Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc tới đây, nước này sẽ đưa vào sản xuất đại trà giống ngô biến đổi gen trong khi tiếp tục phát triển…
Hãng thông tấn Đức DW ngày 14/4 đưa tin, hôm Thứ Tư 13/4 Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tổ chức họp báo công bố kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển dịch sang sản xuất cây trồng nông nghiệp sử dụng công nghệ biến đổi gen trong vài năm tới.
Động thái này là một bước chuyển ngoặt rất lớn về mặt chính sách của Bắc Kinh đối với lĩnh vực cây trồng biến đổi gen.
Trước đó Trung Quốc chỉ có 2 loại cây trồng biến đổi gen được nhà nước công nhận chính thức, một là cây bông biến đổi gen kháng sâu bệnh, hai là cây đu đủ biến đổi gen kháng nấm.
Vụ trưởng Vụ Chuyển giao khoa học công nghệ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Liêu Tây Nguyên đã tuyên bố trong buổi họp báo, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc tới đây, nước này sẽ đưa vào sản xuất đại trà giống ngô biến đổi gen trong khi tiếp tục phát triển cây bông biến đổi gen trước đó.
Ngô là loại mặt hàng có sản lượng lớn nhất trong các giống cây lương thực ở Trung Quốc, tiểu mạch và lúa gạo vẫn xếp sau ngô. Tuy nhiên đại bộ phận ngô sản xuất ra được dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Chương trình Phân tích tài chính của đài Phượng Hoàng, Hồng Kông tin rằng, việc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc họp báo giới thiệu về kế hoạch thúc đẩy công nghệ biến đổi gen cho thấy thái độ và lập trường của Bắc Kinh với lĩnh vực này đã thay đổi hoàn toàn. Cây trồng biến đổi gen sẽ trở thành một ngành sản xuất quan trọng.
Hiện tại Trung Quốc vẫn chưa phải là nước sản xuất sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen chủ yếu, nhưng đã là một quốc gia tiêu thụ lớn những sản phẩm này.
Các loại sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen đã được phép nhập khẩu vào Trung Quốc hiện nay có đỗ tương, ngô, bông và hạt cải dầu để làm nguyên liệu gia công thực phẩm.
Sau khi Tập đoàn Hóa chất Trung Quốc ChemChina thâu tóm tập đoàn hàng đầu Thụy Sỹ về công nghệ nông nghiệp bao gồm biến đổi gen Syngenta với 43 tỉ USD, dường như Bắc Kinh đã hạ quyết tâm trở thành siêu cường trong lĩnh vực này, mặc dù vẫn còn những tranh cãi xung quanh tính an toàn của các loại thực phẩm có nguồn gốc biến đổi gen, cũng như nguy cơ đe dọa tính đa dạng sinh học.
Hiện tại Mỹ là nước có diện tích và sản lượng sản phẩm cây trồng biến đổi gen lớn nhất thế giới. 5 nước mới nổi trong lĩnh vực biến đổi gen hiện nay có Brazil, Argentina, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Tuy nhiên tổng sản lượng sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen năm 2015 của 5 nước này cộng lại chỉ xấp xỉ một nửa sản lượng sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen toàn cầu.