Vườn quốc gia Tà Đùng, Đắk Nông

Vườn quốc gia Tà Đùng – nguồn: daknonggeopark.com

Khu Bảo tồn Thiên Nhiên (KBTTN) Tà Đùng được thành lập theo quyết định số 511/QĐ-UBND ngày 12 tháng 4 năm 2013 của UBND tỉnh Đăk Nông. Tới ngày 08/02/2018 theo  quyết định số 185/QĐ-Ttg KBTTN Tà Đùng được đổi tên thành VQG Tà Đùng.

Tổng diện tích tự nhiên của Vườn quốc gia Tà Đùng: 20.937,7 ha. Vùng đệm của Vườn quốc gia Tà Đùng có diện tích 24.582,91 ha, nằm trên địa bàn 7 xã giáp ranh với vườn quốc gia, thuộc hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng.

Nằm ở khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai, việc tích nước của hồ chứa thuộc công trình Thủy điện Đồng Nai 3 tại VQG Tà Đùng với diện tích mặt hồ là 3.400 – 5.700 ha đã tạo nên HST hồ – đảo với hơn 47 đảo, bán đảo lớn, nhỏ, với cảnh quan hết sức độc đáo.

Ngoài ra, VQG Tà Đùng nằm ở dãy núi giữa 2 cao nguyên Đắk Nông và Di Linh, vì vậy, khí hậu mang tính chất cao nguyên nhiệt đới ẩm, mát mẻ quanh năm, phù hợp với phát triển DLST, nghỉ dưỡng. Nhằm khai thác tiềm năng và tạo sức hút với du khách, từ năm 2014, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt Quy hoạch Khu DLST – văn hóa Tà Đùng, với tổng mức đầu tư 174 tỷ đồng. Định hướng quy hoạch các tuyến, điểm và sản phẩm du lịch rất đa dạng, gồm vui chơi, giải trí trên các hồ, đảo, cụm thác dưới tán rừng; du lịch thể thao – mạo hiểm mặt nước, mạo hiểm rừng bảo tồn, dã ngoại; DLST kết hợp nghỉ dưỡng; du lịch tín ngưỡng…

Sâu trong VQG Tà Đùng còn có rất nhiều dòng suối mát lạnh. Đó là suối Đắk N’teng, Đắk P’lao chảy qua những tảng đá tạo nên những dòng thác hùng vĩ như thác Bảy tầng, Mặt trời, Đắk Plao… Dòng nước mát lạnh với những cây cổ thụ phủ bóng mát rợp trời, cùng những tảng đá tự nhiên bằng phẳng là điểm dừng chân lý tưởng để nghỉ ngơi. Từ trên cao, du khách còn nhìn thấy được những buôn làng ở xã Đắk P’lao, Đắk Som, hay Đắk R’măng thấp thoáng trong mây trắng.

Từ nhiều năm nay, VQG Tà Đùng được đánh giá là một trong những khu vực giữ được màu xanh lớn, với lớp thảm thực vật rừng rộng chiếm tỷ lệ che phủ tới 85% diện tích vùng lõi. Ngoài ra, VQG Tà Đùng còn là sự giao thoa của các hệ sinh thái và sinh cảnh phong phú đã tạo điều kiện cho nhiều loại động, thực vật cư trú, sinh trưởng và phát triển. Hiện tại, VQG Tà Đùng có 574 loài động vật và hơn 1.400 loài thực vật, trong đó có nhiều loài thuộc diện quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng như hươu vàng, hổ, báo hoa mai, trăn gấm…

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH