Việt Nam tham gia Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý

Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý (ABS – Access and Benefit-Sharing) là một thỏa thuận quốc tế thuộc Công ước Đa dạng sinh học (CBD). Được thông qua vào ngày 29/10/2010 tại thành phố Nagoya, Nhật Bản, nghị định thư này nhằm đảm bảo việc tiếp cận hợp pháp và chia sẻ công bằng các lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống liên quan.

Nghị định thư Nagoya có hiệu lực từ ngày 12/10/2014, với mục tiêu tăng cường bảo vệ quyền lợi của các quốc gia sở hữu nguồn gen, đồng thời khuyến khích sự hợp tác giữa các bên sử dụng và cung cấp nguồn gen. Một số nội dung chính của Nghị định thư gồm:

Nguyên tắc tiếp cận nguồn gen: Các quốc gia có quyền kiểm soát và cấp phép việc tiếp cận nguồn gen của mình theo quy định pháp luật quốc gia.

Cơ chế chia sẻ lợi ích: Các tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng nguồn gen phải đảm bảo có sự đồng thuận trước (Prior Informed Consent – PIC) từ nước sở hữu và thực hiện thỏa thuận chia sẻ lợi ích (Mutually Agreed Terms – MAT).

Bảo vệ tri thức truyền thống: Đảm bảo quyền lợi của các cộng đồng địa phương, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số, trong việc bảo tồn và sử dụng nguồn gen liên quan đến tri thức truyền thống.

Cơ chế thực thi và giám sát: Yêu cầu các quốc gia thành viên phải thiết lập hệ thống pháp lý để đảm bảo thực hiện các quy định về ABS.

Việt Nam là quốc gia có sự đa dạng sinh học cao, với nhiều nguồn gen quý hiếm và tri thức truyền thống phong phú. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên sinh học, Việt Nam đã có những bước đi quan trọng trong việc tham gia và thực thi Nghị định thư Nagoya. Theo đó, ngày 23/3/2011, Việt Nam ký Nghị định thư Nagoya tại New York, thể hiện cam kết của chính phủ đối với việc bảo vệ nguồn gen và tri thức truyền thống. Ngày 17/11/2014, Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn Nghị định thư Nagoya, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chính sách quản lý nguồn gen. Đến ngày 12/10/2015, Nghị định thư Nagoya chính thức có hiệu lực tại Việt Nam.

Sau khi phê chuẩn Nghị định thư Nagoya, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và văn bản pháp luật nhằm cụ thể hóa các quy định về ABS, cụ thể:

Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013 có các điều khoản liên quan đến quản lý nguồn gen;

Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12/5/2017 quy định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen;

Thông tư số 15/2019/TT-BTNMT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2017/NĐ-CP;

Xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn gen để kiểm soát và bảo vệ tài nguyên sinh học.

Việt Nam có nhiều cơ hội trong việc thực hiện ABS

Việc thực thi tốt Nghị định thư Nagoya giúp Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư và hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp sinh học bởi nguồn gen đa dạng là nền tảng quan trọng để phát triển dược phẩm, thực phẩm chức năng và các sản phẩm công nghệ sinh học khác. Song song với đó, việc quyền lợi của cộng đồng địa phương cũng được bảo vệ, giúp nâng cao vai trò của người dân trong bảo tồn và phát triển nguồn gen.

Bên cạnh những cơ hội kể trên, việc thực thi Nghị định thư Nagoya tại Việt Nam không tranh khỏi một số thách thức về việc hoàn thiện khung pháp lý, mặc dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhưng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tế. Năng lực thực thi cũng cần được nâng cao, chú trọng đào tạo chuyên môn cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng về ABS. Về bảo vệ tài nguyên, các cơ quan chức năng cũng đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát việc khai thác bất hợp pháp: Việc buôn bán và sử dụng nguồn gen trái phép vẫn còn diễn ra, gây thất thoát tài nguyên.

Việc tham gia và thực thi Nghị định thư Nagoya là bước đi quan trọng giúp Việt Nam bảo vệ và phát triển nguồn gen một cách bền vững. Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng với sự quyết tâm của chính phủ và sự tham gia tích cực của các bên liên quan, Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế dựa trên tài nguyên sinh học, đồng thời bảo vệ lợi ích của cộng đồng địa phương và quốc gia./.

NBCA