Xây dựng mạng lưới kết nối các Vườn di sản ASEAN của Việt Nam mang lại ý nghĩa kinh tế, văn hóa và xã hội sâu rộng

Trong nỗ lực triển khai Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 (NBSAP), Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng mạng lưới kết nối các Vườn di sản ASEAN của Việt Nam (Chương trình Vườn di sản ASEAN là một trong những sáng kiến hợp tác ASEAN về môi trường). Các Vườn di sản ASEAN góp phần quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên, duy trì đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực Đông Nam Á nói chung và trong công tác bảo tồn nguồn gen, đảm bảo sử dụng bền vững các hệ sinh thái; duy trì các khu vực tự nhiên có giá trị văn hóa, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng đối với bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các quốc gia thành viên ASEAN nói riêng. Không chỉ vậy, những khu bảo tồn này không chỉ có giá trị sinh thái đặc biệt mà còn mang ý nghĩa kinh tế, văn hóa và xã hội sâu rộng.

Bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái quan trọng

Các Vườn Di sản ASEAN là nơi lưu giữ những hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, biển và núi đặc trưng của khu vực. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu và có nguy cơ tuyệt chủng, như sao la, bò tót, rùa biển, dugong và nhiều loài chim di cư; đóng vai trò như lá phổi xanh giúp điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước và chống xói mòn đất.

Góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

Thực tế cho thấy, rừng trong các vườn di sản hấp thụ lượng lớn CO₂, giúp giảm thiểu hiệu ứng nhà kính; trong khi các hệ sinh thái đất ngập nước và rừng ngập mặn đóng vai trò như lá chắn tự nhiên chống xâm nhập mặn, bảo vệ bờ biển khỏi bão lũ và nước biển dâng. Điều này duy trì sự cân bằng sinh thái, giúp hệ động thực vật thích nghi với môi trường đang thay đổi.

Phát triển du lịch sinh thái bền vững

Nhờ có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, các Vườn di sản đã góp phần không nhỏ trong thu hút du khách trong nước, quốc tế và các nhà nghiên cứu sinh học. Từ đó, thúc đẩy du lịch sinh thái có trách nhiệm, góp phần tạo việc làm, nâng cao giáo dục và nhận thức cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; giúp đóng góp kinh tế thông qua các hoạt động tham quan, nghiên cứu khoa học, dịch vụ du lịch và giáo dục môi trường.

Giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh

Nhiều Vườn Di sản ASEAN gắn liền với truyền thống, tín ngưỡng và văn hóa bản địa, ví dụ như Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng hay Vườn Quốc gia Côn Đảo được biết đến bởi dịch vụ du lịch sinh thái và khám phá biển đảo, hấp dẫn du khách với bãi biển hoang sơ, hoạt động lặn biển ngắm san hô, thả rùa con về biển; ngoài ra, nó còn mang giá trị lịch sử – văn hóa đặc biệt bởi đây từng là nhà tù lớn nhất thời Pháp thuộc và chế độ cũ. Không chỉ vậy, các Vườn di sản ASEAN còn là nơi bảo tồn các tri thức bản địa, phương thức canh tác truyền thống và văn hóa của các dân tộc thiểu số. Trong đó, một số khu vực còn mang ý nghĩa lịch sử quan trọng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về quá khứ và truyền thống của dân tộc.

Hợp tác khu vực và quốc tế trong bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

Việc công nhận Vườn Di sản ASEAN giúp tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực về bảo vệ rừng, động vật hoang dã và tài nguyên thiên nhiên. Quan đó, tạo điều kiện thuận lợi để các khu bảo tồn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế về nghiên cứu, bảo vệ và phát triển bền vững; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của ASEAN và Liên Hợp Quốc về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Có thể nói, các Vườn di sản ASEAN không chỉ có giá trị sinh thái đặc biệt mà còn mang ý nghĩa lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Việc bảo vệ và phát triển bền vững những khu bảo tồn này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược bảo tồn thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển du lịch sinh thái của cả khu vực Đông Nam Á./.

NBCA