Kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại Vườn quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau

Ngày 18/6/2024, đoàn công tác của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cùng đại diện các Sở, ngành của tỉnh Cà Mau đã làm việc với Vườn quốc gia U Minh Hạ việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Trần Công Hoằng, Giám đốc cùng các lãnh đạo Ban quản lý.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Ban quản lý đã giới thiệu tổng quan về Vườn quốc gia U Minh Hạ. Vườn quốc gia nằm cách thành phố Cà Mau khoảng 20 km về phía Bắc, nằm trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An (huyện U Minh), Khánh Bình Tây Bắc, Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời).

Vườn quốc gia U Minh Hạ được xác lập theo các Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 20/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Ban Quản lý Rừng Đặc dụng Vồ Dơi thành Vườn quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau; Quyết định số 1024/QĐ-TTg ngày 07/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh tăng diện tích Vườn quốc gia U Minh Hạ tỉnh Cà Mau. Diện tích Vườn quốc gia theo Quyết định 1024/QĐ-TTg là 8.527,8 ha (trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 2.593,7 ha; phân khu phục hồi sinh thái: 5.190,5 ha; phân khu hành chính – dịch vụ: 743,6 ha).

Thảm thực vật rừng ở U Minh Hạ thuộc kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, kiểu phụ thổ nhưỡng úng nước phèn. Hình thành trong điều kiện ngập nước, đất chua. Đây là quần thể thực vật rừng lá cứng sau rừng ngập mặn, trong đó có loài Tràm (Melaleuca cajuputii) thuộc họ Sim (Myrtaceae) là cây bản địa của vùng Đông Nam Á. Những nơi rừng tràm thưa thớt, cháy rừng, loài Sậy phát triển mạnh, độ che phủ có thể lên đến hơn 90%. Ngoài ra có quần hợp Năng và Trảng dớn – choại (trên đất than bùn). Vào mùa mưa các loài thực vật thuỷ sinh ưa nước ngọt phát triển mạnh mẽ như Rau muống, Bèo cám, Bông súng…

Sau khi nghe Ban Quản lý Vườn quốc gia U Minh Hạ báo cáo tình hình thực hiện quy định của pháp luật và nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đoàn công tác đã hướng dẫn việc triển khai thực hiện các quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các nội dung liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Qua đó, ghi nhận nỗ lực của Ban quản lý trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học như: Ban hành các văn bản triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện một số giải pháp phát triển sinh kế cho người dân vùng đệm nhằm hạn chế áp lực đến công tác bảo vệ rừng, bảo tồn các loài hoang dã; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Hạt kiểm lâm 2 huyện U Minh, Trần Văn Thời và chính quyền địa phương vùng đệm mở nhiều lớp tuyên truyền, thành lập Câu lạc bộ xanh.…

Kết luận buổi làm việc, đoàn công tác đã đưa ra một số kiến nghị đối với Ban quản lý như sau:

(i) Nghiên cứu, thực hiện các quy định pháp luật về sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ: các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP); Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030).

(ii) Sớm triển khai, chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu báo cáo cấp thẩm quyền khắc phục những tồn tại, khó khăn./.

NBCA