Ngày 18/01 vừa qua, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên môi trường đã tổ chức hội thảo “Đánh giá hiện trạng và định hướng giải pháp tăng cường bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam”.
Hội thảo có sự tham gia và chủ trì của TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cùng đại diện các Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế cùng nhiều chuyên gia.
Tại hội thảo, đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã giới thiệu tổng quan về các văn bản chính sách, pháp luật về công tác bảo tồn các loài chim hoang dã nguy cấp, quý, hiếm di cư tại Việt Nam.
Hội thảo cũng đã nghe các chuyên gia báo cáo đánh giá hiện trạng và vùng chim/khu vực sinh cảnh quan trọng của các loài chim nước di cư, qua đó bước đầu đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý, bảo tồn các loài chim nước di cư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng chỉ ra những mối đe dọa với các loài chim như nạn săn bắt, buôn bán trái phép, chia cắt sinh cảnh, gây nuôi, biến đổi khí hậu,…Trong đó, nạn săn bắt, buôn bán trái phép các loài chim trong mùa di cư là một trong những vấn đề nóng trước mắt cần có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học chủ trì hội thảo
Theo ý kiến của TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, các giải pháp trọng tâm để bảo tồn các loài chim nước trong thời gian tới bảo gồm: hoàn thiện hành lang pháp lý; làm tốt công tác rà soát đánh giá các vùng chim quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng quốc gia và quốc tế sẽ thiết lập được hệ thống các khu vực bảo vệ và bảo vệ sinh cảnh; áp dụng mô hình bảo tồn các khu vực hiệu quả khác (OECMs), xây dựng cơ sở dữ liệu về các loài chim hoang dã, di cư, kết hợp với nghiên cứu khoa học để đẩy mạnh công tác bảo vệ sinh cảnh, bảo tồn các loài này hiệu quả hơn.
Liên quan đến sự tham gia của cộng đồng, các đại biểu cũng đồng tình cần thực hiện các mô hình bảo tồn dựa vào cộng đồng. Trong đó, thiết lập OECMs là sinh cảnh của các loài chim nước, di cư; cùng với đó tăng cường tham gia, phối hợp với các mạng lưới khu vực và quốc tế như các Sáng kiến đường bay, đánh giá khả năng Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về các loài di cư (Công ước CMS) và thúc đẩy hợp tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân để tăng cường hiệu quả cho công tác bảo tồn chim hoang dã, chim di cư tại Việt Nam.
Các đại biểu tham gia hội thảo
Cuối cùng, công tác tăng cường năng lực, truyền thông và nâng cao nhận thức cũng được các đại biểu tham dự nhấn mạnh như một giải pháp quan trọng. Bên cạnh nâng cao chất lượng các chương trình truyền thông, vấn đề nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, đặc biệt là các cán bộ địa phương cũng cần được ưu tiên sẽ giúp các đơn vị cấp cơ sở chủ động thực hiện hoạt động bảo tồn và kế hoạch truyền thông một cách hiệu quả