Vườn quốc gia Phú Quốc – Tác giả Tăng A Pẩu
Vườn quốc gia Phú Quốc được thành lập theo Quyết định số 91/2001/QĐ-TTg ngày 8 tháng 6 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về việc chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Phú Quốc thành Vườn quốc gia Phú Quốc.
Vườn quốc gia Phú Quốc thuộc vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang được công nhận ngày 27/10/2006.
Với tổng diện tích trên 31.422ha, Vườn Quốc gia Phú Quốc được chia thành 3 phân khu chức năng, đó là: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (8.786 ha), phân khu phục hồi sinh thái (22.603 ha) và phân khu hành chính – dịch vụ – nghiên cứu khoa học (33ha).
Hệ thực vật ở Vườn Quốc gia Phú Quốc khá phong phú. Thảm thực vật ở đây chủ yếu là rừng thường xanh mọc trên địa hình đồi núi thấp với tổng số lượng lên tới vài trăm loài, bao gồm: các loài cây đại mộc (tràm, đậu, vên vên, dầu song nàng, dầu cát, cầy, dẻ, săng sót, da, bứa,…), các loài phong lan quý (Lan Vân Hài, Ái Lan Lá Đẹp, Âm Lan Núi…), các loài dược thảo quý (hà thủ ô, bí kỳ nam, cam thảo, nhân trần, đỗ trọng, sa nhân…) và một số loài sống ký sinh khác (phong lan, dương xỉ, dây leo bông trắng…).
Bên cạnh một hệ thực vật phong phú, hệ động vật ở đây cũng rất đa dạng bao gồm: 30 loài thú, trong đó 5 loài được ghi vào sách Đỏ Việt Nam như: sói rừng, khỉ bạch, vượn pillê…; 200 loài chim với 4 loài được ghi vào danh mục Đỏ của tổ chức IUCN và 3 loài ghi vào sách Đỏ Việt Nam; 50 loài bò sát, trong đó 9 loài được ghi vào danh mục IUCN và 18 loài ghi vào sách Đỏ trong nước…
Phần biển của Phú Quốc cũng rất đa dạng với các rạn san hô có hình dáng, kích cỡ khác nhau lung linh, lấp lánh trong nước biển. Nơi đây có gần 100 loài san hô cứng, gần 20 loài san hô mềm và 62 loài rong biển. Thêm vào đó, Khu hệ cá trong các rạn san hô biển cũng rất dồi dào với các loài cá mú, cá bướm và một số loài khác, trong đó, có một số loài rất quan trọng và quí hiếm như: trai tai tượng, ốc đun cái, đồi mồi, bò biển (dugong)… Với hệ sinh thái rừng và biển phong phú, Vườn Quốc gia Phú Quốc là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của nước ta. Hiện nay, Vườn Quốc gia Phú Quốc đang được bảo tồn, phát triển và tiếp tục nhân giống, sưu tầm những loài động vật hoang dã, quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH