Thời gian qua, bên cạnh việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật trong nước liên quan đến đất ngập nước, Việt Nam tham gia là thành viên và thực hiện tốt các Công ước, cam kết, thỏa thuận quốc tế đảm bảo quản lý hiệu quả và bền vững đất ngập nước (ĐNN).
Công ước về vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar) năm 1989
Việt Nam đã tham gia các Công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực ĐNN, trong đó sớm nhất là Công ước Ramsar – là một “hiệp định” liên chính phủ nhằm tạo ra một khuôn khổ hành động của quốc gia và khung hợp tác quốc tế để bảo tồn và sử dụng khôn khéo ĐNN và các nguồn tài nguyên ĐNN (Việt Nam là quốc gia thứ 50 trên thế giới và đầu tiên của khu vực ASEAN chính thức tham gia Công ước RAMSAR từ năm 1989). Với vai trò là thành viên tham gia các Công ước, Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ mang tính ràng buộc đối với các quốc gia thành viên theo quy ước chung của các Công ước cũng như có nghĩa vụ “nội luật hóa” các quy định đó vào hệ thống chính sách và văn bản pháp luật quốc gia.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là thành viên của một số công ước khác có liên quan đến các vùng ĐNN, bao gồm:
Công ước Đa dạng sinh học (CBD), 1992
CBD là Công ước khung đầy đủ và toàn diện nhất trong lĩnh vực bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH), hiện nay có 196 quốc gia thành viên. Bảo tồn ĐDSH và PTBV các hợp phần cấu thành ĐDSH (trong đó có ĐNN và các thành phần của ĐNN) là một trong những mục đích quan trọng nhất mà Công ước này đề ra. Một trong những thành công của Công ước là xác định việc bảo tồn ĐDSH phải được thực hiện ở cả 3 cấp độ: gen, loài và hệ sinh thái (HST), trong đó bảo tồn nguồn gen là quan trọng nhất. Thông qua việc công nhận chủ quyền quốc gia đối với các nguồn gen (Điều 15), Công ước đã tạo cơ sở pháp lý để các quốc gia thành viên xây dựng pháp luật về nguồn gen, đồng thời đây là cơ sở để các quốc gia hợp tác trong việc khai thác nguồn gen, trong đó có các nguồn gen quý, hiếm từ các loài động vật, thực vật, vi sinh vật thuộc HST ĐNN.
Việt Nam đã ký Công ước Quốc tế ĐDSH năm 1993 và được Quốc hội thông qua năm 1994. Ngày 22/12/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động ĐDSH của Việt Nam tại Quyết định số 845/TTg nhằm thực thi trách nhiệm của quốc gia thành viên Công ước CBD. Nhằm nội luật hóa các yêu cầu của Công ước CBD và hạn chế các áp lực đến đa dạng sinh học Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 21/5/2007 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học. Đặc biệt, việc Quốc hội ban hành Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12, ngày 13/11/2008 đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam. Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện luật đã được ban hành, trong đó đề cập đến bảo tồn và sử dụng bền vững các hệ sinh thái đất ngập nước, kiểm kê các vùng đất ngập nước, quản lý khu bảo tồn vùng đất ngập nước.
Các quyết định quản lý nói trên, hình thành nên khung pháp lý quan trọng và là kim chỉ nam cho hành động của Việt Nam trong việc bảo tồn, phát triển ĐDSH đồng thời với khai thác, sử dụng một cách bền vững nhằm ngăn ngừa sự suy giảm về ĐDSH, trong đó có ĐDSH trên các vùng ĐNN.
Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã nguy cấp (CITES)
Năm 1973, Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) – một hiệp ước đa phương – đã được đưa ra ký kết và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 1975. Tới nay, với 183 quốc gia thành viên, CITES là Hiệp ước quốc tế về bảo tồn có số lượng thành viên lớn nhất toàn cầu. Mục đích của Công ước CITES nhằm đảm bảo rằng việc thương mại quốc tế các tiêu bản của các loài động vật và thực vật hoang dã mà không đe dọa sự sống còn của các loài này trong tự nhiên và nó cũng đưa ra nhiều cấp độ khác nhau để bảo vệ hơn 34.000 loài động và thực vật.
Tuy nhiên, Công ước mới chỉ đề cập đến một trong các biện pháp bảo tồn tài nguyên ĐNN chứ chưa điều chỉnh đầy đủ hoạt động bảo tồn các loài động thực vật hoang dã nguy cấp, trong đó có nguồn động vật, thực vật của ĐNN. Mặc dù vậy, thực hiện trách nhiệm của bên tham gia Công ước, Việt Nam cũng có nhiều hoạt động liên quan đến bảo vệ, bảo tồn các loài động thực vật quan trọng, đang bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng trong cả ba phụ lục của Công ước, đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam, hoặc các danh mục cấm săn bắt, trong đó có một số loài chim nước di cư, động vật biển (năm loài rùa, bò biển – dugong dugon).
Công ước Born về bảo tồn các loài động vật di cư hoang dã
Công ước về các Loài Di cư (còn được gọi là CMS hay Công ước Bonn do được đặt theo tên thành phố của Đức nơi ký kết công ước) nhằm bảo tồn toàn bộ các loài di cư trên cạn, dưới nước và các loài chim trên lãnh thổ của các nước ký công ước. Hiệp ước liên chính phủ này được ký kết dưới sự bảo trợ của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) nhằm cung cấp một nền tảng toàn cầu cho việc bảo tồn động, thực vật hoang dã và môi trường sống của chúng trên quy mô toàn thế giới. Kể từ khi Công ước có hiệu lực, số thành viên ký kết đã tăng lên đến 131 quốc gia (tính đến ngày 21/8/2020) từ châu Phi, Trung và Nam Mỹ, châu Á, châu Âu và châu Đại Dương.
Công ước này quy định về nhiều loài di cư mang tính biểu tượng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc buôn bán bất hợp pháp động, thực vật hoang dã như voi, khỉ đột, báo tuyết, linh dương Saiga, rùa biển, cá mập và một số loài chim. CMS gắn cộng đồng quốc tế lại với nhau để giải quyết hàng loạt các mối đe dọa mà những loài động vật hoang dã phải đối mặt khi di cư hàng năm, gồm cả các mối đe dọa của việc buôn bán bất hợp pháp.
Việt Nam đã tham gia một số thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ CMS và đang xem xét các tiêu chí để trở thành thành viên của Công ước CMS nhằm tăng cường nỗ lực bảo vệ các loài di cư hoang dã và có thêm những hỗ trợ quốc tế cho nỗ lực bảo tồn các loài động vật hoang dã và các khu bảo tồn ĐNN ven biển.
Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (1982)
Công ước được ký ngày 10/12/1982 tại Montego Bay Jamaica. Ngày 16/11/1994, Công ước chính thức có hiệu lực. Nguyên tắc quan trọng trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên được ghi nhận tại Điều 193 “các quốc gia có chủ quyền khai thác các tài nguyên thiên nhiên của mình theo các chính sách về môi trường của mình và theo đúng nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển của mình”. Công ước tập trung vào việc bảo vệ môi trường sống của các nguồn tài nguyên sinh vật biển hay điều kiện nội vi. Các quy định đều liên quan trực tiếp đến bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN ở cửa sông và các bãi bồi cũng như các vùng biển ngập sâu dưới 6 mét của Việt Nam. Là thành viên Công ước, Việt Nam đã có nhiều hoạt động, trong đó phải kể đến các tuyên bố của Việt Nam năm 1977, 1982 về các vùng biển và thềm lục địa; Luật biển Việt Nam số 18/2012/QH13; Luật Thủy sản; Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo,…, trong đó có nhiều quy định về bảo vệ, bảo tồn, khai thác sử dụng khôn khéo các vùng ĐNN, đặc biệt ĐN ven biển và các đảo ven bờ.
Hiệp định hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công
Tháng 4/1995, 4 quốc gia hạ lưu công Mê Công (Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia) đã ký Hiệp định hợp tác PTBV lưu vực sông Mê Công (Hiệp định Mê Công) và thành lập Uỷ hội sông Mê Công quốc tế. Hiệp định đã xác định việc quản lý phát triển, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên khác có liên quan của sông Mê Công vì lợi ích của tất cả các quốc gia ven sông với mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam đã rất chú trọng đến bảo vệ ĐNN ngay cả trước khi tham gia Công ước quốc tế; hệ thống hoá các văn bản pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực quản lý, bảo tồn và sử dụng khôn khéo ĐNN từ trước năm 1989. Cơ sở pháp lý để thực hiện các điều ước quốc tế về môi trường ở Việt Nam là các quy định của Hiến pháp và Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, theo đó: “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nghiêm chỉnh tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, đồng thời đòi hỏi các bên ký kết khác cũng nghiêm chỉnh tuân thủ điều ước quốc tế đã được ký kết với nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Quy định này là một bảo đảm về pháp lý cho việc thực hiện nghiêm chỉnh các điều ước quốc tế về ĐNN./.
NBCA