Đàn sếu bay lượn quanh Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Phú Mỹ, huyện Giang Thành, sau đó đáp xuống tìm thức ăn.
Chiều 1/4, ông Lâm Hồng Tuấn, Phó giám đốc ban quản lý khu bảo tồn loài – sinh cảnh Phú Mỹ, cho biết đàn sếu xuất hiện ở vườn cách đây 4 ngày. Chín con sếu đậu tại bãi ăn, thuộc vùng đệm, gần ruộng lúa của người dân. Sau đó một ngày chúng tiếp tục quay lại kiếm ăn, chiều bay về Khu bảo tồn Anlung Pring (Campuchia) cách đó 3 km.
“Đàn sếu bay rất gần, kêu vang. Mọi người trong khu bảo tồn túa ra xem, ai cũng vui mừng”, ông Tuấn nói, cho biết mấy năm trước chủ ruộng gần bãi ăn đã nhìn thấy đàn sếu tương tự bay về khu bảo tồn.
Theo ông Tuấn, bãi nơi sếu đậu được đánh giá yên tĩnh, dồi dào thức ăn. Hai tuần trước ban quản lý đã đốt cỏ chủ động để giảm lớp thực bì. Ban quản lý đẩy mạnh tuyên truyền, hạn chế người dân xâm nhập trái phép vào khu bảo tồn, để giữ chân đàn sếu.
Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Phú Mỹ rộng 2.700 ha, được thành lập để quản lý, bảo tồn, khai thác cỏ bàng, gắn với nghề thủ công truyền thống địa phương. Với hệ sinh thái đất ngập nước, nơi đây vốn là địa điểm di cư quen thuộc của loài sếu.
Hôm 8/3, 4 sếu đầu đỏ cũng bay về Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp), cách khu bảo tồn Phú Mỹ chừng 120 km, sau hai năm vắng bóng.
Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất ngập nước (Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM), nói thời tiết khô hạn nên loài chim quý mở rộng địa bàn kiếm ăn. Ngoài ra những năm gần đây nông dân giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, góp phần phục hồi môi trường sinh thái đã thu hút sếu quay về Tràm Chim và Phú Mỹ.
“Sếu đầu đỏ rất nhạy với những tín hiệu từ môi trường. Chúng về Việt Nam là điều đáng mừng. Khi Chính phủ theo đuổi chiến lược làm nông nghiệp sạch, tương lai sếu sẽ còn về nữa”, ông nói.
Sếu đầu đỏ là loài chim quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Chim có điểm nổi bật là phần đầu, cổ trụi lông, màu đỏ, vằn trên cánh và đuôi màu xám. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m, sải cánh 2,2-2,5 m, nặng 8-10 kg. Sếu ba năm tuổi sẽ bắt cặp để sinh sản và mất một năm nuôi con trước khi đẻ lứa tiếp theo.
Cuối năm ngoái, Đồng Tháp thông qua đề án bảo tồn đàn sếu thực hiện trong 10 năm. Theo kế hoạch, tỉnh nhận chuyển giao 60 cặp sếu từ Thái Lan sau đó gầy đàn thêm 40 con. Sau quá trình chăm sóc, huấn luyện chúng được thả về tự nhiên tại vườn quốc gia Tràm Chim. Đến nay sếu chưa được đưa về vườn.
Theo Hội Sếu quốc tế, toàn thế giới ước tính có 15.000-20.000 sếu đầu đỏ, trong đó 8.000-10.000 con phân bố ở Ấn Độ, Nepal, Pakistan. Riêng loài sếu phương Đông (chủ yếu Việt Nam và Campuchia) từ năm 2014 ghi nhận khoảng 850 sếu đầu đỏ, song đến năm 2014 còn 234 con, hiện còn khoảng 160 con.
Theo vnexpress