Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học (Cartagena Protocol on Biosafety – CPB) là một hiệp định quốc tế nhằm đảm bảo an toàn trong việc chuyển giao, xử lý và sử dụng các sinh vật biến đổi gen (Genetically Modified Organisms – GMOs) có thể tác động bất lợi đến đa dạng sinh học và sức khỏe con người.
Theo đó, Nghị định thư này được thông qua vào ngày 29/1/2000 tại thành phố Cartagena, Colombia, trong khuôn khổ Công ước Đa dạng Sinh học (Convention on Biological Diversity – CBD). Nghị định thư chính thức có hiệu lực từ ngày 11/9/2003 và đến nay đã có hơn 170 quốc gia thành viên. Nghị định thư Cartagena quy định các nguyên tắc quan trọng nhằm bảo vệ đa dạng sinh học trước những tác động tiềm ẩn của sinh vật biến đổi gen. Một số nội dung chính gồm:
Nguyên tắc phòng ngừa: Nghị định thư áp dụng nguyên tắc phòng ngừa, tức là nếu chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh sinh vật biến đổi gen an toàn, các quốc gia có quyền từ chối nhập khẩu hoặc sử dụng loại sinh vật này để bảo vệ đa dạng sinh học và sức khỏe con người.
Thủ tục đồng thuận trước thông báo (Advance Informed Agreement – AIA): Cơ chế AIA yêu cầu quốc gia xuất khẩu phải thông báo đầy đủ thông tin về sinh vật biến đổi gen cho quốc gia nhập khẩu trước khi xuất khẩu. Quốc gia nhập khẩu có quyền quyết định cho phép hay từ chối dựa trên đánh giá rủi ro.
Cơ chế trao đổi thông tin – Trung tâm Trao đổi thông tin về An toàn Sinh học (Biosafety Clearing-House – BCH): BCH là một nền tảng trực tuyến giúp các quốc gia thành viên chia sẻ thông tin về sinh vật biến đổi gen, luật pháp và các quyết định liên quan đến an toàn sinh học.
Trách nhiệm pháp lý và bồi thường: Nghị định thư quy định trách nhiệm của các quốc gia và tổ chức liên quan khi sinh vật biến đổi gen gây ra tác hại đến môi trường và sức khỏe con người.
Việt Nam ký Nghị định thư Cartagena vào ngày 23/2/2004 và chính thức phê chuẩn vào ngày 21/1/2004, trở thành thành viên đầy đủ của Nghị định thư từ ngày 11/4/2004. Sau khi tham gia, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về an toàn sinh học, bao gồm:
Luật Đa dạng sinh học năm 2008, trong đó có các quy định về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen.
Nghị định 69/2010/NĐ-CP về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen.
Thông tư 09/2012/TT-BTNMT hướng dẫn đánh giá rủi ro của sinh vật biến đổi gen đối với môi trường và đa dạng sinh học.
Quyết định số 11/2013/QĐ-TTg về ban hành quy chế quản lý an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen.
Về ứng dụng và quản lý sinh vật biến đổi gen, hiện Việt Nam đã cho phép thử nghiệm và thương mại hóa một số giống cây trồng biến đổi gen, như ngô kháng sâu và chống thuốc diệt cỏ, nhằm tăng năng suất và giảm thiểu việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng triển khai các chương trình giám sát, đánh giá rủi ro và tác động của sinh vật biến đổi gen đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Mặc dù vậy, việc quản lý sinh vật biến đổi gen đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học để đảm bảo an toàn sinh học. Hơn nữa, nhận thức của công chúng về sinh vật biến đổi gen còn hạn chế, dễ gây tranh cãi về lợi ích và rủi ro. Do đó cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao năng lực đánh giá rủi ro sinh vật biến đổi gen, từ đó tạo ra các cơ hội trong việc áp dụng công nghệ sinh học, bao gồm sinh vật biến đổi gen, giúp tăng năng suất nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực nghiên cứu và quản lý an toàn sinh học.
Việc tham gia Nghị định thư Cartagena thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và đảm bảo an toàn sinh học trong bối cảnh phát triển công nghệ sinh học. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích và giảm thiểu rủi ro từ sinh vật biến đổi gen, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này./.
NBCA