Vườn quốc gia U Minh Thượng – nguồn TTXVN
Vườn quốc gia U Minh Thượng thuộc huyện U Minh Thượng tỉnh Kiên Giang, được nâng cấp từ khu Bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng lên thành Vườn quốc gia theo Quyết định số 11/QĐ-TTg ngày 14/1/2002 của Thủ tướng Chính phủ.
Vườn quốc gia U Minh Thượng là vườn quốc gia thứ 5 của Việt Nam được công nhận là Vườn Di sản ASEAN vào năm 2012. Đây cũng là Vườn di sản trên đất than bùn đầu tiên của khu vực. Đồng thời, Vườn được công nhận là khu Ramsar (vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế về sinh học và bảo tồn) thứ 8 của Việt Nam và thứ 2.228 của thế giới vào năm 2015.
Khu vực U Minh Thượng thuộc vùng lõi của Khu DTSQ Kiên Giang được công nhận ngày 27/10/2006.
Vườn quốc gia có tổng diện tích 21.107 ha, trong đó vùng lõi chiếm 8.038 ha, vùng đệm chiếm 13.069 ha. Đây là loại rừng với hệ sinh thái rừng nhiệt đới ngập nước thuộc loại rất hiếm trên thế giới. Hệ thống động thực vật tại Vườn quốc gia U Minh Thượng rất đa dạng và phong phú, thuộc vào bậc nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 32 loài thú, 186 loài chim, 39 loài bò sát lưỡng cư, 34 loài cá… Nhiều loài động vật tại đây như: Rái cá long mũi, Mèo cá, Bồ nông chân xám, Già đãy Java… được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Về thực vật, bên cạnh cây tràm (Melaleuca cajuputi) bản địa, còn có hơn 243 loài thực vật có mạch bậc cao, trong đó có nhiều loài cây thân gỗ cao, to như: Bùi, Mốp, Dấu, Trâm, Gáo…
Đặc biệt, trong hệ sinh thái rừng úng phèn của đồng bằng sông Cửu Long, duy nhất hệ thực vật rừng của vùng lõi Vườn Quốc gia U Minh Thượng có những đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh. Đó là các ưu hợp rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn, với diện tích gần 3.000 ha. Đây cũng là căn cứ của Cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Với đặc điểm này, Vườn quốc gia U Minh Thượng không chỉ là khu vực có các hệ sinh thái đặc trưng của vùng đất than bùn mà nơi đây còn được xem như khu di tích lịch sử của tỉnh Kiên Giang.VQG U Minh Thượng là một trong ba vùng ĐNN quan trọng nhất tại vùng ĐBSCL; có đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh. Đó là các ưu hợp của rừng hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn, trở thành một HST có tầm quan trọng đặc biệt; là nơi nuôi dưỡng, trú ngụ của nhiều động vật hoang dã, quý hiếm, đặc trưng và nguy cấp. VQG có thể mô tả với nét đặc trưng nhất như một HST rừng tràm thuộc vùng đầm lầy có than bùn. Nơi đây còn có gần 3.000 ha đất đầm lầy và đồng cỏ ngập nước – là khu vực lớn nhất và quan trọng nhất trong các khu rừng trong vùng U Minh.
Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH