Vườn Quốc Gia Hoàng Liên – Điểm Sáng Trong Bảo Tồn và Du Lịch Sinh Thái

Nằm ở vùng Tây Bắc, vườn quốc gia này trải dài trên địa bàn các tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái, nơi được biết đến với khí hậu mát mẻ, địa hình hiểm trở và sự phong phú về hệ động thực vật, Vườn quốc gia Hoàng Liên là một trong những “bảo tàng sống” của thiên nhiên, nơi bảo tồn nhiều loài cây thuốc quý hiếm mà một số trong số chúng chỉ có thể tìm thấy tại đây.

Với diện tích lên đến gần 30.000 ha, Vườn quốc gia Hoàng Liên có sự đa dạng sinh học cao, từ rừng mưa nhiệt đới đến những vùng núi cao, tạo ra nhiều môi trường sống lý tưởng cho các loài động, thực vật phát triển. Đây là nơi cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm như gấu, hổ, báo, và các loài chim đặc hữu. Đến nay đã thống kê được 555 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó: Thú 96 loài, chim 346 loài, bò sát 63 loài và lưỡng cư 50 loài. Đặc biệt Vườn quốc gia Hoàng Liên hiện đang bảo tồn nguồn gen của một nửa loài ếch nhái có ở Việt Nam và có thể được xem như điểm nóng về đa dạng của nhóm động vật này, trong đó có một số loài mới được phát hiện như: Cóc mày (Leptolalax botsfordi), Cóc núi (Oreolalax sterlingae), Ếch cây sần (Theloderma bicolor),Ếch bám đá nhỏ (Amolops minutus),… Sự kết hợp hoàn hảo giữa thiên nhiên hoang sơ và các giá trị dược lý đã khiến vườn quốc gia Hoàng Liên trở thành một trong những khu vực bảo tồn sinh học quan trọng của quốc gia và thế giới.

Ngoài ra, khu vực Vườn quốc gia Hoàng Liên đã ghi nhận được: Bọ cánh cứng ăn lá có 89 loài, 40 giống và 09 phân họ; Bọ cánh cứng Kẹp kìm có 18 loài thuộc 07 giống, trong đó 04 loài chỉ tìm thấy ở Hoàng Liên; 304 loài bướm, thuộc 138 giống, 10 họ, trong đó có một số loài bướm đặc hữu như Bayasapolla, Papilio krishna cùng nhiều loài khác thuộc họ bướm xanh Lycaenidae (Chrysozephyrus spp và Neozephyrus spp). Tuy có tính đa dạng cao, nhưng hiện tình trạng của nhiều loài đang bị đe dọa, như: Vượn đen (Nomasscus concolar), Hồng hoàng (Buceros bicornis), Cheo cheo (Tragulus javanicus); những loài bò sát, lưỡng cư có giá trị thương mại hoặc dược liệu như: Các loài Rùa, Kỳ đà và các loài rắn hiện trở nên rất hiếm và cũng trong tình trạng bị đe dọa cao.

Vườn quốc gia Hoàng Liên không chỉ là một kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn là kho tàng quý giá của hệ thực vật dược liệu phong phú và độc đáo. Với sự kết hợp hoàn hảo giữa bảo tồn và phát triển bền vững, nơi đây không chỉ bảo vệ được những loài cây quý hiếm mà còn tạo cơ hội để nghiên cứu, phát triển các sản phẩm y học, dược liệu. Việc khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên này sẽ mở ra những cơ hội mới cho việc phát triển nền y học cổ truyền và thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

Với sự phong phú về đa dạng sinh học và tiềm năng về dược liệu, Vườn quốc gia Hoàng Liên có thể trở thành một điểm sáng trong chiến lược bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái của Việt Nam. Bên cạnh vai trò bảo tồn, Hoàng Liên cũng đang trở thành điểm đến lý tưởng cho du lịch sinh thái. Những cung đường trekking qua các cánh rừng nguyên sinh, những đỉnh núi hùng vĩ như Fansipan, cùng nền văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số tạo nên sức hút đặc biệt với du khách trong và ngoài nước. Phát triển du lịch sinh thái tại đây không chỉ mang lại nguồn thu bền vững mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

Vườn quốc gia Hoàng Liên chính là minh chứng sống động cho sự kết hợp giữa thiên nhiên và con người, là nơi hội tụ không chỉ của các loài cây dược liệu quý hiếm mà còn là niềm tự hào của Việt Nam trên bản đồ bảo tồn thiên nhiên quốc tế. Với chiến lược phát triển phù hợp, Vườn quốc gia Hoàng Liên có thể trở thành hình mẫu trong việc kết hợp bảo tồn thiên nhiên với phát triển kinh tế, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam./.

NBCA