Dự kiến đến năm 2015, Việt Nam sẽ đưa vào tỷ lệ khoảng 10-15% giống cây trồng biến đổi gen đối với đỗ tương và ngô nhằm đẩy mạnh lượng sản phẩm phục vụ công nghiệp và thức ăn chăn nuôi.
Đó là thông tin ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đưa ra bên lề buổi hội thảo “Công nghệ sinh học Việt Nam lần thứ 6: Hướng phát triển cho tương lai,” diễn ra sáng ngày hôm nay (24/9) do Đại sứ quán Hoa Kỳ hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng tổ chức tại Hà Nội.
“Tương lai là bây giờ”
Trong bài tham luận tại hội thảo, Giáo sư Paul P.S.Teng, Trưởng khoa sau đại học và chuyên ngành Viện Giáo dục Quốc gia Singapore cho biết, công nghệ sinh học trong nông nghiệp có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu lương thực trên thế giới và thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách tăng năng suất và an ninh lương thực, giảm chi phí đầu vào đồng thời giúp xóa đói nghèo và suy dinh dưỡng.
Theo Giáo sư Paul P.S.Teng, trong suốt 14 năm qua, cây trồng sử dụng công nghệ sinh học đã được mua bán trên khắp thế giới mà không gây ra bất kỳ một sự cố nào về sức khỏe, mặt khác lại giúp tăng giá trị kinh tế cho người sản xuất.
Ứng dụng công nghệ trong sản xuất cây lương thực có thể giải quyết các vấn đề an ninh lương thực và thích ứng với những biến đổi của khí hậu nhờ công cụ phát hiện và chẩn đoán sớm để giảm thiệt hại cho sâu bệnh để tăng năng suất cây trồng, tăng khả năng thích ứng với những áp lực của môi trường.
Bên cạnh đó, vấn đề ứng dụng công nghệ sinh học phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng và an toàn trong thực phẩm đồng thời tiết kiệm được lao động nhờ áp dụng công nghệ.
Theo thống kê từ ISAA (Tổ chức dịch vụ quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp), chỉ tính riêng năm 2008, các lợi ích về mặt kinh tế từ cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học trên khắp toàn cầu đem lại cho nông dân khoảng 9,2 tỷ USD. Những lợi ích này có được nhờ sản lượng tăng và chi phí sản xuất giảm. Đặc biệt, hơn một nửa số doanh thu này đến từ các quốc gia đang phát triển.
Nhấn mạnh về những kết quả bước đầu này, Giáo sư Paul P.S.Teng cho biết, an ninh lương thực vững mạnh là khả năng của một quốc gia để chống lại bất kỳ sự xáo trộn hệ thống an ninh lương thực bằng việc có một khả năng cân bằng để thực phẩm có sẵn, đảm bảo sản xuất bền vững và cung cấp cơ sở hạ tầng và chính sách cần thiết để hỗ trợ sản xuất trong nước, thúc đẩy thương mại và quản lý nhu cầu lương thực và khả năng chi trả.
Trong khi đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo tại châu Á vào năm 2050 sẽ có 5,1 tỷ người, tương ứng với việc phải tăng nguồn cung thực phẩm tới trên 70%.
Bởi vậy, “Tương lai là bây giờ” chính là thông điệp mà Giáo sư Paul P.S.Teng muốn gửi đến nhằm nhấn mạnh áp dụng công nghệ sinh học phải gắn với việc đáp ứng nhu cầu của hiện tại và đảm bảo tính bền vững trong phát triển nông nghiệp.
Công nghệ sinh học là tất yếu
Theo Tiến sỹ Đăng Trọng Lượng, Phó Giám đốc Viện Di truyền Nông nghiệp, trước thực tế tình hình dân số Việt Nam ngày càng tăng, năm 2013 có 90 triệu người, ước tính đến năm 2020 sẽ có khoảng 100 triệu người và năm 2050 sẽ có khoảng 130 triệu người. Theo đó, sản lượng ngũ cốc Việt Nam phải đạt trên 50 triệu tấn năm 2020 và khoảng trên 80 triệu tấn năm 2050.
Mặt khác, đất nông nghiệp lại có xu hướng giảm 4,5%/5 năm, mỗi năm mất đi từ 50.000-70.000 ha đất nông nghiệp.
Vì vậy cần phải có các biện pháp và hành động cụ thể trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học để giải quyết các thách thức này, Tiến sỹ Đăng Trọng Lượng cho biết.
Khảo nghiệm giống ngô biến đổi gen trồng tại Mộc Châu, Sơn La. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Ở các nước phát triển việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen đã có những lợi ích rõ rệt bao gồm như giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng, tăng lợi nhuận nông nghiệp và góp phần cải thiện môi trường.
Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ sinh học cho nông nghiệp ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn như cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nghiên cứu và về hệ thống khảo nghiệm đánh giá rủi ro cây trồng biến đổi gen chưa đồng bộ và chưa được đầu tư trong thời gian dài; cũng như hạn chế trong đội ngũ nhân lực, về đầu tư, hạn chế về công nghệ và công tác tổ chức, triển khai thương mại hóa các sản phẩm công nghệ sinh học.
Song vấn đề ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất chính là vai trò chủ lực cho việc phát triển kinh tế, tăng năng suất cây trồng trong tương lai.
“Hiện nay, chúng ta vẫn tiếp tục nghiên cứu cơ bản tạo cây trồng biến đổi gen trong nước đồng thời tăng cường khảo nghiệm, kiểm soát hiệu quả của các sản phẩm áp dụng công nghệ sinh học; mặt khác cũng theo dõi các tiêu chí an toàn sinh học và nghiên cứu phân tích giám định cây trồng và sản phẩm biến đổi gen trước khi ứng dụng sản xuất đại trà,” Phó Giám đốc Đăng Trọng Lượng nhấn mạnh.
Tính đến năm 2011, 29 quốc gia đã trồng 160 triệu ha cây trồng sử dụng công nghệ sinh học, chiếm 9% tổng diện tích đất trồng trên thế giới. Gần 2/3 trong số các quốc gia này là các nước đang phát triển. Ngoài ra, 32 quốc gia khác đã thông qua việc nhập khẩu cây trồng sử dụng công nghệ sinh học cho việc tiêu thụ và sử dụng. Hơn một nửa dân số thế giới đã cho phép trồng các loại cây sử dụng công nghệ sinh học. Hơn 16 triệu nông dân khắp thế giới trồng cây sử dụng công nghệ sinh học, xấp xỉ 90% số nông dân này sống ở các quốc gia đang phát triển. Cây trồng sử dụng công nghệ sinh học chiếm 77% sản lượng đậu nành toàn cầu, 49% sản lượng bông toàn cầu và 26% sản lượng ngô toàn cầu trong năm 2009./. |