Một phần Rừng quốc gia Hoàng Liên nhìn từ tuyến đường leo núi từ Trạm Tôn lên đỉnh Fansipan
Vườn quốc gia Hoàng Liên được thành lập năm 2002 và được giao quản lý với tổng diện tích là 28.509 ha, thuộc địa phận 02 tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu, được phân chia làm 3 phân khu, gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; Phân khu phục hồi sinh thái; Phân khu hành chính dịch vụ.Diện tích vùng đệm là 67.395 ha (Vùng đệm trong 1.372 ha; Vùng đệm ngoài 66.023 ha) Vườn có địa hình bị chia cắt mạnh khá đa dạng và phức tạp, bao gồm chủ yếu là núi cao và trung bình, nhiều đỉnh núi cao trên 2.000m, cao nhất là đỉnh núi Fansipan cao 3.143 m. Khí hậu ôn đới lạnh với hai mùa điển hình, mùa hè ẩm ướt; mùa đông lạnh, nhiều thời điểm nhiệt độ xuống dưới 00C và có băng, tuyết. Khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên là nơi sinh sống của 08 dân tộc anh em, trong đó, dân tộc Mông chiếm khoảng 37,6% , người Thái chiếm 36,4%, người Dao chiếm 6,5%, số còn lại là các dân tộc như: Tày, Dáy, Khơ Mú, Lào, Kinh.
Ngày 15/4/2006, Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai) được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Có được vinh dự này, là một chặng đường dài nỗ lực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên khu vực núi Hoàng Liên Sơn suốt hai chục năm qua.
Do những tính chất đặc biệt của địa hình và khí hậu cho lên hệ thảm thực vật ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên khá phong phú và mang nhiều nét đặc thù riêng, tồn tại các thành phần thực vật á nhiệt đới và ôn đới núi cao. Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là một trong những trung tâm đa dạng sinh vật vào bậc nhất của Việt Nam, đặt biệt là hệ thực vật rừng. Qua kết quả điều tra, giám định của các nhà khoa học trong và ngoài nước đã ghi nhận nơi đây có 2.847 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 1.064 chi của 229 họ, trong 6 ngành thực vật. Trong đó, có 149 loài cây quý hiếm, số loài thực vật trong sách đỏ Việt Nam là 133 loài, 16 loài thuộc nhóm có nguy cơ bị tuyệt chủng trên phạm vi thế giới. Đến nay đã có 6 quần thể cây được công nhận quần thể cây di sản bao gồm: Quần thể cây Vân Sam Fansipan; Đỗ Quyên cành thô; Trâm ổi; Thiết sam; Đỗ quyên quang trụ và Hồng Quang.
Đặc biệt, đây còn là khu vực lý tưởng cho nhiều loài hoa Phong lan phát triển và đặc sắc với 172 loài Phong lan, trong đó có nhiều loài quý hiếm có giá trị kinh tế đủ để khẳng định không nơi nào ở Việt Nam có nguồn gen phong lan phong phú như ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Với hơn 30 loài hoa Đỗ quyên nở quanh năm, đặc biệt vào khoảng thời gian tháng 4 VQG Hoàng Liên được xem là thiên đường của hoa Đỗ quyên. Trong vườn còn có nhiều loài cây dược liệu quý như Sâm Vũ Diệp, Trúc tiết Nhân sâm, Hoàng Liên, Đỗ trọng, Thổ hoàng liên, Dâm dương hoắc là những cây thuốc không nơi nào có ở Việt Nam. Về động vật trong vườn có 555 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó 96 loài thú; 346 loài chim; 63 loài bò sát và lưỡng thê 50 loài, đặc biệt có loài Ếch gai rất hiếm vừa được phát hiện.Trong đó, có những loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra Vườn Quốc gia Hoàng Liên còn có nhiều loài côn trùng và loài bướm đẹp không những có giá trị bảo tồn mà còn có giá trị tham quan du lịch và thẩm mỹ.
Vườn Quốc gia Hoàng Liên nằm liền kề với thị trấn du lịch Sa Pa là một trong các khu kinh tế trọng điểm của tỉnh Lào Cai, thu hút rất lớn lượng du khách trong và ngoài nước. Với các điều kiện như vậy, nơi đây có rất nhiều thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng song cũng có nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái, vì vậy, công tác quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng được giao được quan tâm chú trọng hàng đầu. Bên cạnh công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học thì hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế luôn được Vườn Quốc gia Hoàng Liên quan tâm chú trọng. Các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Vườn Quốc gia theo hướng: Tập hợp các nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước; Xây dựng các chương trình nghiên cứu chuyên đề về thực vật, động vật, trong đó chú trọng những loài có nguy cơ tuyệt chủng; Xây dựng vườn thực vật để góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm bản địa mà còn là địa điểm thực hiện giáo dục môi trường và tham quan du lịch. Vườn đã áp dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất các loài cây quý hiếm, các loài bản địa phục vụ nhu cầu trồng rừng và phát triển kinh tế xã hội của địa phương…Việc kêu gọi và khuyến khích, thu hút các Nhà đầu tư, các nhà tài trợ, các tổ chức trong và ngoài nước cũng một phần tạo lên sự phát triển của Vườn.
Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH