Trên bảng xếp hạng về chỉ số đa dạng sinh học trên thế giới, Việt Nam xếp hạng thứ 14 với chỉ số đa dạng sinh học là 216,97. Tại khu vực Đông Nam Á, xếp hạng chỉ số đa dạng sinh học cao của 10 quốc gia thành viên ASEAN lần lượt là Indonesia, Myanmar, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Lào, Campuchia, Brunei và Singapore.
Theo đó, chỉ số đa dạng sinh học toàn cầu được tính toán bằng cách sử dụng 6 nhóm sinh vật sống – thực vật có mạch, động vật có vú, bò sát, chim, lưỡng cư và cá. Số lượng loài của mỗi nhóm được tìm thấy ở một quốc gia được so sánh để tính điểm đa dạng sinh học. Tuy nhiên, trong hệ thống tính điểm này, các nhóm chính như động vật không xương sống; mức độ đặc hữu, sự đa dạng trong loài, quy mô của một quốc gia và vị trí địa lý không được tính đến.
Nguồn: Chỉ số đa dạng sinh học của các quốc gia trên thế giới, theo Swiftest – Tổ chức nghiên cứu phân tích dữ liệu các vấn đề xã hội và môi trường quan trọng
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới với nhiều hệ sinh thái khác nhau, bao gồm núi, rừng nhiệt đới, núi đá vôi/khoáng, hệ sinh thái biển và ven biển; với hơn 100 loài chim và hơn 10% các loài thực vật của Việt Nam có tính đặc hữu.
Đến năm 2023, Việt Nam có ít nhất 21/25 quần thể sinh vật của thế giới; 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia; 59 khu dự trữ thiên nhiên; 23 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; và 62 khu bảo vệ cảnh quan; 09 khu Ramsar; 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận; 12 vườn di sản ASEAN – đứng đầu khu vực; 01 vùng chim nước di cư quan trọng quốc tế tuyến đường bay Úc – Đông Á (EAAFP), là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu, 07 vùng chim đặc hữu; hơn 101 khu vực đa dạng sinh học quan trọng.
Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, kế hoạch. Trong đó, Việt Nam đã có một hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên được thiết lập, theo quy hoạch và chiến lược là 9% diện tích khu bảo tồn trên cạn, 3 – 5% diện tích vùng ven biển. Ngoài việc thúc đẩy mở rộng diện tích các khu bảo tồn, Việt Nam cũng hướng tới áp dụng các biện pháp bảo tồn hiệu quả ngoài khu vực bảo vệ, bảo tồn (OECM) bằng cách lồng ghép các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong các sinh cảnh sản xuất, những sinh cảnh ngoài khu vực bảo tồn.
Để tiếp tục phát huy thành tựu trên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường với chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trên phạm vi cả nước về: bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; thông tin, dữ liệu về môi trường, đang tích cực thực hiện các kế hoạch để bảo tồn sự đa dạng sinh học trong thời gian tới và dịch vụ sinh thái hiện có./.
NBCA