Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 74% diện tích, nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên, việc bảo vệ, phát triển rừng chưa gắn với phát triển kinh tế – xã hội dưới tán rừng, đặc biệt là ở các khu bảo tồn đã gây mất cân bằng sinh thái, đời sống người dân còn nhiều khó khăn khi chưa có sinh kế bền vững.
Chia sẻ về điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học của tỉnh, ông Minh cho biết: Bắc Kạn thuộc khu vực miền núi phía Bắc, là nơi có sự phân hóa đa dạng về địa hình và các kiểu hệ sinh thái. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 khu bảo tồn có hệ sinh thái phong phú, đa dạng, có các loài sinh vật quý, hiếm sinh sống, gồm: Vườn Quốc gia Ba Bể; Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ; Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc; Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 kiểu hệ sinh thái, gồm rừng tự nhiên trên núi đá vôi và núi đất; rừng trồng; đất canh tác nông nghiệp; khu vực dân cư; khu đất ngập nước Ramsar.
Về thành phần loài sinh vật, qua nghiên cứu điều tra, tỉnh Bắc Kạn có 1.816 loài thực vật bậc cao có mạch; 86 loài thú (trong đó có 34 loài có giá trị bảo tồn ở mức quốc gia và toàn cầu); 321 loài chim; 105 loài lưỡng cư và bò sát; 1.158 loài côn trùng. Trong số 146 loài cá, có 6 loài cá quý hiếm cần được bảo tồn có trong sách đỏ Việt Nam.
Nguồn gen bản địa về cây trồng và vật nuôi của tỉnh Bắc Kạn rất phong phú, có nhiều nguồn gen mang tính giá trị cao trong thực tiễn sản xuất như các giống cây trồng hồng không hạt, cam, quýt, lê Ngân Sơn, khoai môn, chè tuyết, gừng đá, lúa nếp Khẩu nua Lếch, lúa Bao thai, Khẩu nua Pái Chợ Đồn và một số cây dược liệu quý… Ngoài ra, nguồn gen động vật quý hiếm tại Bắc Kạn có giống bò, trâu, gà của đồng bào Mông, lợn địa phương, vịt bầu cổ xanh, dê cỏ, ngựa bạch… với nhiều đặc điểm ưu việt.
Hiện nay, người dân trong tỉnh đang sử dụng 38 loài cây trồng với hàng trăm giống khác nhau trong sản xuất nông nghiệp, phân loại là các giống cây trồng bản địa và các giống cây trồng mới. Về cây dược liệu, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã mở rộng diện tích trồng đạt 111,65 ha ngoài ra với những loại dược liệu đem lại giá trị kinh tế cao. Một số loại cây được chế biến thành tinh dầu, tinh bột như quýt, nghệ, hồi, quế.
Người dân cũng ưu tiên chăn nuôi các loài gia súc và gia cầm giống trong nước như lợn Móng cái, lợn Mán, bò vàng, bò H’Mông; trâu, gà Ri, gà Mía, gà Tre, gà Chọi, một số giống ong nội…
Mặc dù vậy, theo Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn, những nguồn gen này đang có nguy cơ bị suy thoái về giống do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong những năm gần đây, việc đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đã làm cho diện tích rừng tự nhiên có chất lượng bị thu hẹp, mục đích sử dụng đất bị chuyển đổi, tài nguyên sinh vật bị khai thác quá mức. Nhiều giống mới du nhập vào tỉnh không được kiểm soát và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.
“Địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 74% diện tích che phủ rừng, nhưng bà con chủ yếu chỉ trồng rừng. Việc bảo vệ, phát triển rừng ko gắn với phát triển kinh tế – xã hội gây mất cân bằng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn khi chưa có sinh kế bền vững. Tỉnh Bắc Cạn đã có nhiều văn bản để hướng dẫn người dân ngoài nhận hỗ trợ thì cần làm gì để tăng thêm thu nhập, nhưng đây vẫn là vấn đề còn nhiều trăn trở” – ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ.
Bên cạnh đó, nạn phá rừng làm nương rẫy, cháy rừng; khai thác lâm sản quá mức, săn bắn chim thú trái phép, đánh bắt thủy sản bằng các biện pháp hủy diệt; việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật quá mức không theo quy định, đặc biệt hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với việc bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh, tác động xấu đến nơi cư trú ổn định, sinh tồn và phát triển của các loài động vật quý.
Ngoài ra, công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều quy định chi tiết về vi phạm hành chính liên quan đến quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài, bảo tồn tài nguyên di truyền, về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích… vẫn chưa được cụ thể trong các văn bản hiện hành cũng là nguyên nhân góp phần làm suy giảm đa dạng sinh học toàn tỉnh Bắc Kạn.
Triển khai Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Bắc Kạn tập trung tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Đa dạng sinh học, các văn bản có liên quan về ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ và phát triển bền vững đa dạng sinh học, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn.
Từ năm 2017 đến nay, Sở TN&MT đã tổ chức 18 hội nghị tập huấn tuyên truyền đa dạng sinh học với số lượng tham gia của khoảng 1.500 lượt người tham gia. Đối tượng là cán bộ công tác quản lý môi trường, đa dạng sinh học tại UBND các huyện Chợ Đồn, Na Rì, Ba Bể và thành phố Bắc Kạn, Ban quản lý KBT thiên nhiên Kim Hỷ, Ban quản lý KBT loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, Ban quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể, Hạt kiểm lâm thành phố Bắc Kạn, cán bộ tại một số xã nằm trong vùng lõi, vùng đệm các KBT. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn sinh học của người dân góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái và môi trường.
Tỉnh cũng triển khai công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý cho cán bộ làm công tác bảo tồn tại các khu bảo tồn và các cơ quan quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học cũng được thực hiện. Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học. Đồng thời, rà soát, bổ sung, xây dựng các văn bản quy định về quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên theo Luật Đa dạng sinh học.
Một trong những giải pháp quan trọng là tìm kiếm, đa dạng hóa các nguồn tài chính đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học và tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước. Ưu tiên lồng ghép các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học vào các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tỉnh cũng đang tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh lân cận về bảo tồn đa dạng sinh học, phối hợp thực hiện tốt quy hoạch hành lang đa dạng sinh học Ba Bể (Bắc Kạn) – Na Hang (Tuyên Quang). Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực đào tạo, chuyển giao công nghệ, tư vấn kỹ thuật về đa dạng sinh học.
Nguồn BÁO ĐIỆN TỬ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG