Tầm quan trọng của việc bảo tồn hổ
Hổ được đánh giá là loài có nguy cơ tuyệt chủng ở mức Cực kỳ nguy cấp (CR) trong Sách đỏ IUCN kể từ năm 1986. Tính đến năm 2015, quần thể hổ hoang dã toàn cầu được ước tính có khoảng từ 3.062 đến 3.948 cá thể trưởng thành, giảm khoảng 100.000 cá thể (95%) so với đầu thế kỷ 20. Trong số những loài nguy cấp quý hiếm, hổ nằm trong nhóm bị đe dọa cao nhất vì thường xuyên là mục tiêu của nạn săn trộm, nuôi nhốt, buôn bán trái phép. Tại Việt Nam, hổ trong tự nhiên gần như biến mất do các nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ hổ như cao hổ, móng hổ, da hổ,…vẫn còn tồn tại và tình trạng vi phạm quy định pháp luật về bảo tồn hổ vẫn còn diễn ra.
Chính sách, pháp luật về bảo tồn hổ
Theo quy định quốc tế, hổ thuộc Phụ lục I của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES). Công ước CITES quy định việc buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã và phân cấp việc cho phép buôn bán các loài theo các mức độ khác nhau tại Phụ lục I, II, III. Đối với các loài thuộc Phụ lục I trong đó có loài hổ, việc buôn bán quốc tế loài và mẫu vật loài vì mục đích thương mại là hoàn toàn bị nghiêm cấm. CITES có riêng một Nghị quyết đối với hổ và các loài mèo lớn trong đó nêu rõ quan điểm nghiêm cấm buôn bán, trao đổi vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, CITES lại cho phép gây nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo một số loài thuộc Phụ lục. Đối với hổ, CITES có khuyến nghị như sau “Các quốc gia là thành viên hoặc không là thành viên mà có lãnh thổ của hổ và các loài mèo lớn châu Á khác được nuôi nhốt phải đảm bảo các biện pháp quản lý và kiểm soát thỏa đáng nhằm ngăn chặn các bộ phận và dẫn xuất của hổ được đưa vào buôn bán trái phép thông qua các cơ sở đó” (Nghị quyết 12.5 tại COP17). Ban Thư ký cũng thông qua Quyết định 14.69 về các loài mèo lớn châu Á, trong đó nêu rõ “Các Bên tham gia công ước có các cơ sở nuôi sinh sản hổ ở quy mô thương mại phải thực hiện các biện pháp hạn chế quần thể gây nuôi ở mức hỗ trợ cho công tác bảo tồn hổ hoang dã; hổ không được nuôi sinh sản để buôn bán các bộ phận và dẫn xuất của chúng”.
Việt Nam tham gia Công ước CITES từ năm 1994 và có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của CITES. Các quy định này cũng được nội luật hóa trong các văn bản qui phạm pháp luật liên quan: Luật Đa dạng sinh học (2008), Luật Lâm nghiệp (2017), Luật Thủy sản (2017), Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (sau đây viết tắt là Nghị định 160), Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây viết tắt là Nghị định 06)… Theo đó, các hành vi liên quan đến hổ được quy định như sau:
Việc nuôi hổ chỉ được thực hiện để ‘Phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và tạo giống ban đầu được thực hiện tại cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học’ (Nghị định 160). Cũng theo Nghị định 06, quy định về nuôi các loài thuộc phụ lục kèm theo Nghị định (bao gồm loài hổ) vì mục đích thương mại và mục đích phi thương mại, việc nuôi loài này phải kèm theo một số điều kiện, trong đó quan trọng là đảm bảo nguồn giống hợp pháp và được quan khoa học CITES Việt Nam công bố có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát; và được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản việc nuôi sinh sản, sinh trưởng không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài có liên quan trong tự nhiên.
Việc khai thác loài hổ cũng chỉ “Phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và tạo nguồn giống ban đầu” (Nghị định 160) hoặc “Phục vụ các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học; Tạo nguồn giống gốc phục vụ nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo; Phục vụ công tác đối ngoại theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (theo Nghị định 06).
Việc xuất khẩu, nhập khẩu hổ, mẫu vật hổ “chỉ được thực hiện nhằm phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái hoặc tạo nguồn giống ban đầu” (Nghị định 160). Theo Nghị định 06, đối với mẫu vật của hổ tự nhiên hay hổ được nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo, việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển phải có chứng chỉ, giấy phép CITES đi kèm cho các mục đích như làm vật lưu niệm, không vì mục đích thương mại mà phục vụ nghiên cứu khoa học, ngoại giao và tham gia triển lãm, biểu diễn xiếc hoặc mẫu vật tiền Công ước.
Các hành vi khác như chế biến, kinh doanh, quảng cáo, trưng bày vì mục đích thương mại mẫu vật của hổ chỉ được thực hiện đối với hổ có nguồn gốc nuôi sinh sản từ thế hệ F2 trở về sau (Điểm b khoản 2 Điều 29 Nghị định 06). Các hành vi vận chuyển, cất giữ…cũng chỉ được thực hiện khi đảm bảo mẫu vật hổ có nguồn gốc hợp pháp. Các hành vi trao đổi, mua, bán, tặng cho, thuê, lưu giữ, vận chuyển mẫu vật hổ cũng chỉ được thực hiện vì mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và tạo nguồn giống ban đầu và có giấy phép do cơ quan thẩm quyền cấp (Nghị định 160). Hổ hoặc mẫu vật hổ tịch thu từ các vụ vi phạm cũng được quy định rõ ràng về chế độ xử lý, theo thứ tự ưu tiên: thả lại nơi tự nhiên nếu khỏe mạnh, cứu hộ nếu bị thương bị bệnh, hoặc chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng hoặc tiêu hủy nếu động vật bị chết (Điều 14, Nghị định 160). hộ.
Việc vi phạm các quy định pháp luật về hổ được xử lý nghiêm, cụ thể các vi phạm về hổ sẽ bị phạt tối đa 15 năm tù giam đối với cá nhân và 15 tỷ đồng đối với pháp nhân thương mại theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 – BLHS). Tùy thuộc vào số lượng cá thể hổ bị nuôi nhốt, giết hại cũng như tính chất nghiêm trọng của vụ việc, người phạm tội sẽ bị xử phạt theo các khoản tương ứng của điều luật. Ngoài Bộ luật Hình sự, các văn bản dưới luật cũng có những quy định mức phạt cụ thể đối với vi phạm liên quan đến hổ. Trong đó, theo Điều 50, Nghị định 158/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP), hành vi quảng cáo bán các sản phẩm, bộ phận của hổ được coi là hành vi quảng cáo hàng cấm và sẽ bị xử phạt hành chính từ 70 – 100 triệu đồng.
Trên thực tế, đã rất nhiều đối tượng bị xử lý hình sự vì các vi phạm liên quan đến hổ như đầu năm 2020, Nguyễn Hữu Huệ, ‘trùm’ buôn bán hổ xuyên quốc gia bị tuyên án 6 năm tù[1]; tháng 07/2021 bị cáo Đinh Nhật Nghệ bị tuyên án 2 năm tù vì tội mua hổ nấu cao[2]; hay vụ Vũ Văn Lực bị tuyên án 30 tháng tù giam và 50 triệu đồng vì tàng trữ hổ trái phép[3].
Bên cạnh các quy định pháp luật bảo vệ hổ, nước ta cũng tích cực triển khai các giải pháp bảo tồn hổ thông qua Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014 – 2022 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16 tháng 4 năm 2012. Chương trình được xây dựng và ban hành nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Hổ tại Liên bang Nga năm 2010, trong đó các quốc gia đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng hổ trong tự nhiên tại các quốc gia có hổ sinh sống. Chương trình này tập trung ngăn chặn các hành vi săn bắt hổ trái phép cũng như xác lập khu vực ưu tiên bảo tồn hổ với mục tiêu tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022.
Thực thi pháp luật về bảo tồn hổ
Tại Việt Nam, dấu tích cuối cùng của hổ trong tự nhiên được phát hiện từ năm 2002 và đến nay gần như mất dấu của hổ trong tự nhiên.
Chúng ta chỉ còn lại hổ đang được nuôi nhốt và không đủ điều kiện cũng như nguồn lực cần thiết để kiểm tra, nghiên cứu và xem xét khả năng và triển khai các chương trình tái thả hay phục hồi quần thể hổ trong tự nhiên. Hiện nay, theo số liệu khảo sát thì có khoảng 15 cơ sở đang nuôi nhốt hổ với tổng số cá thể khoảng 227 con (WLP, 2021) trong đó chủ yếu là để phục vụ mục đích trưng bày, tham quan và chưa tính đến các cá thể đang được nuôi trái pháp luật và không được biết đến. Ngoài các cá thể hổ đang được nuôi nhốt tại các trung tâm cứu hộ (là tang vật tịch thu từ các vụ buôn bán trái phép), vườn thú nhà nước (Thủ Lệ, Thảo cầm viên Sài Gòn), khu du lịch tư nhân (Vinpearl Phú Quốc, FLC, Mường Thanh…) nằm trong sự quản lý của cơ quan chức năng, còn có các cá thể hổ được các hộ dân bất chấp các quy định pháp luật, lén lút mua con giống và nuôi nhốt để làm thịt nấu cao hoặc bán trái phép các sản phẩm từ hổ. Điển hình như chuyên án triệt phá mới đây tại tỉnh Nghệ An, bắt giữ 17 cá thể hổ trưởng thành nuôi nhốt trái phép và 7 cá thể hổ con vận chuyển trái phép từ Lào về. Kể cả các cơ sở đã được cấp phép, cũng đã có hiện tượng lợi dụng để buôn bán trái phép các loài hoang dã, bao gồm cả hổ. Thực tế cho thấy, một số trang trại nuôi hổ đã lợi dụng mác nuôi bảo tồn hổ để buôn bán hổ trái phép. Hình thức này rất tinh vi, đòi hỏi cần có hành lang pháp lý chặt chẽ để ngăn chặn và xử lý kịp thời. Các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hổ và mẫu vật hổ cũng thường xuyên diễn ra bất chấp các quy định pháp luật.
Hổ là loài thú ăn thịt lớn và hung dữ, chưa kể đến chi phí mua con giống, chi phí nuôi và chăm sóc, lưu giữ để đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi không phải là nhỏ. Tại các trung tâm cứu hộ, khả năng tiếp nhận hổ từ các vụ tịch thu, bắt giữ là rất hạn chế bởi cơ sở vật chất cũng như nguồn lực để tiếp nhận. Hiện nay, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tại Sóc Sơn, một trung tâm cứu hộ của nhà nước, cũng chỉ đủ khả năng nuôi, tiếp nhận một vài cá thể hổ và ở đây hổ cũng chỉ được ở trong chuồng. Chưa hề có cơ sở cứu hộ nào được đầu tư và đủ khả năng tiếp nhận hổ với số lượng trên chục con. So với gấu, với hai cơ sở được đầu tư bài bản là Trung tâm cứu hộ gấu Tam đảo và Cơ sở cứu hộ Gấu Ninh Bình với tổng số hơn 200 cá thể thì với hổ hầu như chưa có hạ tầng nào đủ lớn để có thể so sánh. Do vậy, như vụ việc bắt giữ 17 cá thể hổ trưởng thành, mỗi con nặng 200-250kg tại Nghệ An gần đây, các cơ quan chức năng đã rất khó khăn trong nỗ lực tìm nơi chăm sóc và tiếp nhận số lượng tang vật lớn này và phải nhờ đến Khu Du lịch sinh thái Mường Thanh nuôi hộ. Chiểu theo Nghị định 06, các vườn động vật được phép tiếp nhận và cứu hộ động vật hoang dã còn sống bị tịch thu. Rõ ràng, sự đầu tư cho các cơ sở cứu hộ của nhà nước chưa thỏa đáng so với yêu cầu thực tế, thậm chí chưa so sánh được với các cơ sở tư nhân.
Việc nhân nuôi, tái thả và phục hồi quần thể hổ trong tự nhiên lại càng thách thức. Hổ là một loài động vật có lãnh thổ hoạt động rất rộng, và các cá thể phân tán trên khoảng cách lên tới 650 km để đến với quần thể hổ ở các khu vực khác. Ở Việt Nam, một số khu bảo tồn đã từng ghi nhận dấu tích của hổ như Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, và Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp, VQG Vũ Quang, VQG Yok Đôn…và được xác định là nơi tập trung các nỗ lực bảo tồn tại chỗ. Đã có những nghiên cứu và nỗ lực nhằm phục vụ cho nỗ lực bảo tồn và phục hồi hổ nhưng mới chỉ dừng lại ở điều tra, nghiên cứu mặc dù một số khu các hoạt động bảo vệ thú mồi của hổ đã được triển khai khá hiệu quả như tại VQG Pù Mát. Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ vì thế mà cũng chưa được triển khai hiệu quả. Trên thế giới, đã có một số nỗ lực tái thả hổ như tại Ấn độ, Trung Quốc, Nga nhưng để nói thành công thì chưa thực sự có mô hình nào. Ở Việt Nam, các nỗ lực từ việc nghiên cứu, nhân nuôi cho đến tái thả hổ hầu như là chưa có.
Năm 2007, 43 cá thể hổ tại Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ cho phép các cơ sở nuôi tiếp tục nuôi thí điểm để phục vụ công tác bảo tồn, cụ thể là Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương, Công ty TNHH Vườn Bách Thú Đại Nam và Doanh nghiệp tư nhânThanh Cảnh. Ngoài ra, hai cơ sở khác cũng đang nuôi loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm là loài hổ theo dạng hậu xử lý vi phạm với phương án do Bộ NNPTNT đề xuất và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao gồm Trang trại hổ Nguyễn Mậu Chiến ở Thanh Hóa và Trang trại hổ Nguyễn Khắc Thường ở Thái Nguyên. Tuy nhiên, kết quả từ những trại nuôi thí điểm này và những đóng góp cho công tác bảo tồn hổ hầu như chưa có báo cáo nào chính thức công bố.
Giải pháp để tăng cường công tác bảo tồn hổ
Với thực trạng hiện nay khi các vấn đề liên quan đến hổ hiện nay chủ yếu là các vấn đề về buôn bán, gây nuôi trái phép và hạ tầng hỗ trợ công tác bảo tồn hổ còn chưa được đầu tư. Các giải pháp cần chú trọng bao gồm:
Rà soát toàn diện và điều tra hiện trạng các cơ sở gây nuôi hổ trên toàn quốc và lập cơ sở dữ liệu hổ gây nuôi tại Việt Nam; Thực hiện gắn chip theo dõi và quản lý chặt chẽ, tránh nguy cơ các cơ sở lợi dụng và trà trộn hổ không rõ nguồn gốc;
Lập các chuyên án triệt phá các cơ sở gây nuôi trái phép hổ trên toàn quốc;
Đánh giá năng lực cứu hộ đối với hổ nói riêng và các loài ĐVHD nói chung của các cơ sở cứu hộ; lập kế hoạch và quy hoạch kiện toàn năng lực cứu hộ cho các cơ sở cứu hộ đối với các loài thú lớn;
Rà soát, điều chỉnh và thống nhất các quy định pháp luật quản lý hoạt động gây nuôi hổ tránh những mâu thuẫn và chồng chéo và đảm bảo tuân thủ pháp luật về đa dạng sinh học;
Tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người dân về pháp luật bảo vệ hổ, đặc biệt phát hiện và tố giác các cơ sở gây nuôi hổ trái phép để đảm bảo an toàn cho người dân và đóng góp cho công tác bảo tồn hổ;
Trong khu vực Đông Nam Á, tổ chức WWF đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực có thể giúp phục hồi quần thể hổ tại khu vực. Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào nỗ lực chung của khu vực bằng các nỗ lực kiểm soát chặt chẽ hoạt động gây nuôi và buôn bán trái phép hổ bên cạnh các nỗ lực bảo vệ các sinh cảnh an toàn cho loài hổ./.
NBCA