Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận

VQG Núi Chúa – nguồn: www.vqgnuichua.vn

Vườn Quốc Gia Núi Chúa (VQGNC) được thành lập vào tháng 7/2003, là kết quả của sự thay đổi từ một khu bảo tồn thiên nhiên rừng khô hạn Núi Chúa năm 1998 và Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển (thành lập tháng 8/1993). Vườn quốc gia nằm trên địa bàn hai huyện; Ninh Hải và Thuận Bắc tỉnh Ninh Thuận.

Vườn Quốc Gia Núi Chúa giáp tỉnh Khánh Hòa về phía Bắc, phía Đông là biển Đông, phía Nam là tỉnh lộ 702 và phía Tây là quốc lộ 1A. Theo Quyết định số 134/2003/QD-CP ngày 09/7/2003 của Thủ tướng chính phủ, Vườn Quốc Gia Núi Chúa gồm một quần thể tự nhiên (rừng và biển) rộng 29.865 ha, trong đó diện tích đất liền là 22.513 ha, 7.352 ha phần biển và 7.350 ha bao gồm toàn bộ khu vực bên trong vùng đệm.

Tài nguyên nhân văn

Vườn quốc gia Núi Chúa nằm trên địa bàn 2 huyện Ninh Hải và Thuận Bắc. Là nơi sinh sống của các thành phần dân tộc như: Người Kinh, Raglay, Chăm, Hoa,…đa dạng thành phần dân tộc và đa dạng về nền văn hóa của các dân tộc sống trong khu vực vùng đệm cũng là một trong những đặc điểm nổi bật trong việc đánh giá tài nguyên nhân văn VQGNC. Đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc, lịch sử hình thành và truyền thống lâu đời của các dân tộc sống trong vùng đệm.

Ngoài ra nơi đây còn có các làng chài ven biển với những lễ hội được tổ chức hàng năm như: đua ghe, hát lăng, thờ cá Ông…

Vườn quốc gia Núi Chúa còn là nơi lưu lại những chiến tích oanh liệt của cha ông trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Chống Mỹ với những di tích còn lưu lại tại chiến khu CK19 từ thời kỳ chống Pháp, đến chống Mỹ, đây là một trong những nơi ẩn náu của bộ chỉ huy quân sự chỉ đạo chiến tranh, hiện nay vẫn còn những di tích để lại như hầm hào, bếp Hoàng Cầm, các bãi biển ở đây là nơi tập kết vũ khí và quân trang từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tài nguyên thiên nhiên

Động vật VQG Núi Chúa – tác giả: Phạm Vũ Điệp

Vườn quốc gia Núi Chúa là là một cấu trúc của các cảnh quan thiên nhiên lại được phân bố trên phức hệ núi nằm sát bờ biển tạo nên nhiều thắng cảnh đẹp vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Ngoài kiểu hệ sinh thái bán khô hạn, ngoài ra VQG Núi Chúa còn có các kiểu hệ sinh thái khác như hệ sinh thái rừng thường xanh, hệ sinh thái trảng cỏ… với hệ thực vật và thành phần loài đa dạng. Gồm 6 kiểu rừng phân bố từ thấp đến cao. Diện tích tự nhiên 22.513 ha. Có 306 loài động vật trong đó có 72 loài thú, 181 loài chim và 53 loài bò sát lưỡng cư. Về thực vật có 1054 loài. Núi Chúa còn là nơi sinh sống của loài Chà Vá chân đen, một trong những loài linh trưởng quý hiếm có tên trong sách đỏ đang được bảo tồn và phát triển.

Núi Chúa là Vườn quốc gia có khu bảo tồn biển với diện tích 7.352 ha. Biển Núi Chúa còn thu hút du khách vì nơi đây sở hữu một thế giới dưới lòng đại dương tuyệt đẹp, với rạn san hô rất phong phú đa dạng, với diện tích san hô 2330 ha ( Nguyễn Văn Long viện Hải dương học) đã ghi nhận 350 loài san hô trong đó có 307 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 59 giống, 15 họ. Đặc biệt, có 46 loài mới được ghi nhận phân loại mới cho Việt Nam, có 188 loài rong biển thuộc 4 ngành, 86 chi và 32 họ trong đó ngành Rong đỏ Rhodophyta có số lượng loài phong phú nhất (79 loài).

Bờ biển dài hơn 40 km nằm kề với những mảng rừng khô, có 18 bãi biển có cảnh quan rừng, biển rất đặc sắc và còn mang tính hoang sơ như : Bình Tiên, Vĩnh Hy, Bãi Bà Điên, Bãi Chà Là, Bãi Hỏm, Bãi Thịt, Thái An…

Vườn quốc gia Núi Chúa là một trong những bãi đẻ và lớn lên của rùa hiếm hoi còn lại vùng ven bờ của đất liền ở Việt Nam. Một số bãi cát nhỏ bao gồm Bãi Hỏm, Bãi Thịt là những nơi làm tổ của rùa biển.

Những bãi biển của Vườn quốc gia Núi Chúa là một trong những bãi làm tổ ở vùng lục địa quan trọng nhất của rùa biển có nguy cơ bị tuyệt chủng trong khu vực và toàn cầu như Rùa xanh (Chelonia mydas), Đồi mồi (Eretmochelys imbricata) và Quản đồng (Caretta caretta).

Hiện tượng các bãi Đá nằm Vườn quốc gia Núi Chúa là nét chấm phá độc đáo của thiên nhiên, những cảnh vật mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho nơi đây hiện tượng thiên nhiên vô cùng độc đáo. Cánh đồng toàn đá với những hình thù kỳ dị có thể thỏa mãn chí tưởng tượng phong phú của mọi người, những tảng đá khổng lồ đứng trên một tảng đá nhỏ hơn như một lời thách thức ngạo nghễ với thời gian, thách thức những cơn gió cát, bão biển để đứng vững nơi đây từ ngàn đời. Bên cạnh đó là sinh cảnh rừng khô hạn hoang sơ nguyên vẹn đặc trưng và độc đáo nhất Việt Nam, từ trên cao nhìn xuống biển cả bao la, tận hưởng những cơn gió trong lành mang đầy hơi thở của biển, xa xa những dãy núi mờ sương cao ngất vừa như mời gọi, thách thức bước chân của những ai muốn khám phá chinh phục.

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH