sử dụng bền vững ĐDSH.

PV: Việt Nam được đánh giá có mức độ ĐDSH cao, nhưng cũng đang phải đối mặt với nguy cơ suy giảm ĐDSH đáng báo động. Việc chủ động tham gia vào các Công ước, nỗ lực chung mang tầm quốc tế có ý nghĩa như thế nào trong việc ngăn chặn đà suy giảm ĐDSH, cũng như hướng tới bảo tồn thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái của Việt Nam, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Thế giới đang đứng trước bối cảnh tốc độ biến đổi và suy thoái của thiên nhiên trên toàn cầu trong 50 năm qua là chưa từng có trong lịch sử loài người. Theo nghiên cứu của Diễn đàn Chính sách – Khoa học liên chính phủ về ĐDSH và Dịch vụ Hệ sinh thái (IPBES), 75% diện tích mặt đất bị biến đổi đáng kể, 66% diện tích đại dương đang chịu tác động tích lũy ngày càng tăng và hơn 85% diện tích đất ngập nước đã bị mất đi, làm suy giảm nhanh chóng các dịch vụ hệ sinh thái mà thiên nhiên cung cấp cho con người, 25% số loài được đánh giá đang bị đe dọa. Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia có ĐDSH cao trên thế giới cũng không nằm ngoài xu thế này.

Theo Báo cáo ĐDSH quốc gia năm 2021, mặc dù những nỗ lực bảo tồn ĐDSH, xu hướng suy thoái và suy giảm ĐDSH được ghi nhận ở tất cả các loại hình hệ sinh thái, bao gồm: hệ sinh thái trên cạn; hệ sinh thái đất ngập nước (gồm đất ngập nước nội địa và đất ngập nước ven biển) và hệ sinh thái biển. Việc thu hẹp diện tích các hệ sinh thái tự nhiên dẫn đến suy giảm sự phong phú các loài, và giảm khả năng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái cho con người.

Chỉ số Danh lục Đỏ (Red List Index) do IUCN đánh giá, đã cho thấy loài sinh vật của nước ta đang có xu hướng gia tăng nguy cơ tuyệt chủng với tốc độ ngày cao. Việc ngăn chặn tốc độ suy giảm ĐDSH của Việt Nam, không chỉ thực hiện các mục tiêu của quốc gia, mà đóng góp vào thực hiện các mục tiêu toàn cầu về ĐDSH. Do đó, Việt Nam cũng đã thúc đẩy hợp tác với các tổ chức, các quốc gia trong khu vực và quốc tế về bảo tồn ĐDSH, triển khai nhiều chiến lược, chương trình, sáng kiến, dự án về ĐDSH.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang tham gia cùng với các nước triển khai các hành động thực hiện Khung toàn cầu về ĐDSH sau 2020 (GBF), sáng kiến toàn cầu về tài chính cho ĐDSH (Biofin), các chương trình hợp tác trong khu vực tiểu vùng hạ lưu Sông Mê kông, và nhiều nỗ lực hợp tác đa phương, song phương khác. Việc tham gia và thực hiện các Công ước, các cam kết quốc tế thể hiện vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong việc cùng với cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu. Thông qua đó, chúng ta thiết lập được các mối quan hệ đối tác, huy động nguồn lực, phát huy các sáng kiến, học tập các kinh nghiệm thế giới thực hiện các nhiệm vụ, cam kết về bảo tồn ĐDSH ở cấp quốc gia.

z4353311040645_4c74ac860917c7caa63f98152998e1d6.jpg
Các hành động cụ thể nhằm bảo vệ và phục hồi một số loài chim di cư nguy cấp và sinh cảnh của chúng đang được Việt Nam phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện.

PV: Trước bối cảnh ĐDSH bị suy giảm và các mục tiêu về ĐDSH của toàn cầu cũng như của quốc gia còn tham vọng, theo bà cần phải thực hiện các giải pháp gì để có thể thực hiện được các mục tiêu này?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Khung toàn cầu về ĐDSH sau 2020 (GBF) là một văn bản định hướng chiến lược cho bảo tồn ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. GBF đã xác định 23 mục tiêu cần đạt được đến năm 2030, với những chỉ tiêu hết sức tham vọng, đòi hỏi các quốc gia trên thế giới cần có hành động quyết liệt, thậm chí cần có những chuyển đổi căn bản để giảm tác động tới ĐDSH. Bên cạnh những nỗ lực của các quốc gia, việc tạo ra các cơ chế hỗ trợ về nguồn lực cho các nước đang và kém phát triển, bao gồm cả cơ chế tài chính, chuyển giao khoa học- công nghệ và tri thức để hỗ trợ các hành động bảo tồn hết sức quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc triển khai thành công Chiến lược này sẽ đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu toàn cầu về ĐDSH. Trong đó, giải pháp ưu tiên là tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng cường năng lực bảo tồn ĐDSH. Hệ thống chính sách, pháp luật cần được rà soát đảm bảo tính hệ thống, thống nhất và cập nhật những yêu cầu mới nhằm thực hiện các cam kết quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Bên cạnh đó, cần chú trọng rà soát và tăng cường năng lực của các tổ chức, nhân lực làm công tác bảo tồn ĐDSH từ trung ương đến địa phương; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về ĐDSH; thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các cán bộ làm công tác bảo tồn ở vùng sâu, vùng xa tại các khu bảo tồn thiên nhiên.

Chiến lược cũng chú trọng việc tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH cho các cấp, các ngành và toàn xã hội; xây dựng lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên; đẩy mạnh lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn ĐDSH trong hoạch định chính sách, các dự án đầu tư công; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH.

Một trong những vấn đề ưu tiên nữa là bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn ĐDSH, đặc biệt là nguồn ngân sách và xây dựng các cơ chế để huy động nguồn tài chính bổ sung nhằm đáp ứng các nhu cầu tài chính để thực hiện mục tiêu bảo tồn ĐDSH. Mặt khác, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH, tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để huy động nguồn lực cho bảo tồn ĐDSH một cách hiệu quả; đồng thời, thể hiện trách nhiệm của quốc gia đối với quốc tế.

PV: Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ gì trong thời gian tới để thực hiện tốt GBF và Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Với vai trò là cơ quan đầu mối đối với Công ước ĐDSH, đồng thời là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định 3220/QĐ-BTNMT về Kế hoạch thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời nghiên cứu, cụ thể hóa các hành động thực hiện GBF ở cấp quốc gia.

Các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định bao gồm: xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH; tăng cường năng lực quản lý và thực thi pháp luật về ĐDSH; điều tra quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ĐDSH; triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, bảo tồn ĐDSH; thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo tồn ĐDSH; thực hiện các giải pháp và mô hình thí điểm về bảo tồn, phục hồi và sử dụng bền vững hệ sinh thái, loài, nguồn gen và kiểm soát các tác động tới ĐDSH; theo dõi, đánh giá việc tổ chức thực hiện kế hoạch, chiến lược.

Nhằm huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH tiếp tục tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành   các văn bản hướng dẫn triển khai Chiến lược, GBF; rà soát, xác định các yêu cầu mới đối với quốc gia trong GBF để xây dựng kế hoạch thực hiện; nghiên cứu, xây dựng và áp dụng các cơ chế mới để thực hiện thành công các mục tiêu của bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH như việc áp dụng các biện pháp bảo tồn hiệu quả ngoài khu bảo tồn (OECM), bồi hoàn ĐDSH, cơ chế tài chính mới cho ĐDSH, xây dựng diễn đàn đối tác về ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái…

PV: Trân trọng cảm ơn Phó Cục trưởng Hoàng Thị Thanh Nhàn!

Nguồn BÁO ĐIỆN TỬ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG