An toàn sinh học (ATSH) là tập hợp các biện pháp, quy trình và chính sách nhằm bảo vệ sức khỏe con người, môi trường và đa dạng sinh học khỏi các nguy cơ từ vi sinh vật gây bệnh, sinh vật biến đổi gen (GMO), và các tác nhân sinh học khác. ATSH đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học, sản xuất thực phẩm, nông nghiệp và y tế.
ATSH là một trong những vấn đề được đề cập trong Công ước về Đa dạng sinh học (CBD). Khái niệm này đề cập đến nhu cầu bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường khỏi những tác động tiêu cực có thể có của các sản phẩm của công nghệ sinh học hiện đại. Đồng thời, công nghệ sinh học hiện đại cũng được công nhận là có nhiều tiềm năng phát triển cuộc sống con người, đặc biệt là đáp ứng được nhu cầu thiết yếu về thực phẩm, nông nghiệp và sức khoẻ.
Tại cuộc họp lần thứ hai được tổ chức tháng 11 năm 1995, Hội nghị các bên ATSH để xây dựng dự thảo Nghị định thư về ATSH, tập trung chủ yếu vào sự vận chuyển xuyên biên giới các sinh vật sống đã biến đổi do công nghệ sinh học hiện đại, có thể tác động tiêu cực đến bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Sau vài năm thương lượng, Nghị định thư này, với tên gọi là Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học thuộc Công ước Đa dạng sinh học, đã được hoàn thiện và thông qua tại Montreal ngày 29/01/2000 trong cuộc họp đặc biệt của các bên tham gia Công ước.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị định thư Cartagena, ngày 19/01/2004, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn và trở thành thành viên chính thức của Nghị định thư kể từ ngày 19/04/2004. Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối quốc gia đối với Nghị định thư này. Sau khi là thành viên của Nghị định thư, Việt Nam cần thực hiện các nghĩa vụ của mình chiểu theo các quy định được cam kết, trong đó bao gồm việc cung cấp thông tin cho Cổng thông tin về an toàn sinh học (BCH: Biosafety Clearing House) (theo quy định tại điều 20 của Nghị định thư này).
Ngày 21/06/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2010/NĐ-CP về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen. Tại Điều 46 quy định: Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất quản lý cơ sở dữ liệu về sinh vật biến đổi gen; duy trì Cổng thông tin điện tử về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen. Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý cơ sở dữ liệu về sinh vật biến đổi gen theo lĩnh vực quản lý hoặc trên địa bàn quản lý và có trách nhiệm cung cấp, trao đổi thông tin, dữ liệu về sinh vật biến đổi gen với Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ngày 22/8/2012, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 09/2012/TT-BTNMT về việc quy định việc cung cấp, trao đổi thông tin và dữ liệu về sinh vật biến đổi gen (GMO)
ATSH giúp bảo vệ đa dạng sinh học, sức khỏe con người và đảm bảo phát triển bền vững
Việc du nhập các sinh vật ngoại lai, sinh vật biến đổi gen có thể gây ra mất cân bằng sinh thái và đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên. ATSH giúp kiểm soát, quản lý và giảm thiểu tác động tiêu cực của các yếu tố này, đảm bảo sự đa dạng sinh học bền vững. ATSH không chỉ bảo vệ môi trường mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc kiểm soát chặt chẽ các công nghệ sinh học trong nông nghiệp, y tế và công nghiệp. Một hệ thống ATSH hiệu quả giúp cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Không chỉ vậy, dịch bệnh COVID-19 những năm vừa qua đã cho thấy tầm quan trọng của ATSH trong phòng chống dịch bệnh. Việt Nam đã có những bước tiến trong quản lý và giám sát dịch bệnh, nhưng hạ tầng xét nghiệm, khoanh vùng và đáp ứng nhanh vẫn còn những bất cập.
Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ATSH, bao gồm Luật đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường, các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật vẫn còn những hạn chế về nhân lực và đầu tư. Trong đó phải kể đến nguy cơ từ sinh vật biến đổi gen (GMO) khi việc sử dụng sinh vật biến đổi gen mang lại nhiều lợi ích cho nông nghiệp nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro đối với môi trường và đa dạng sinh học. Hiện nay, Việt Nam đã có các quy định quản lý GMO, kiểm soát an toàn sinh học trong phòng thí nghiệm và bảo vệ đa dạng sinh học.nhưng chưa đầy đủ và chặt chẽ.
An toàn sinh học là yếu tố then chốt đảm bảo phát triển bền vững và sức khỏe cộng đồng. Việt Nam cần có những chính sách đồng bộ, giải pháp toàn diện và đầu tư thích đáng để tăng cường an toàn sinh học trong tương lai. Việc tăng cường đào tạo nhân lực, đầu tư hạ tầng và thiết bị kỹ thuật để phát hiện sớm và đáp ứng kịp thời với các nguy cơ sinh học và tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để học hỏi và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong quản lý an toàn sinh học./.
NBCA