Vườn di sản ASEAN Ngọc Linh không chỉ là một kho tàng đa dạng sinh học phong phú mà còn là nơi hội tụ của nhiều kiểu, loại hình hệ sinh thái đặc biệt. Với vị trí địa lý và điều kiện khí hậu đặc thù, Vườn sở hữu một sự phân bố hệ sinh thái đa dạng, từ rừng núi đến thảm thực vật đặc trưng, tạo nên một môi trường sống lý tưởng cho hàng nghìn loài động, thực vật quý hiếm.
Kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình
Chiếm 23,3% tổng diện tích tự nhiên Vườn di sản, phân bố chủ yếu trên các đỉnh và sườn núi cao của dãy núi Ngọc Linh, kiểu rừng này ít bị tác động, độ tàn che khá cao. Tổ thành chủ yếu là cây lá rộng, một vài điểm xen cây lá kim và chủ yếu gặp Thông 5 lá mọc rải rác tại các sườn đỉnh, đỉnh và dông núi cao, nhưng do chúng phân bố tản mạn nên được xếp chung vào kiểu rừng này; ưu thế thực vật là các loài thuộc họ Long não, họ Dẻ, họ Chè, họ Mộc Lan, họ Hoa Hồng. Các loài cây gỗ của kiểu rừng này có đường kính tương đối lớn, trung bình 25 -30 cm, chiều cao bình quân 16-20m, trữ lượng rừng bình quân đạt 200 – 300m3/ha. Ở kiểu thảm này còn xuất hiện kiểu rừng lùn trên các sườn dông và đỉnh dông của các đỉnh cao trong vùng phổ biến từ 2.300m trở lên.
Kiểu thảm này có đặc trưng với cây thấp lùn, có rêu phong bám dày, tầng mùn chưa phân huỷ dày đến 60-70 cm. Tầm vóc cây biến đổi tuỳ độ dốc và mặt bằng và mật độ cây rất dày, khoảng 20.000 cây/ha; chúng mọc trên tầng mùn chưa phân giải, có cảm giác rùng rình như ở trên đỉnh.
Kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa á nhiệt đới núi thấp
Có diện tích lớn nhất trong Vườn di sản, chiếm tới 40,0% tổng diện tích tự nhiên KBT. Phân bố rộng khắp các khu vực sườn của dãy núi Ngọc Linh, Ngọc Lum Heo, Ngọc Pâng cho đến các dãy núi chân đèo Lò Xo, các đỉnh dưới 1.800 m và vùng Cổng Trời. Kiểu rừng này ít bị tác động; ưu thế là cây lá rộng sinh trưởng tốt chủ yếu là các cây họ Dẻ, họ Long não, họ mộc lan, họ Sến, họ Xoan, họ Bồ hòn, … Các loài cây gỗ của kiểu rừng này có đường kính khá lớn, trung bình 30 -35 cm, chiều cao bình quân 18-22 m, trữ lượng rừng bình quân khá cáo từ 300 – 400m3/ha. Ở kiểu rừng này là môi trường sống chủ đạo của Sâm ngọc linh.
Kiểu rừng kín là rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi thấp
Chiếm 4,3% tổng diện tích tự nhiên Vườn di sản. Phân bố chủ yếu ở khu vực Làng Đung và ven suối Đăk Mek, thác Đăk Làng, …. Thực vật tạo rừng chủ yếu là các loài thuộc họ Re, họ Dẻ, họ Xoan, họ Xoài, họ Mộc lan, họ Dâu tằm, họ Sến, họ Bồ hòn, họ Đậu, họ Na, họ Ngũ gia bì, họ Trám, họ Vang. Đây là kiểu rừng có diện tích không lớn so với các kiểu rừng còn lại nhưng đã đóng góp tính đa dạng hệ sinh thái nơi đây. Do phân bố tại các vùng thấp, gần khu dân cư nên nhiều hoạt động từ các cộng đồng cư dân bản địa tác động đến tài nguyên rừng thường diễn ra.
Kiểu rừng kín thường xanh cây lá rộng, lá kim
Chiếm 0,4% tổng diện tích tự nhiên Vườn di sản. Phân bố rải rác thành từng đám lớn nhỏ khác nhau trong KBT, với nhiều loài cây lá kim có cá thể to lớn, xen kẽ với các loài lá rộng hình thành nên kiểu rừng hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim này. Tầng tán được tạo bởi những loài cây lá rộng đan xen với loài cây lá kim bao gỗm các loài như: Thông 5 lá, Thông 3, Thông tre, Thông nàng…
Kiểu rừng thưa cây lá kim hơi khô nhiệt đới, á nhiệt đới núi thấp
Chiếm 9,1% tổng diện tích tự nhiên Vườn di sản, tổ thành thực vật rừng loài Thông ba lá chiếm ưu thế tuyệt đối ở tầng trên, cấu trúc rừng vùng này gần như đồng tuổi, tầng dưới tán rừng vẫn xuất hiện một số cây gỗ nhỏ, lá rộng thường xanh mọc xen kẽ như: Sơn trâm, Dẻ quả dẹt, Sồi trắng,…
Kiểu rừng thứ sinh nhân tác mưa ẩm nhiệt đới, á nhiệt đới núi thấp: Chiếm 15,3% tổng diện tích tự nhiên Vườn di sản. Phân bố chủ yếu ở đai cao từ 300-800 m, thuộc khu vực sườn chân của dãy Ngọc Linh. Kiểu rừng này được hình thành từ nương rẫy bỏ hoang hay sau khai thác kiệt. Thành phần thực vật tham gia tổ thành khá phong phú, phổ biến ở các loài Dẻ, Bời lời,, Lòng trứng, họ Long não, Chò xót, một số loài Ba soi, Ba bét, Sòi, Thổ mật, Vạng trứng, một số loài Trám, Bưởi bung.
Kiểu phụ thứ sinh tre nứa và hỗn giao gỗ nứa
Chiếm 5,2% diện tích tự nhiên Vườn di sản. Phân bố chủ yếu ở tiểu khu 20, 72 và khu vực xã Xốp. Tại những lâm phần thuần loại xuất hiện các loài như: Tre quả thịt, Nứa lâm viên, Lồ ô. Rừng hỗn giao gỗ và tre nứa thường xuất hiện sau khi phát nương làm rẫy rồi bỏ hoá lâu năm, với các loài cây gỗ mọc hỗn giao phổ biến là Bời lời, Lòng mang, Vạng trứng, Hu đay, Dẻ, Ba soi, Thôi ba, Sòi, Lá nến…
Các kiểu và loại hình hệ sinh thái tại Vườn di sản ASEAN Ngọc Linh không chỉ đa dạng về mặt cấu trúc mà còn có sự phân bố độc đáo, phản ánh sự phong phú của thiên nhiên nơi đây. Sự phân bố của các hệ sinh thái này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học mà còn duy trì sự ổn định của môi trường sống cho các loài động, thực vật đặc hữu. Việc nghiên cứu và hiểu rõ các hệ sinh thái tại Vườn Ngọc Linh sẽ giúp chúng ta có những giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ, phát huy giá trị thiên nhiên, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững trong khu vực./.
NBCA