Việt Nam – quốc gia thứ 29 trồng cây biến đổi gen

Năm 2015, Việt Nam trở thành quốc gia tiếp theo trồng đại trà ngô biến đổi gen, có khả năng kháng sâu. Tầm nhìn đến năm 2020, diện tích cây biến đổi gen ở Việt Nam sẽ chiếm 30%-50% tổng diện tích ngô, bông và đậu tương trồng mới.

 

Thực tế từ 1996, hơn 10 loại cây trồng biến đổi gen cung cấp lương thực và chất xơ đã được phê chuẩn và thương mại hóa trên toàn thế giới. Trong đó có các giống chủ lực như ngô, đậu tương, bông, đu đủ, cà tím và gần nhất là khoai tây.
Ông Phạm Văn Toản, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sinh vật biến đổi gen (cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật) là các sinh vật được cải biến di truyền bằng kỹ thuật của công nghệ sinh học hiện đại. Trong đó, một hoặc một nhóm các gen chức năng được chủ động biến nạp vào hệ gen của sinh vật nhằm tạo ra một số đặc tính mới của sinh vật theo mong muốn của con người. Công nghệ chuyển gen là một giải pháp mới trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật phục vụ sản xuất và đời sống của con người.
Theo các chuyên gia, để tạo giống cây mới theo kỹ thuật truyền thống cần thời gian dài thông qua chọn lọc, lai tạo tự nhiên hoặc lai tạo theo chủ đích của con người. Trong đó, việc lai tạo chỉ xảy ra với cây cùng loài hoặc họ hàng gần. Nay, công nghệ sinh học có thể tạo ra các giống cây trồng mới mang gen từ các sinh vật khác loài. Điều này mở ra cơ hội tạo ra giống cây trồng, vật nuôi mang các gen mới theo mong muốn của con người.
Tính đến năm 2014, cây trồng biến đổi gen đã được canh tác, nhập khẩu và nghiên cứu tại 70 quốc gia trên thế giới.
polyad
Nguồn: GMOAnswers.
Một số nước như Mỹ, Canada, Brazil… đã áp dụng công nghệ cây trồng biến đổi gen rộng rãi, trong khi khối châu Âu tỏ ra thận trọng. Tranh cãi kéo dài suốt 20 năm qua. Bên ủng hộ khẳng định cây trồng biến đổi gen cho năng suất tăng đáng kể mà không gây ra bất kỳ tác hại nào với môi trường và sức khỏe con người; cây trồng áp dụng công nghệ sinh học có thể là câu trả lời cho vấn nạn thiếu lương thực toàn cầu. Phía phản đối đưa ra quan ngại về những tác động không mong muốn đến sức khỏe con người có thể xảy ra trong tương lai khi sử dụng thực phẩm biến đổi gen, cũng như cho rằng việc canh tác cây trồng này có thể ảnh hưởng đến các giống cây bản địa.
Tuy e ngại, nhưng theo tiến sĩ Toản, chính cộng đồng châu Âu cũng phê duyệt một số thực phẩm biến đổi gen làm thức ăn chăn nuôi, thực phẩm. Cộng đồng này cũng nhập khối lượng lớn đậu tương, ngô biến đổi gen về sử dụng. Tại châu Âu, bên cạnh Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha còn một số các nước như Ba Lan, CH Czech, Slovakia, Rumani… đang trồng ngô biến đổi gen.
Báo cáo của tổ chức Europabio về tình hình ứng dụng và hệ thống pháp lý cho việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại châu Âu, tính đến tháng 5/2013, có tổng số 48 cây biến đổi gen được phép nhập khẩu và chế biến thành thực phẩm, thức ăn chăn nuôi ở lục địa này. Hơn một nửa trong số đó là các loại ngô biến đổi gen. Các cây trồng khác bao gồm đậu tương, hạt cải, củ cải đường và bông. Tại Tây Ban Nha, năm 2013, ngô biến đổi gen chiếm 32% trong tổng số hạt ngô được bán tại Tây Ban Nha.
Năm 2000, Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học với sinh vật biến đổi gen được thông qua. Đây là văn bản pháp lý quốc tế về việc quản lý an toàn sinh học với sinh vật biến đổi gen có sự tham gia của gần 200 quốc gia. Việt Nam là thành viên chính thức vào năm 2004. Dù còn nhiều quan điểm khác nhau về việc phát triển cây trồng biến đổi gen, nhưng diện tích trồng loại này tăng liên tục trong 19 năm qua.

Báo cáo của Cơ quan dịch vụ quốc tế về khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp (ISAAA) năm 2014 thể hiện, hơn 181 triệu ha cây trồng biến đổi gen được canh tác trên toàn cầu, tăng hơn 6 triệu ha so với năm 2013, chủ yếu là đậu tương (50%), ngô (30%), bông (14%), cải dầu (5%)…

polyad
Nguồn: GMOAnswers.
Việt Nam cũng đang nhập hàng triệu tấn ngô, khô dầu đậu tương… làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có cả thực phẩm biến đổi gen. “Do chưa có quy định cụ thể về việc khai báo nên khó nói được Việt Nam nhập khẩu bao nhiêu sản phẩm biến đổi gen”, ông Toản nói.
Ông Toản cho biết thêm, triển khai Luật an toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định số 38/2012 của Chính phủ, liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Khoa học Công nghệ đã hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn ghi nhãn với thực phẩm có tỷ lệ thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5%. Mục đích của việc này theo ông Toản là cung cấp thông tin để người tiêu dùng có quyền lựa chọn chứ không liên quan đến cảnh báo an toàn. Thực phẩm biến đổi gen đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thực phẩm đồng nghĩa nó an toàn như thực phẩm truyền thông.
Trên thế giới chính sách ghi nhãn với thực phẩm biến đổi gen ở các quốc gia không giống nhau. Trong khi Mỹ coi thực phẩm biến đổi gen như sản phẩm truyền thống, không cần thiết phải ghi nhãn thì các quốc gia lại châu Âu bắt buộc ghi nhãn thực phẩm có nguyên liệu biến đổi gen chiếm từ 0,9% trở lên. Ở các nước châu Á, châu Á – Thái Bình Dương, ngưỡng ghi nhãn với thực phẩm biến đổi gen là 5%, áp dụng với Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, 3% với Hàn Quốc và 1% Australia và New Zealand.
Cũng theo ông Toàn, quy định ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen là hàng rào kỹ thuật trong thương mại, không liên quan đến đến tính an toàn của loại thực phẩm này. Các quốc gia đều cấp chứng nhận an toàn thực phẩm biến đổi gen sau khi đã đánh giá theo hướng dẫn của Tổ chức Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex). Từ năm 2003 đến nay Codex đã đưa ra 4 hướng dẫn liên quan đánh giá an toàn thực phẩm biến đổi gen, gồm nguyên tắc chung đánh giá an toàn thực phẩm biến đổi gen và đánh giá thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực vật, vi sinh vật biến đổi gen.
“Do thiếu thông tin và khái niệm thực phẩm biến đổi gen chưa được hiểu đầy đủ nên người tiêu dùng còn băn khoăn, chưa an tâm về loại thực phẩm này. Đây là tâm lý bình thường của con người, cần thiết phải thông tin, tuyên truyền để làm rõ bản chất của sản phẩm này cũng như các quy trình đánh giá an toàn để người tiêu dùng an tâm”, ông Toản nói.
Việt Nam bắt đầu xây dựng hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ sinh học từ năm 2005 khi thông qua Chương trình hành động của chính phủ về việc phát triển ứng dụng công nghệ sinh học. Tháng 1/2006, chương trình trọng điểm ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được phê duyệt. Mục tiêu giai đoạn 2011-2015 là “Đ­ưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất”. Đến năm 2020 “Diện tích trồng trọt các giống cây trồng mới tạo ra bằng các kỹ thuật của công nghệ sinh học chiếm trên 70%, trong đó diện tích trồng các giống cây biến đổi gen chiếm 30-50%”. 3 giống cây được quan tâm đưa vào sản xuất là ngô, bông, đậu tương.
Theo VNEXPRESS