Vườn quốc gia Cát Tiên đẩy mạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học

Vườn Quốc gia Cát Tiên được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) chính thức công nhận là khu bảo tồn thứ 72 trên thế giới đạt danh hiệu Danh lục Xanh IUCN. Cát Tiên là Vườn Quốc gia đầu tiên và là Khu bảo tồn thứ hai của Việt Nam (Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được công nhận năm 2021) được nhận danh hiệu này, đánh dấu bước ngoặt cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam.

(VQG Cát Tiên giàu có về đa dạng sinh học)

Vườn quốc gia Cát Tiên có đường ranh giới dài trải 3 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, là một trong những khu vực bảo tồn lớn nhất cả nước. Với địa hình đa dạng, đây là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa cảnh quan; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch dụ môi trường rừng và du lịch sinh thái của cả nước.

Khu vực này ghi nhận 1.729 động vật, 1.655 thực vật bậc cao, trong đó hơn 100 động thực vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam cần được bảo tồn. Vườn quốc gia được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2001 và 2011; Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.

(Vượn đen má vàng tại VQG Cát Tiên)

Cát Tiên được mệnh danh là “ngôi nhà của muôn thú” với 96 loài thú, 94 loài bò sát, 903 côn trùng. Hiện vườn có hơn 20 cá thể voi sinh sống, dọc tuyến đường nội bộ, du khách có thể bắt gặp các chú voi đang đi tìm thức ăn giữa ban ngày. Đặc biệt, đây là nơi sinh sống của loài vượn đen má vàng -một trong số những động vật thuộc nhóm IB – nhóm nguy cấp, quý, hiếm ở mức nguy hiểm, nằm trong Sách đỏ thế giới và được bảo vệ nghiêm ngặt. Vượn đen má vàng sống trên những tán cây cao 30 m. Con đực màu đen, túm lông ở 2 bên má màu vàng. Con cái toàn thân màu vàng, có chỏm lông màu đen ở đỉnh đầu. Chúng sống theo gia đình từ 3 – 5 con, gồm bố mẹ và các con.

(VQG Cát Tiên với hệ thực vật phong phú)

    Ngoài động vật, Vườn quốc gia Cát Tiên có hệ thực vật rất phong phú với 1.655 loài thân gỗ. Các loài gỗ quý hiếm phải kể đến như cẩm lai, gõ đỏ, căm xe, giáng hương… Trong ảnh là cây gõ đỏ cổ thụ có tuổi đời khoảng 700 năm, cao gần 40m với đường kính 2,5m rất nổi tiếng trong Vườn quốc gia Cát Tiên. Ngày 12/2/1988, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm cây gõ đỏ đại thụ này và có những lời khuyên quý giá đối với công tác bảo vệ rừng. Để kỷ niệm và nhắc nhở các thế hệ sau về trách nhiệm bảo tồn, Vườn quốc gia Cát Tiên đã đặt tên cây này là Cây gõ bác Đồng.

Nhằm bảo tồn hệ sinh thái đa dạng, trong những năm qua toàn bộ diện tích rừng tự nhiên được Vườn quốc gia Cát Tiên bảo vệ nghiêm ngặt. Để góp phần khôi phục và phát triển hệ sinh thái rừng, nhiều năm qua Ban quản lý đã phối hợp cùng các tổ chức, đơn vị trồng hàng trăm ha rừng, gồm nhiều giống gỗ quý, như cẩm lai, giáng hương và một số cây ăn trái như chôm chôm rừng, xoài rừng, chà là…

Hiện nay, Vườn quốc gia Cát Tiên cũng đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức, đơn vị thực hiện các dự án nghiên cứu về thực vật rừng, động vật rừng, các loài thủy sản, nấm… để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sinh thái, phục hồi loài, làm cơ sở cho công tác theo dõi, đánh giá và giám sát tài nguyên rừng và đa dạng sinh học.

Việc thúc đấy hợp tác bảo tồn cũng được Vườn quốc gia Cát Tiên chú trọng triển khai. Trong đó có Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Dự án nhằm triển khai các hoạt động đồng bộ từ phát triển sinh kế, tăng cường năng lực về quản lý, giám sát đa dạng sinh học, cũng như tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo tồn tại thực địa cũng như truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã.

Đồng thời, Vườn quốc gia Cát Tiên đang duy trì thực hiện dự án “Bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng Vườn Quốc gia Cát Tiên” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Tổ chức hợp tác rừng Châu Á (AFoCO) với tổng kinh phí 1.232.000 USD.

Dự án được triển khai trong giai đoạn 2021-2025 nhằm cải thiện công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên gắn với cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng vùng đệm.

Cụ thể, dự án thực hiện các hoạt động nhằm: nâng cao kiến thức, chia sẻ thông tin về giá trị đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và tác động xã hội đến đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên, từ đó đề xuất biện pháp quản lý tổng hợp. Nâng cao năng lực quản lý bảo tồn và thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thử nghiệm các mô hình cải thiện sinh kế bền vững cho người dân sống ở vùng đệm.

Nhờ vào các kế hoạch đảm bảo lợi ích về mặt kinh tế và sinh kế cho cộng đồng địa phương đã mang lại lợi ích về mặt bảo tồn cho chính Vườn quốc gia Cát Tiên, giúp cộng đồng địa phương vừa phát triển sinh kế vừa có ý thức rong bảo tồn đa dạng sinh học./.

NBCA