Được thông qua tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Đa dạng Sinh học lần thứ 15 (COP15), Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF) đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng, tạo nên một kế hoạch hành động toàn cầu nhằm chặn đứng sự suy giảm sinh học trước năm 2030. Việt Nam, với tư cách là một quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao hàng đầu khu vực, đã tích cực tham gia và thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của GBF.
Nỗ lực trong bảo tồn ĐDSH
Việt Nam là một trong 12 quốc gia được xem như là trung tâm đa dạng sinh học, là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái nhanh chóng về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên đất, tình trạng rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét.
Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.
Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp mạnh mẽ và kịp thời để bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên thông qua việc xây dựng Chiến lược Quốc gia về Đa dạng Sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NBSAP), cùng với đó Thực hiện Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF). Đây là những hành động mang tính nền tảng, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Chiến lược NBSAP không chỉ nhằm giải quyết tình trạng suy giảm đa dạng sinh học trong nước mà còn tích hợp các mục tiêu toàn cầu của GBF, như bảo vệ diện tích đất và biển, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, và giảm áp lực từ ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
Theo TS.Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh. (Bộ TN&MT), giữa GBF và NBSAP có nhiều sự tương thích với nhau. Hiện các bên liên quan đang tập trung nỗ lực để gia tăng tỷ lệ các chỉ tiêu giám sát và đánh giá chiến lược đến năm 2030 của NBSAP và cũng sẽ góp phần hiện thực hóa GBF, trọng tâm như: tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền so với diện tích lãnh thổ đất liền (năm 2025 đạt 7,7%; năm 2030 đạt 9%); tăng số lượng khu dự trữ sinh quyển thế giới được thành lập và công nhận mới (năm 2025 có 2 khu; năm 2030 có 4 khu); tỷ lệ các hệ sinh thái tự nhiên suy thoái được phục hồi (năm 2025 đạt 10%; năm 2030 đạt 20%)…
Hành động cụ thể: Từ chính sách đến thực tiễn
Để hiện thực hóa các mục tiêu trong GBF và NBSAP, Việt Nam đã triển khai một loạt các hành động cụ thể trên thực tế. Một trong những điểm sáng quan trọng là việc mở rộng các khu bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là các khu bảo vệ biển và các khu rừng đặc dụng. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập mạng lưới các khu bảo tồn với diện tích rộng lớn, và trong đó có những khu bảo tồn thế giới như Khu Dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm.
Các dự án phục hồi sinh thái cũng đang được đẩy mạnh, như việc trồng rừng ngập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long nhằm bảo vệ bờ biển và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Hơn nữa, việc bảo vệ và phục hồi các rạn san hô, một phần quan trọng của hệ sinh thái biển, cũng là một trong những trọng tâm của chiến lược bảo tồn.
Việc thực hiện các mục tiêu của GBF đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Việt Nam đã và đang tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt với các tổ chức bảo tồn sinh học lớn như Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Quỹ Động vật Hoang dã Quốc tế (WCS). Những sáng kiến này không chỉ mang lại nguồn lực tài chính, mà còn giúp Việt Nam tiếp cận những công nghệ và phương pháp bảo tồn tiên tiến.
Với cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ và sự tham gia của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang dần khẳng định vai trò là một trong những quốc gia tiên phong trong công tác bảo tồn và phát triển bền vững. Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu (GBF) không chỉ là một kế hoạch hành động mang tính quốc tế, mà còn là một cơ hội để Việt Nam phát huy sức mạnh nội lực, hướng tới một tương lai xanh, bền vững hơn./.
NCBA