Báo cáo chi tiết về kết quả Hội nghị các Bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP10)

Địa điểm: Hội nghị lần thứ 10 các Bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP10) được tổ chức tại trung tâm Hội nghị thành phố Nagoya, Nhật Bản. – Thời gian: từ ngày 18/10/2010 đến hết ngày 29/10/2010. – Thành phần tham dự: + Hơn 16.000 đại biểu từ 193 quốc gia tham gia Công ước, các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ, khoa học hoạt động trong/liên quan đến lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học. + 05 nguyên thủ quốc gia, 122 bộ trưởng tham dự phiên họp cấp cao về đa dạng sinh học trong khuôn khổ COP10.

 

+ Thành phần của Đoàn Việt Nam bao gồm:
•    Ông Phạm Anh Cường, Phó Cục trưởng phụ trách, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đoàn;
•    Bà Huỳnh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Đa dạng sinh học, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành viên;
•    Ông Dương Thanh An, Phó Cục trưởng, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành viên;
•    Bà Nguyễn Ngọc Linh,Trưởng phòng, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành viên;
•    Ông Lê Minh Sắt, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ các nhành kinh tế – kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ; Thành viên;
•    Bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thành viên;
•    Ông Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Thành viên;
•    Ông Đặng Công Khôi, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế,Bộ Tài Chính, Thành viên;
•    Ông Nguyễn Mạnh Hiệp, Chuyên viên, Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Thành viên;
•    Bà Nguyễn Thị Minh Hoạt, Phóng viên báo Giáo dục và thời đại, Bộ Giáo dục và đào tạo, Thành viên.
– Các hoạt động chính của Đoàn Việt Nam:
Đoàn đã tham dự các phiên họp trong các ngày 18-29/10/2010 thảo luận 29 chủ đề chính thức của Cuộc họp (Đoàn đã có ý kiến về tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực thực hiện Công ước; đóng góp ý kiến cụ thể cho việc hoàn thiện Kế hoạch, Chiến lược của Công ước cũng như nhiều nội dung quan trọng khác trong quá trình thảo luận); phiên họp cấp cao trong các ngày 27-29/10/2010 và nhiều sự kiện bên lề khác tại COP10 (Đoàn đã tiếp xúc làm việc với một số đối tác như Tổ chức Hợp tác phát triển Nhật Bản, Tổ chức Xu hướng rừng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan hỗ trợ kỹ thuật Đức, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF)….thảo luận về một số nội dung hợp tác trong lĩnh vực đa dạng sinh học).


2. Chương trình Cuộc họp COP10 
2.1. Các phiên họp thảo luận

Trong các ngày 18-29/10/2010, mỗi ngày cuộc họp chia làm hai phiên thảo luận (sáng và chiều) thảo luận 29 chủ đề chính thức, mỗi phiên chia 2 nhóm thảo luận chính thức tiến hành song song với các nội dung khác nhau. Ngoài ra, hàng trăm các sự kiện bên lề đã được tiến hành trước, trong và sau các phiên thảo luận:
– Các vấn đề về tổ chức: Khai mạc; Bầu nhân sự; Thông qua chương trình; Tổ chức cuộc họp; Báo cáo về năng lực của các đại diện cho COP10; Các vấn đề còn tồn đọng; Thời gian và địa điểm tổ chức COP11;
–    Xem xét các báo cáo: báo cáo của các cuộc họp chuẩn bị liên ngành và khu vực; Báo cáo của GEF; Báo cáo của Ban thư ký về các vấn đề hành chính của công ước và ngân sách cho quỹ uỷ thác của công ước;
–    Nghị định thư về Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích;
–    Các vấn đề chiến lược để đánh giá tiến độ và hỗ trợ thực hiện;
–    Các vấn đề thảo luận sâu;
–    Các vấn đề quan trọng khác từ các quyết định của COP;
–    Các vấn đề hành chính và ngân sách;
–    Kết luận;
2.2. Các sự kiện đặc biệt tại COP10
– Phiên họp cấp cao (cấp Bộ trưởng) trong các ngày 27-29/10/2010;
– Hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học thành phố năm 2010 trong các ngày 24-26/10/2010;
– Cuộc họp đại diện các Nghị sỹ với đa dạng sinh học trong các ngày 25-26/10/2010.
3. Các kết quả chính của Cuộc họp COP10
COP10 đã thông qua 47 quyết định về các nội dung quan trọng của Công ước và Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích.
3.1. Các quyết định (47) về các nội dung quan trọng của Công ước:
(1)    Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích;
(2)    Kế hoạch chiến lược 2011-2020;
(3)    Chiến lược huy động nguồn lực của CBD giai đoạn 2011-2020;
(4)    Báo cáo Triển vọng đa dạng sinh học toàn cầu;
(5)    Triển khai Công ước;
(6)    Nghèo đói và Phát triển;
(7)    Các mục tiêu và chỉ số;
(8)    Tuyên bố về thập kỷ đa dạng sinh học 2011-2020;
(9)    Chương trình hoạt động dài hạn;
(10)    Báo cáo quốc gia lần thứ 5;
(11)    Thành lập Diễn đàn liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái IPBES;
(12)    Tăng cường hoạt động của SBSTTA;
(13)    Những vấn đề mới phát sinh;
(14)    Các kết luận hết hiệu lực;
(15)    Cơ chế chia sẻ thông tin (CHM);
(16)    Hợp tác khoa học và kỹ thuật;
(17)    Chuyển giao công nghệ và hợp tác;
(18)    Chiến lược toàn cầu về bảo tồn thực vật;
(19)      Chương trình truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức (CEPA) và Năm quốc tế đa dạng sinh học;
(20)    Vấn đề Giới;
(21)     Hợp tác với các công ước khác;
(22)     Khối kinh tế và đa dạng sinh học;
(23)     Kế hoạch hành động thành phố và đa dạng sinh học;
(24)     Hợp tác Nam – Nam;
(25)    Cơ chế tài chính – Hướng dẫn đánh giá;
(26)    Bổ sung hướng dẫn cho Cơ chế tài chính;
(27)    Cơ chế tài chính – Nhu cầu đánh giá cho GEF 6;
(28)    Cơ chế tài chính  – Chuẩn bị đánh giá lần 4;
(29)    Đa dạng sinh học vùng nước nội địa;
(30)    Đa dạng sinh học biển và ven bờ;
(31)    Đa dạng sinh học núi;
(32)    Các khu bảo tồn;
(33)    Sử dụng bền vững đa dạng sinh học;
(34)    Đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu;
(35)    Đa dạng sinh học nông nghiệp;
(36)    Đa dạng sinh học của các vùng đất khô và bán ẩm;
(37)    Đa dạng sinh học rừng;
(38)    Nhiên liệu sinh học và đa dạng sinh học;
(39)    Sinh vật ngoại lai xâm hại;
(40)    Sáng kiến phân loại toàn cầu;
(41)    Điều  8(j) và các điều khoản liên quan – Cơ chế thúc đẩy dự tham ;gia của cộng cồng địa phương và người bản địa;
(42)    Điều 8(j) và các điều khoản liên quan – Các yếu tố của hệ thống quy định riêng về tri thức bản địa;
(43)    Điều 8(j) và các điều khoản liên quan – Các yếu tố của Luật bản địa;
(44)    Điều 8(j) và các điều khoản liên quan – MYOW;
(45)    Các biện pháp khuyến khích;
(46)    Hành chính và Ngân sách 2011-2012;
(47)    Địa điểm và thời gian họp COP11.

3.2. Các kết luận quan trọng được tổng hợp, báo cáo trong các văn bản sau:
(1) Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (Nagoya Protocol on Access to Genetic Resources and the Fair and Equitable Sharing of Benefits Arising from their Utilization to the Convention on Biological Diversity – Nagoya Protocol on ABS – Nghị định thư ABS):
–    Nghị định thư quy định khung pháp luật quốc tế về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích trên cơ sở các Thỏa thuận thông báo trước (prior informed consent – PIC) và Thỏa thuận chung (mutually agreed terms – MAT), trong đó tính đến vai trò quan trọng của tri thức bản địa liên quan;
–    Mục tiêu của nghị định thư là sự chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen từ việc tiếp cận thích hợp nguồn gen và chuyển giao công nghệ phù hợp, xem xét tất cả các quyền đối với nguồn tài nguyên và công nghệ đó và với nguồn ngân quỹ thích hợp, từ đó, đóng góp cho việc bảo tồn ĐDSH và việc sử dụng bền vững các thành phần của ĐDSH. (Điều 1, Nghị định thư ABS);
–    Nghị định thư áp dụng đối với các nguồn gen được quy định tại điều 15 của Công ước đa dạng sinh học và các lợi ích thu được từ việc sử dụng các nguồn gen đó; các tri thức bản địa liên quan đến nguồn gen trong phạm vi điều chỉnh của công ước và lợi ích thu được từ việc sử dụng các tri thức đó;
–    Nghị định thư yêu cầu các quốc gia thành viên một số nội dung như: thành lập cơ quan thẩm quyền quốc gia về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; hoàn thiện pháp luật quốc gia; thiết lập cơ chế kiểm soát việc sử dụng nguồn gen, trong đó cần thiết lập điểm đăng ký (checkpoint), cung cấp/tham gia Ngân hàng dữ liệu về ABS thuộc Cơ chế chia sẻ thông tin của CBD (CHM);
–    Nghị định thư để mở cho các quốc gia đưa ra những quy định chi tiết trong pháp luật quốc gia về các thủ tục, nội dung, phạm vi cụ thể của việc tiếp cận nguồn gen, tiếp cận các tri thức bản địa liên quan đến nguồn gen cũng như các yêu cầu về PIC và MAT trên cơ sở phù hợp với quy định chung của Nghị định thư;
–    Nghị định thư dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2012;
–    Nghị định thư để mở cho các bên tham gia ký kết, phê chuẩn kể từ ngày 2 tháng 2 năm 2011 đến ngày 1 tháng 2 năm 2012.
Các nội dung chủ yếu của Nghị định thư:
Ghi nhận tầm quan trọng của nguồn gen đối với an ninh lương thực, sức khỏe, bảo tồn ĐDSH và giảm nhẹ và thích nghi với biến đổi khí hậu; ghi nhận mối liên hệ giữa tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng hợp lý các lợi ích phát sinh từ sử dụng nguồn gen đó, ghi nhận tầm quan trọng của việc cung cấp các cơ sở pháp lý dưới góc độ tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng hợp lý lợi ích phát sinh từ nguồn gen, ghi nhận tầm quan trọng của việc thúc đẩy đàm phán trên cơ sở điều khoản thỏa thuận với nhau giữa các bên cung cấp và sử dụng nguồn gen; ghi nhận các văn kiện quốc tế liên quan đến tiếp cận và chia sẻ có thể hỗ trợ lẫn nhau để cùng đạt các mục tiêu của công ước;
–    Về nội dung chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích, Nghị định thư quy định:  các lợi ích được chia sẻ trên cơ sở sự nhất trí giữa bên cung cấp và bên sử dụng một cách công bằng và hợp lý. Các bên sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp với mục đích đảm bảo sự chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích. Các lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen được chia sẻ trên cơ sở điều khoản nhất trí với nhau như quy định tại Điều 8(j), 15, 16 và 19 của CBD. Các lợi ích có thể bao gồm lợi ích tiền tệ và phi tiền tệ, bao gồm nhưng không giới hạn như đã liệt kê tại Phụ lục 1;
–    Các bên sẽ thực hiện các biện pháp chính sách, hành chính, pháp lý thích hợp để đảm bảo chia sẻ lợi ích công bằng và hợp lý các lợi ích phát sinh từ việc sử dụng các tri thức truyền thống gắn liền nguồn gen với các cộng động địa phương và bản địa nắm giữ tri thức đó. (Điều 4, Nghị định thư ABS);
–    Về nội dung tiếp cận nguồn gen, Nghị định thư quy định: việc thực hiện trong phạm vi chủ quyền quốc gia tối cao đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên, việc tiếp cận nguồn gen là đối tượng của nguyên tắc đồng thuận thông báo trước trừ khi được các bên quy định khác. Các bên sẽ thực hiện các biện pháp chính sách, hành chính và pháp lý thích hợp để nhằm: cung cấp thông tin để làm thế nào áp dụng đồng thuận thông báo trước, cung cấp một quyết định bằng văn bản rõ ràng và minh bạch bởi một cơ quan quốc gia có thẩm quyền với cách thức hiệu quả tiết kiệm nhất trong một khoản thời gian hợp lý nhất; nếu có thể, tùy theo quy định của luật pháp quốc gia, đặt ra các tiêu chí và/hoặc tiến trình phù hợp để đạt được đồng thuận thông báo trước hoặc thông qua và sự tham gia của cộng đồng địa phương và bản địa về tiếp cận nguồn gen và thiết lập những quy tắc và thủ tục rõ ràng để yêu cầu và thiết lập điều khoản thỏa thuận với nhau. Những điều khoản này phải thể hiện bằng văn bản và bao gồm: điều khoản giải quyết tranh chấp, quy định về chia sẻ lợi ích bao gồm bất kỳ quyền sở hữu trí tuệ, điều khoản sử dụng của bên thứ ba nếu có và điều khoản thay đổi nội dung phù hợp. Các bên sẽ tự ra quyết định ban hành đồng thuận được thông báo trước sẵn sàng cho cơ chế trao đổi thông tin được thiết lập theo Điều 11 (Điều 5, Nghị định thư ABS);
–    Đối với trường hợp nghiên cứu và khẩn cấp, nghị định thư quy định các bên sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy và khuyến khích các nghiên cứu liên quan đến ĐDSH với việc xem xét tầm quan trọng của nó đối với bảo tồn ĐDSH và sử dụng bền vững các thành phần, xem xét tới điều 12 (b) của CBD và xem xét tầm quan trọng đối với nguồn gen cho lương thực và nông nghiệp và vai trò của nó đối với an ninh lương thực và giảm nhẹ thích nghi đối với biến đổi khí hậu. Điều 6, Nghị định thư);
–    Về hợp tác xuyên biên giới, Nghị định thư quy định trong trường hợp cùng một nguồn gen được tìm thấy tại chỗ trong lãnh thố của hơn một thành viên CBD thì khuyến khích các bên bên hợp tác phù hợp có sự tham gia của cộng đồng địa phương bản địa có liên quan cùng thực thi nghị định thư. Trong trường hợp có cùng tri thức truyền thống gắn liền nguồn gen được chia sẻ bởi một hoặc nhiều cộng đồng địa phương bản địa của một số các bên CBD, các bên sẽ thiện chí hợp tác phù hợp với sự tham gia của cộng đồng địa phương bản địa liên quan để thực thi Nghị định thư (Điều 8, Nghị định thư);
–    Về tri thức truyền thống gắn liền với nguồn gen, Nghị định thư quy định trong khi thực thi các nghĩa vụ theo nghị định thư, các bên sẽ xem xét cân nhắc nếu có thể các tri thức truyền thống gắn liền với nguồn gen. Các bên với sự tham gia hiệu quả của cộng đồng địa phương và bản địa liên quan sẽ thiết lập cơ chế thông báo cho những người sử dụng tiềm năng tri thức truyền thống gắn liền với nguồn gen về nghĩa vụ của họ để tiếp cận và chia sẻ công bằng lợi ích phát sinh từ việc sử dụng tri thức này. Các bên sẽ thiện chí hỗ trợ một cách phù hợp cho sự phát triển của cộng đồng địa phương bản địa bao gồm cả phụ nữ trong các công đồng đó, về: thỏa thuận cộng đồng liên quan đến tiếp cận tri thức truyền thống gắn liền với các nguồn gen và chia sẻ công bằng hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng đó, các yêu cầu tối thiểu cho điều khoản nhất trí với nhau để đảm bảo chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng tri thức truyền thống, các điều khoản hợp đồng mẫu về chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng tri thức truyền thống gắn liền với nguồn gen; các bên CBD trong quá trình thực hiện nghị định thư này không hạn chế việc sử dụng và trao đổi nguồn gen thông lệ và các tri thức truyền thống trong và giữa các cộng đồng địa phương bản địa phù hợp với mục tiêu của CBD. (Điều 9, Nghị định thư);
–    Về đầu mối quốc gia và cơ quan có thẩm quyền quốc gia, Nghị định thư yêu cầu các bên phải chỉ định một đầu mối quốc gia về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Đầu mối quốc gia phải tạo thông tin sẵn sàng để: các bên tham gia tìm kiếm việc tiếp cận nguồn gen, tri thức gắn liền với nguồn gen, bao gồm các phát sinh, các thông tin về thủ tục để đạt được đồng thuận thông báo trước và thiết lập điều khoản nhất trí với nhau, bao gồm chia sẻ lợi ích, thông tin về các cơ quan có thẩm quyền quốc gia, các cộng đồng địa phương và bản địa phù hợp và các bên liên quan.  (Điều 10, Nghị định thư). Cơ quan đầu mối quốc gia phải chịu trách nhiệm liên lạc với Ban thư ký. Mỗi quốc gia thành viên phải bố trí một hoặc nhiều các cơ quan có thẩm quyền quốc gia về ABS. Phù hợp với các biện pháp luật pháp, hành chính và chính sách quốc gia, các cơ quan có thẩm quyền quốc gia sẽ thực hiện trách nhiệm cấp phép tiếp cận hoặc phù hợp ban hành các bằng chứng bằng văn bản về các yêu cầu tiếp cận cần được đáp ứng và trách nhiệm tư vấn phù hợp các thủ tục và yêu cầu để đạt được đồng thuận thông báo trước và tham gia điều khoản thống nhất với nhau. Một quốc gia thành viên có thể bố trí một đơn vị để vừa thực hiện chức năng đầu mối quốc gia vừa là cơ quan có thẩm quyền quốc gia. (Điều 10, Nghị định thư);
–    Về việc tuân thủ luật pháp về ABS, Nghị đinh thư quy định mỗi bên sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp, hiệu quả, hợp lý đối với nguồn gen được sử dụng trong phạm vi thẩm quyền quốc gia đã được tiếp cận phù hợp với đồng thuận thông báo trước và điều khoản thỏa thuận với nhau đã được thiết lập như yêu cầu của quy định quốc gia về ABS của các bên. Các bên sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp, hiệu quả, hợp lý để giải quyết các trường hợp không tuân thủ với các biện pháp đã được thông qua như tại khoản1. Các bên sẽ hợp tác trong trường hợp có sự vi phạm được viện dẫn về ABS. (Điều 12, Nghị định thư);
–    Về việc giám sát và báo cáo việc sử dụng nguồn gen (Điều 13), các bên sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp để giám sát việc sử dụng nguồn gen để tăng cường cho việc minh bạch. Việc xác định các điểm kiểm tra yêu cầu được ban hành phù hợp với điều 5: cơ quan có thẩm quyền quốc gia (CNA) ở nước sử dụng, cơ quan nghiên cứu phù hợp với ngân quỹ công, các thực thể công bố kết quả nghiên cứu liên quan đến sử dụng nguồn gen, cơ quan có thẩm quyền quy định quy tắc và thông qua thị trường sản phẩm. Yêu cầu công khai phải đáp ứng được việc cung cấp các bằng chứng là một chứng nhận được ban hành phù hợp với yêu cầu đồng thuận thông báo trước và điều khoản nhất trí với nhau, khuyến khích các công cụ liên lạc tiết kiệm chi phí và hệ thống giám sát việc sử dụng nguồn gen. Một chứng nhận quốc tế về tuân thủ được coi là bằng chứng cho việc tiếp cận nguồn gen đã tuân thủ nguyên tắc đồng thuận thông báo trước và và điều khoản nhất trí với nhau phù hợp với quy định cụ thể của luật pháp quốc gia về ABS có nguồn gen;
–    Ngoài các quy định cơ bản trên, Nghị định thư cũng quy định về cơ chế trao đổi thông tin và chia sẻ thông tin (Điều 11), không tuân thủ đối với yêu cầu công khai bắt buộc, tuân thủ các điều khoản nhất trí với nhau (Điều 14), các điều khoản hợp đồng mẫu (Điều 15), bộ quy tắc ứng xử, các hướng dẫn và thực tiễn, chuẩn mực tốt nhất (Điều 16) Nâng cao nhận thức (Điều 17), Xây dựng năng lực (Điều 18), cơ chế tài chính và nguồn lực (Điều 19), cuộc họp các bên tham gia nghị định thư (Điều 20), các tổ chức hỗ trợ, ban thư ký, mối quan hệ với công ước, giám sát và báo cáo, đánh giá và rà soát, ký kết nghị định thư.
(2) Kế hoạch chiến lược của CBD giai đoạn 2011-2020 (gọi tắt là Kế hoạch chiến lược Aichi):
Kế hoạch chiến lược Aichi bao gồm 20 mục tiêu chính, chia thành 5 nhóm mục tiêu chiến lược nhằm giải quyết các nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học, giảm áp lực lên đa dạng sinh học, giám sát đa dạng sinh học, tăng cường lợi ích do đa dạng sinh học cung cấp và tăng cường năng lực. Trong đó, những mục tiêu quan trọng cần phải đạt:
– Ít nhất giảm hoặc, ở những nơi có thể, giảm xuống 0% tỷ lệ mất sinh cảnh tự nhiên, bao gồm cả rừng;
– Bảo đảm 17% các khu vực trên cạn, vùng nước nội địa, 10% khu vực biển và ven biển được bảo tồn và quản lý thích đáng;
– Thông qua bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, các chính phủ sẽ phục hồi ít nhất 15% các khu vực bị suy thoái;
– Giảm các áp lực đối với rạn san hô;
– Lồng ghép khung kế hoạch chiến lược về đa dạng sinh học vào quy hoạch, kế hoạch quốc gia về đa dạng sinh học trong vòng 3 năm tới.
Các hoạt động mang tính chiến lược cần phải tập trung vào các nguyên nhân gây suy thoái ĐDSH với tầm nhìn dài hạn. Điều này đòi hỏi một sự nhất quán trong chính sách và sự tích hợp ĐDSH vào tất cả các chính sách và chiến lược phát triển quốc gia và các ngành (sector) kinh tế ở tất cả các cấp quản lý.  Các cách tiếp cận nhằm đạt được điều này bao gồm một phức hệ các vấn đề liên quan tới truyền thông, giáo dục, nhận thức cộng đồng, lượng giá, các sáng kiến, và sử dụng rộng rãi và hiệu quả hơn các công cụ quy hoạch như đánh giá môi trường chiến lược. Các bên tham gia của tất cả các ngành quản lý nhà nước, xã hội và kinh tế bao gồm cả lĩnh vực kinh doanh cần phải được lôi kéo (engage) vào như là những đối tác của các hoạt động này. Mọi công dân và những người sử dụng ĐDSH cần phải được huy động tham gia vào công tác bảo tồn và sử dụng bền vững, nhằm giảm chỉ số “dấu chân sinh thái” với sự hỗ trợ của các chính phủ;
– Các nước thành viên, căn cứ vào tình hình cụ thể của từng nước, nên xây dựng hệ thống các mục tiêu, các cam kết và biện pháp pháp lý của quốc gia nhằm thực hiện các mục tiêu của Công ước thông qua việc xây dựng các Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo tồn đa dạng sinh học cho giai đoạn tới. Các nước thành viên, thông qua báo cáo quốc gia lần thứ 5 và 6, sẽ báo cáo Công ước về kết quả cũng như quá trình, tình hình xây dựng và thực thi các mục tiêu, cam kết, biện pháp này.
(3) Chiến lược huy động nguồn lực của CBD giai đoạn 2011-2020:
– Chiến lược huy động nguồn lực nhấn mạnh rằng các cơ chế tài trợ mới, sáng tạo sẽ bổ sung, tuy nhiên, không thay thế cơ chế tài trợ của CBD; việc triển khai chiến lựợc ở cấp quốc gia cần bao gồm việc xây dựng chiến lược quốc gia về huy động nguồn lực với sự tham gia của các bên liên quan chủ chốt; yêu cầu Quỹ Môi trường toàn cầu cung cấp tài chính cho việc xây dựng chiến lược này trong Kế hoạch hành động đa dạng sinh học quốc gia giai đoạn tới. Hội nghị nhất trí về việc cần thiết tăng ngân sách hỗ trợ cho triển khai công ước;
– Trên cơ sở tầm nhìn và 8 mục tiêu của chiến lược, COP10 đã thông qua các chỉ tiêu nhằm kiểm soát việc thực thi chiến lược; các nguồn tài chính theo các hạng mục (tương ứng với các nhóm vấn đề của Công ước); tài trợ thông qua GEF;
– Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản công bố thành lập Quỹ Đa dạng sinh học Nhật Bản với khoản tài trợ 2 tỷ USD cho giai đoạn 3 năm đầu triển khai Kế hoạch chiến lược của Công ước. Nhiều quốc gia cam kết tài trợ như Pháp, Thụy điển, Cộng đồng Châu âu. Khoảng 110 triệu đô la được huy động thông qua Sáng kiến Mạng luới sự sống của CBD (CBD LifeWeb Initiative) cho chương trình về khu bảo tồn;
– Quỹ môi trường toàn cầu GEF vẫn là kênh hỗ trợ tài chính lớn nhất của Công ước. Giai đoạn từ 2010-2014, GEF sẽ điều chỉnh chiến lược tài trợ phù hợp với định hướng của CBD trong giai đoạn mới.
(4) Chương trình hoạt động dài hạn của Công ước (2011-2020):
– Tại COP10, đã thông qua: COP-11 sẽ được tổ chức vào năm 2012 tại Ấn Độ; COP 12 dự kiến sẽ được tổ chức vào năm 2014 hoặc 2015, việc này sẽ được quyết định tại COP11; thời điểm tổ chức COP 13 sẽ được quyết định tại COP12; Công ước sẽ tổ chức 02 cuộc họp Nhóm tư vấn kỹ thuật SBSTTA (Subsidiary Body on Scientific, Technical and Technological Advice ) các lần thứ 4 và 5;
– Trong giai đoạn 3 năm đầu của Kế hoạch, Công ước tập trung vào việc:
+ Rà soát, triển khai Kế hoạch chiến lược thông qua việc xây dựng Quy hoạch, Kế hoạch, Chiến lược và hệ thống chỉ tiêu quốc gia phù hợp với định hướng của Công ước;
+ Đẩy mạnh việc tăng cường hỗ trợ thực hiện Kế hoạch Chiến lược của Công ước cho các nước đang phát triển, đảo nhỏ hoặc các quốc gia có nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, chú trọng vào các nội dung: hỗ trợ tài chính, tăng cường năng lực, huy động sự tham gia của các bên liên quan (cộng đồng, khối kinh tế…), giáo dục và nâng cao nhận thức, cơ chế chia sẻ thông tin (CHM);
+ Tăng cường hợp tác thông qua thực hiện Tuyên bố thập kỷ đa dạng sinh học, hợp tác giữa các công ước;
+ Tập trung hỗ trợ nghiên cứu các biện pháp hệ sinh thái; quan trắc đa dạng sinh học.
+ Triển khai thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích;
– Trong giai đoạn 2 năm tiếp theo, sẽ tập trung vào các nội dung: đánh giá việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch quốc gia về đa dạng sinh học; đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch chiến lược của Công ước; đánh giá việc hỗ trợ các thành viên thực hiện Kế hoạch chiến lược; đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; bổ sung kế hoạch dài hạn đến 2020 của Công ước.
(5) Diễn đàn liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái – IPBES:
COP10 ủng hộ sáng kiến về Diễn đàn liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái – IPBES (Intergovermental Platform on Biodiversity & Ecosystem service) nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến việc mất đa dạng sinh học, suy thoái hệ sinh thái và các chức năng sinh thái cũng như ảnh hưởng của việc này đối với sự thịnh vượng của loài người. Việc quyết định chức năng, nhiệm vụ cũng như việc thành lập một Ban thư ký của IPBES dự kiến đặt tại Bonn, Đức sẽ được Ban thư ký công ước xem xét kiến nghị. Diễn đàn này, nếu được xây dựng, sẽ tạo ra một động lực mới cho bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là cho việc tăng cường nguồn lực tài chính.
(6) Báo cáo quốc gia lần thứ 5 cho Công ước đa dạng sinh học:
– Ban thư ký công ước thông qua hướng dẫn mới về việc xây dựng báo cáo quốc gia lần thứ 5;
– Các bên tham gia được yêu cầu xây dựng báo cáo theo hướng dẫn và trình báo cáo quốc gia lần 5 lên CBD trước 31 tháng 3 năm 2014.
(7) Thập kỷ đa dạng sinh học:
– Công ước đề nghị Hội đồng Liên hợp quốc đưa ra tuyên bố về Thập kỷ đa dạng sinh học 2011-2020 nhằm khẳng định quyết tâm đạt được những mục tiêu thiên niên kỷ cũng như đảm bảo việc triển khai toàn diện Công ước, nhấn mạnh tầm quan trọng của nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học;
– Khuyến nghị các quốc gia thành viên cần tích cực tham gia thực hiện Tuyên bố này.
(8) Hệ thống khu bảo tồn:
– Củng cố và phát triển hệ thống khu bảo tồn quốc gia, tăng cường năng lực tài chính và kỹ thuật quản lý hiệu quả khu bảo tồn;
– Huy động các thành phần tham gia quản lý khu bảo tồn, đặc biệt là cộng đồng địa phương;
– Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia nhằm triển khai Kế hoạch hành động về khu bảo tồn của Công ước đa dạng sinh học;
– Lồng ghép Kế hoạch hành động cho các khu bảo tồn vào các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học. Hoàn thành chậm nhất là 6 tháng trước Cuộc họp lần thứ 12 của Công ước;
– Áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái nhằm mở rộng phạm vi bảo tồn của các khu bảo tồn tới các sinh cảnh trên đất liền, biển liên quan; xây dựng các khu vực liên kết bảo tồn, hành lang đa dạng sinh học;
– Tập trung phát triển hệ thống khu bảo tồn đất ngập nước và biển, trong đó chú trọng tới việc bảo đảm duy trì dịch vụ hệ sinh thái của các khu vực này;
– Tham khảo các hướng dẫn, kinh nghiệm hiện có (đặc biệt là các tài liệu về TEEB – Các vấn đề kinh tế của đa dạng sinh học và hệ sinh thái) đánh giá giá trị các khu bảo tồn, dịch vụ hệ sinh thái, thí điểm và nhân rộng các mô hình đánh giá hiệu quả.
(9) Một số khuyến nghị cần quan tâm của Công ước đối với các vấn đề thảo luận chuyên sâu:
–    Thông qua Kế hoạch hành động thành phố và đa dạng sinh học (Plan of action on cities and biodiversity) với sự tham gia của hơn 200 thị trưởng; khuyến nghị các quốc gia thành viên tham gia và thực hiện Kế hoạch này;
–    Thông qua Kế hoạch hành động dài hạn Nam-Nam về hợp tác Đa dạng sinh học cho Phát triển (The Multi-Year Plan of Action on South-South Cooperation on Biodiversity for Development). Khuyến nghị các quốc gia thành viên nghiên cứu, tích cực tham gia thực hiện kế hoạch, vận dụng các kết quả nghiên cứu, các kênh tài chính được xác định để thực hiện kế hoạch cấp quốc gia;
–    Thông qua Chiến lược toàn cầu về Bảo tồn thực vật. Khuyến nghị các nuớc thành viên triển khai thực hiện chiến lược này;
–    Khuyến nghị việc hợp tác giữa CBD và các công ước RIO, đặc biệt là Công ước khung về BĐKH (UNFCCC). Trên cơ sở kết quả của cuộc họp sắp tới của UNFCCC sẽ chuẩn bị các quyết định liên quan tới BĐKH và ĐDSH trình COP 11 ra quyết định. Nhấn mạnh rằng việc triển khai REDD+ (Chương trình giảm thiểu phát thải khí nhà kính thông qua giảm suy thoái rừng) cần có những biện pháp thực hiện và giám sát phù hợp để đảm bảo REDD+ đạt được mục tiêu chống BĐKH và bảo tồn đa dạng sinh học;
–    Khuyến nghị các nước thành viên tích cực truyền thông và nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học; thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự vào việc thực hiện Công ước đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học tại mỗi quốc gia;
–    Khuyến nghị các nước thành viên thúc đẩy áp dụng các biện pháp kinh tế trong bảo tồn đa dạng sinh học như chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PES) và bồi hoàn đa dạng sinh học (BBOP), tận dụng tối đa các hướng dẫn và kết quả nghiên cứu của TEEB (Các vấn đề kinh tế của đa dạng sinh học và hệ sinh thái);
–    Khuyến nghị các nước thành viên áp dụng phương pháp tiếp cận thận trọng đối với nhiên liệu sinh học, đặc biệt quan tâm tới vấn đề sinh vật ngoại lai trong sản xuất nhiên liệu sinh học.